Nhân sự mới Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính Trị, Thường trực Ban Bí thư vừa ký ban hành Quyết định số 1974-QĐNS/TW về việc đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương tham gia Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
- 21-01-2015Ông Phan Đình Trạc điều hành Ban Nội chính Trung ương
- 21-02-2013Ông Phan Đình Trạc thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An
Theo Ban Nội chính Trung ương, đồng chí Phan Đình Trạc sinh năm 1958, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư tỉnh ủy Nghệ An, là đại biểu Quốc hội khóa 12, 13 thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An.
Từ tháng 01/2013, đồng chí Phan Đình Trạc được điều động giữ chức Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương. Từ tháng 01/2015, đồng chí được giao nhiệm vụ Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương.
Với việc bổ sung đồng chí Phan Đình Trạc, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng gồm 17 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập theo Quyết định số 162-QĐ/TW ngày 01/02/2013 của Bộ Chính trị. Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định chủ trương, định hướng về cơ chế, chính sách, pháp luật, giải pháp phòng, chống tham nhũng. Thảo luận, quyết định các nội dung công tác trọng tâm, chương trình làm việc hằng năm và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng.
Chỉ đạo, đôn đốc, điều hoà phối hợp các cấp ủy, tổ chức đảng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng.
Chỉ đạo các cấp ủy và tổ chức đảng trực thuộc Trung ương thông qua hoạt động thuộc phạm vi trách nhiệm của mình làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng; những sơ hở, bất hợp lý về cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền đưa ra biện pháp ngăn ngừa, khắc phục.
Chỉ đạo các cấp ủy và tổ chức đảng trực thuộc Trung ương phối hợp kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra trong phòng, chống tham nhũng. Chỉ đạo, đôn đốc điều tra, truy tố, xét xử đối với vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm…