Những chính sách mới có hiệu lực từ ngày 01/12/2014
Gia hạn đổi giấy phép lái xe ô tô; áp dụng khung giá đất mới; chính sách hỗ trợ tiền điện; Nhiều thuận lợi trong đăng ký xác định quốc tịch Việt Nam... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2014.
Nhiều thuận lợi trong đăng ký xác định quốc tịch Việt Nam
Từ ngày 1-12-2014, người VN định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch VN trước ngày 1-7-2009, không có giấy tờ chứng minh quốc tịch VN (Giấy khai sinh, Chứng minh nhân dân, hộ chiếu...), nếu có yêu cầu thì đăng ký với cơ quan đại diện VN ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch VN và cấp hộ chiếu theo trình tự, thủ tục theo quy định.
Giấy tờ làm căn cứ, cơ sở xác định quốc tịch VN bao gồm: Giấy tờ về hộ tịch, quốc tịch do cơ quan có thẩm quyền của VN cấp qua các thời kỳ từ năm 1945 đến trước ngày 1-7-2009, trong đó ghi rõ hoặc có thông tin liên quan đến quốc tịch VN và giấy tờ do chế độ cũ cấp trước ngày 30-4-1975 ở miền Nam VN hoặc do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, trong đó có thông tin liên quan đến quốc tịch VN. Nghị định 97/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 78/2009/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam quy định.
Tăng thời hạn Giấy phép lái xe hạng B1
Theo thông tư 48/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 46/2012/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12, quy định về thời hạn của giấy phép lái xe được sửa đổi, bổ sung như sau: giấy phép lái xe hạng B1 (ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, ô tô tải dưới 3,5 tấn không kinh doanh vận tải) cấp cho người lái xe có thời hạn đến đủ 55 tuổi đối với nữ và đến đủ 60 tuổi đối với nam. Trong trường hợp giấy phép lái xe cấp cho người trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp.
Như vậy, thông tư 48 cho phép lái xe hạng B1 có thời hạn thẳng đến tuổi nghỉ hưu luôn mà không phải làm thủ tục cấp lại sau mỗi 10 năm theo như quy định cũ.
Để máy ATM hết tiền phạt 15 triệu
Từ ngày 12-12, việc để máy ATM ngừng hoạt động 24 giờ không thông báo; không duy trì hoạt động bộ phận hỗ trợ khách hàng để khách hàng liên hệ bất cứ lúc nào… sẽ bị phạt từ 10 triệu đến 15 triệu đồng. Mức phạt cũng tương tự đối với các hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam.
Ngoài ra, hành vi không niêm yết công khai giá mua, giá bán vàng hoặc có niêm yết nhưng nội dung không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng bị phạt từ 30 triệu đến 60 triệu đồng. Nếu kinh doanh mua, bán vàng hoặc mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh không đúng quy định bị phạt đến 120 triệu đồng. Kinh doanh vàng miếng trái phép bị phạt đến 500 triệu đồng. Nghị định 96/2014 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định.
Phạt tiền tỷ với vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng
Theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng vừa mới được ban hành, từ ngày 12/12/2014, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này sẽ bị phạt nặng với mức phạt lên tới hàng tỷ đồng.
Cụ thể, sẽ phạt tiền từ 500 – 600 triệu đồng đối với hành vi hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức làm dịch vụ nhận và chi trả ngoại tệ, tổ chức làm đại lý đổi ngoại tệ, tổ chức khác mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc giấy phép hoạt động ngoại hối đã hết thời hạn hoặc bị đình chỉ, hoặc không đúng nội dung đã quy định trong giấy phép, trừ trường hợp quy định; phạt từ 400-450 triệu đồng đối với hành vi vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của pháp luật...
Đặc biệt, Nghị định quy định phạt từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi không đảm bảo máy giao dịch tự động phải có tiền để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng theo quy định.
Các mức phạt tiền quy định trên là mức phạt áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Tăng mức phạt đối với vi phạm về ứng dụng KHCN
Chính phủ đã ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 64/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ. Trong đó, vi phạm quy định về ứng dụng, phổ biến kết quả hoạt động khoa học và công nghệ sẽ bị phạt đến 30 triệu đồng thay vì mức 20 triệu đồng như trước đây. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/12/2014.
Khung giá đất tối đa ở thành phố là 162 triệu đồng /m2
Theo Nghị định về khung giá đất, mức giá tối đa đối với đất ở tại các đô thị là 162 triệu đồng/m2, áp dụng cho đô thị loại đặc biệt tại vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ. Khung giá đất gồm 2 nhóm: Nhóm đất nông nghiệp và nhóm đất phi nông nghiệp.
Khung giá đất được sử dụng làm căn cứ để các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng bảng giá đất, điều chỉnh bảng giá đất. Nghị định có hiệu lực từ 29/12/2014.
Gia hạn đổi Giấy phép lái xe ô tô đến hết năm 2015
Theo Thông tư 67/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 38/2013/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 46/2012/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, sẽ gia hạn đổi GPLX thêm một năm nữa.
Cụ thể, giấy phép lái xe ô tô bằng giấy bìa phải được chuyển đổi sang giấy phép lái xe mới bằng vật liệu PET trước ngày 31/12/2015; thay vì trước ngày 31/12/2014 như quy định trước đó.
Riêng thời hạn chuyển đổi giấy phép lái xe hạng A4 và giấy phép lái xe không thời giạn (hạng A1, A2, A3) vẫn thực hiện theo lộ trình cũ. Cụ thể, giấy phép lái xe hạng A4 phải chuyển đổi trước ngày 31/12/2015; giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3 phải chuyển đổi trước ngày 31/12/2016 nếu cấp trước năm 2004; chuyển đổi trước ngày 31/12/2017 nếu cấp trước năm 2004; chuyển đổi trước ngày 31/12/2018 nếu cấp trước năm 2007 và chuyển đổi trước ngày 31/12/2020 nếu cấp sau năm 2010.
>>>Những chính sách mới có hiệu lực kể từ ngày 01/09/2014
Hồng Vân