MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội lên mức nguy hại

04-03-2016 - 10:03 AM | Xã hội

Mấy ngày qua, chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội (viết tắt AQI) liên tục ở mức cao. Có thời điểm lên mức nguy hại, mức nguy hiểm nhất trong thang đánh giá về tác động của chất lượng không khí đến sức khỏe con người. Các chuyên gia khuyến cáo, ô nhiễm không khí gây ra nhiều bệnh về hô hấp, tim mạch.

Ô nhiễm không kém Bắc Kinh?

Website Aqicn.org (của Mỹ) là nơi cung cấp số liệu ô nhiễm không khí các thành phố trên thế giới theo từng giờ, trong đó có Hà Nội. Số liệu quan trắc không khí Hà Nội trên website này được cung cấp bởi Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và Trung tâm Quan trắc Môi trường, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo Aqicn.org, chỉ số AQI (chỉ số dùng để đánh giá chất lượng không khí và khả năng tác động sức khỏe-PV) tại Hà Nội ba ngày qua khá cao, có thời điểm lên tới 388 (mức cao nhất-lúc 9h00 ngày 1/3/2016). Riêng nồng độ bụi mịn PM2,5 cao gấp hơn 3 lần mức khuyến cáo theo Quy chuẩn quốc gia về chất lượng không khí xung quanh và gấp 7 lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Cụ thể, chỉ số AQI đo được trong hai ngày 1, 2/3 tại Đại sứ quán Mỹ (Láng Hạ) và Trường Quốc tế Liên Hợp Quốc Hà Nội (Tây Hồ) dao động từ 114 đến 388. Ban ngày thường dao động trên mức 150. Hôm qua (3/3), chỉ số AQI đo được lúc 13h00 tại Đại sứ quán Mỹ là 159, ở Trường Quốc tế Liên Hợp Quốc Hà Nội (Phú Thượng, Tây Hồ) là 146. Theo thang đánh giá, nếu chỉ số AQI từ 101-200 thì chất lượng không khí kém, không tốt cho sức khỏe đối với các nhóm nhạy cảm như bệnh nhân về hô hấp, tim mạch.

Những người này và người già nên ở trong nhà và hạn chế hoạt động. Nếu chỉ số AQI từ 201-300, chất lượng không khí ở mức xấu, những người mắc bệnh về tim, hô hấp nên ở trong nhà, những người khỏe mạnh cũng nên tránh ra ngoài. Nếu AQI lên tới hơn 300 thì chất lượng không khí vào mức nguy hại. Đây cũng là mức nguy hiểm nhất. Ở mức này, tất cả mọi người được khuyến cáo nên ở trong nhà.

Đáng lưu ý, chỉ số AQI ở Hà Nội mấy ngày qua không thấp hơn nhiều so với chỉ số AQI tại Bắc Kinh - Trung Quốc, thành phố nổi tiếng với ô nhiễm không khí. Theo số liệu cập nhật từ Aqicn.org, chỉ số AQI tại Bắc Kinh trong hai ngày 1, 2/3/2016 dao động từ 119 đến 298. Vào thời điểm 14h ngày 2/3, chỉ số PM2,5 tại Bắc Kinh ở mức 174, chỉ cao hơn một chút so với Hà Nội.

Phần lớn người đi xe máy, xe đạp đeo khẩu trang khi ra đường (Ảnh chụp trên đường Minh Khai, Hà Nội chiều 3/3). Ảnh: Như Ý
Phần lớn người đi xe máy, xe đạp đeo khẩu trang khi ra đường (Ảnh chụp trên đường Minh Khai, Hà Nội chiều 3/3). Ảnh: Như Ý

Theo TS Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, kết quả quan trắc của Tổng cục Môi trường cũng tương đồng với kết quả đo được ở Đại sứ quán Mỹ và kết quả công bố trên trang Aqicn.org. Tuy nhiên, không thể so sánh ô nhiễm ở Hà Nội với Bắc Kinh chỉ bằng chỉ số ở một vài thời điểm. Muốn so sánh phải có chuỗi số liệu trong một thời gian nhất định ở nhiều trạm quan trắc khác nhau.

TS Tùng khẳng định, Hà Nội không ô nhiễm nặng như Bắc Kinh. Chỉ số AQI cũng thay đổi trong ngày, tăng mạnh vào lúc cao điểm giao thông. Tuy nhiên, theo ông Tùng, ô nhiễm không khí là vấn đề tồn tại từ lâu ở Hà Nội. Trong đó, quan ngại nhất là nồng độ bụi mịn và nồng độ ozon trong không khí vượt mức cho phép.

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Môi trường và Thiên nhiên Việt Nam cho rằng, Hà Nội không thể ô nhiễm như Bắc Kinh. “Tôi từng sống ở Bắc Kinh. Thành phố này có cả một hệ thống sưởi ấm mùa đồng bằng than. Ô nhiễm ở Bắc Kinh rất khác Hà Nội”, ông Đăng nói. Tuy nhiên, GS Phạm Ngọc Đăng cũng cho rằng, ô nhiễm không khí là vấn đề nhiều năm nay của Hà Nội.

Báo cáo Môi trường Quốc gia năm 2013 về Môi trường không khí cho thấy, Hà Nội có mức độ ô nhiễm hơn hẳn thành phố Hồ Chí Minh dù thành phố này có dân số và lượng phương tiện cơ giới ít hơn. Trong năm 2013, Hà Nội có tới 237 ngày chất lượng không khí kém, 21 ngày chất lượng không khí xấu và một ngày chất lượng không khí vào mức nguy hại. Giai đoạn 2010 - 2013, Hà Nội có 40-60% số ngày chất lượng không khí kém, nhiều ngày chất lượng không khí suy giảm đến ngưỡng xấu, thậm chí có ngày xuống mức nguy hại.

Nguy cơ mắc bệnh hô hấp

Nồng độ bụi cao trong không khí gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe con người, nhất là với nồng độ bụi mịn. Báo cáo môi trường quốc gia 2013 viết “hạt bụi mịn thường mang tính axit, có kích thước siêu nhỏ nên tồn tại lâu trong không khí và có khả năng phát tán xa, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người rất đáng kể”. Trong khi đó, nồng độ Ozon cũng gây nguy hại, nhất là với trẻ em, người già và người hoạt động nhiều ngoài trời.

Ozon làm tổn thương đường dẫn khí, gây viêm các tế bào gây ho, ngứa họng, khó chịu trong lồng ngực đồng thời làm giảm chức năng phổi. Ozon cũng làm nặng hơn các bệnh về hô hấp và giảm khả năng của cơ chế chống lại vi sinh vật xâm nhập vào hệ hô hấp, nhất là bệnh hen suyễn. Với những bệnh nhân bị rung nhĩ (một dạng rối loạn nhịp tim thường gặp hơn ở người lớn tuổi), nguy cơ tử vong tăng cao hơn trong những ngày ô nhiễm Ozon ở mức cao.

Theo kết quả nghiên cứu của Cục Y tế - Bộ GTVT, tỷ lệ người bị mắc đường hô hấp ở Hà Nội cao hơn TPHCM. Theo ước tính, số tiền người dân Hà Nội phải chi để chữa các bệnh liên quan đường hô hấp, thiệt hại do bệnh đường hô hấp gây ra gấp đôi người dân sống ở thành phố Hồ Chí Minh.

Việc chặt cây xanh có thể làm tăng mức ô nhiễm bụi ở một số tuyến phố. Ảnh: Ngọc Châu
Việc chặt cây xanh có thể làm tăng mức ô nhiễm bụi ở một số tuyến phố. Ảnh: Ngọc Châu

Các tác nhân gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội gồm giao thông, hoạt động xây dựng, sản xuất công nghiệp và đời sống sinh hoạt. Trong đó giao thông, xây dựng là những nguồn thải lớn nhất. Theo thống kê của Bộ TN&MT, Hà Nội đang là một đại công trường với hơn 1.000 công trình lớn nhỏ thi công. Bên cạnh đó là sự tham gia giao thông của hàng triệu xe máy mỗi ngày. Chưa kể, 147 trên tổng số 400 cơ sở sản xuất tại Hà Nội có nguy cơ thải ra chất thải ô nhiễm không khí.

Theo các chuyên gia, Hà Nội ô nhiễm hơn TPHCM có thể liên quan đến đặc điểm cơ cấu loại hình sản xuất, công nghệ, nhiên liệu trong sản xuất công nghiệp như công nghệ lạc hậu, khu công nghiệp nằm gần trục giao thông. Ngoài ra, thời tiết nhiều biến động cũng là tác nhân.

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng cho rằng, để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội cần một giải pháp tổng thể trên các lĩnh vực giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp và sinh hoạt cộng đồng. Với giao thông, ưu tiên phát triển giao thông công cộng, nâng cao chất lượng đường sá, giảm ùn tắc, nâng cao chất lượng nhiên liệu. Với sản xuất, các cụm công nghiệp, khu công nghiệp phải có hệ thống xử lý khí thải, khuyến khích dùng công nghệ thân thiện. Ngoài ra, nên tăng cường diện tích cây xanh của thành phố.

Để thực hiện những việc ấy, theo GS Phạm Ngọc Đăng, có hai vấn đề mấu chốt là ý thức của người dân, nhất là chủ các cơ sở sản xuất và thứ hai là vai trò của cơ quan quản lý. Theo ông, Hà Nội đã có những chiến lược, kế hoạch bảo vệ môi trường cũng như những chế tài. Tuy nhiên, việc thực thi vẫn còn bất cập.

Hà Nội ô nhiễm hơn do chặt cây xanh?

Nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới cho thấy, cây xanh có khả năng hấp thụ 50% bụi phóng xạ, hấp thụ hơi, bụi độc. Ở Việt Nam tỷ lệ diện tích đất dành cho cây xanh còn rất thấp. Theo tiêu chuẩn đô thị xanh, mỗi người phải có 10m2 cây xanh để hấp thụ không khí do họ thải ra. Hiện nay diện tích đất để trồng cây xanh trong các đô thị Việt Nam mới đạt 0,5m2/người. Theo GS Phạm Ngọc Đăng, việc chặt cây xanh ở Hà Nội khó có thể làm tăng ô nhiễm không khí toàn thành phố, nhưng có thể gây ra ô nhiễm cục bộ tại các tuyến phố bị chặt cây.

* Trên thế giới, 5,5 triệu người chết mỗi năm vì ô nhiễm không khí. Đây là kết quả thống kê mới nhất về tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người do các nhà khoa học Canada thực hiện.

Theo Nguyễn Hoài

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên