MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy hoạch kho số viễn thông: Thay đổi mã vùng, người dùng thiệt hại

08-01-2015 - 12:25 PM | Xã hội

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) vừa ban hành Thông tư 22/2014/TT-BTTTT về quy hoạch kho số viễn thông, có hiệu lực từ ngày 1.3.2015. Theo đó, hàng loạt mã vùng điện thoại cố định của các địa phương sẽ thay đổi.

Một khối lượng lớn giao dịch liên quan đến điện thoại cố định, toàn bộ các văn bản giấy tờ giao dịch, biển hiệu quảng cáo trên các phương tiện... đều phải thay đổi. Bất cập với người dân và doanh nghiệp là điều trông thấy nhỡn tiền.

Lý do khó thuyết phục

Ngày 7.1, Bộ TTTT đã đăng tải trên trang web chính thức của bộ lý do của việc phải quy hoạch lại mã vùng điện thoại cố định trong quy hoạch tổng thể kho số viễn thông. Cụ thể, quy hoạch mới sẽ giải quyết được bất cập của quy hoạch cũ, như độ dài mã vùng là 2 hoặc 3 chữ số (quy định cũ là từ 1-3 chữ số), độ dài số thuê bao điện thoại cố định (TBĐTCĐ) giữ nguyên là 7 hoặc 8 chữ số. Hai thành phố (Hà Nội và TPHCM) sẽ có độ dài mã vùng 2 chữ số; 61 tỉnh/thành phố có độ dài 3 chữ số.

Bộ TTTT cho rằng, quy định như vậy sẽ thống nhất toàn quốc về độ dài quay số là 11 chữ số, thay vì tỉnh thì 10 chữ số, tỉnh 11 chữ số trước đây, dễ gây nhầm lẫn và khó nhớ đối với người sử dụng.

Ngay lập tức thông tư 22 đã nhận được sự phản ứng từ phía người dân và doanh nghiệp (DN). Nhiều đại diện DN tỏ ra bất ngờ và khá lúng túng với việc hàng loạt tỉnh, TP sẽ thay đổi mã vùng ĐTCĐ, nhất là các DN dùng đầu số điện thoại mã vùng gắn với thương hiệu như kinh doanh taxi, bán lẻ ga, gọi đồ ăn nhanh… Ông Thành Hưng - GĐ điều hành của Hãng Taxi tải Thành Hưng (Hà Nội) tỏ ra lo lắng khi phải thay sơn lại 500 thành xe tải, ngoài ra còn phải sửa lại hàng loạt tờ rơi, biển quảng cáo, hợp đồng. “Nói chung là rất bất tiện, làm khổ doanh nghiệp”.

Người dùng thêm một lần thiệt hại

Từ nay tới thời điểm ngày 1.3 còn chưa đầy 2 tháng, trong sự chộn rộn của mùa áp tết - hàng trăm ngàn DN lại gặp thêm một nỗi lo lắng và phiền phức là thay đổi mã vùng ĐTCĐ in trên các tài liệu, văn bản, biển quảng cáo, phương tiện…

Dường như chưa có nhiều sự quan tâm đến quyền lợi cũng như các khoản phí tổn mà người dùng phải gánh chịu trong việc chọn thời điểm công bố và áp dụng việc thay đổi mã vùng ĐTCĐ. Theo ông Nguyễn Đình Nam - GĐ Cty CP Intimex Xuân Lộc, việc thay đổi mã vùng hay đầu số điện thoại trong trường hợp chẳng đặng đừng thì nên công bố sớm trên các phương tiện truyền thông và gửi thông tin đến các thuê bao chí ít là 6 tháng để có thời gian chuẩn bị, đồng thời cũng giúp hạn chế sự lãng phí trong việc in ấn các tài liệu, biểu mẫu, bảng biểu liên quan tới mã vùng điện thoại cũ.

Nhân viên tổng đài điện thoại của VNPT. Ảnh: T.L

Một số độc giả am hiểu về viễn thông đặt vấn đề: Vì sao không nhân đợt thay đổi này thống nhất lại mã vùng 3 chữ số bắt đầu từ 201 đến 263 (63 tỉnh, thành) và theo quy luật số lớn dần hoặc nhỏ dần từ Bắc vào Nam để giúp dễ nhớ và tránh nhầm lẫn? Chỉ cần nhìn vào bảng mã vùng quy hoạch mới của 13 tỉnh, TP trực thuộc trung ương cũng đã thấy khá…“lộn xộn”, đơn cử Quảng Ninh đổi thành 203, Cà Mau lên đến 290 nhưng Cần Thơ lại là 292; Thừa Thiên - Huế có mã mới 234, trong khi Thanh Hóa lại là 237, Đà Nẵng về mặt địa lý sát Thừa Thiên - Huế lại có mã vùng mới 236…

Năm 2008, khi VNPT thay đổi số ĐTCĐ bằng việc thêm số 3 vào trước các số điện thoại hiện hữu, Hãng taxi Mai Linh cho biết chi phí để thay đổi số điện thoại trên hàng ngàn chiếc taxi, trên các tài liệu, văn bản… tốn đến cả tỉ đồng. Đợt thay đổi mã vùng ĐTCĐ từ ngày 1.3.2015 diễn ra rộng hơn, và gần như tác động đến hầu hết các tổ chức, DN đang dùng ĐTCĐ.

Theo ông Tạ Long Hỷ - Phó TGĐ Taxi Vinasun tính toán, doanh nghiệp này sơ bộ sẽ phải chi ra ít nhất 70 triệu đồng để dán lại các đề can số điện thoại cho khoảng 4.000 chiếc taxi ở khu vực TPHCM. Theo 1 bạn đọc, Cty ông vừa in hơn 170.000 bản bao bì giấy, nhãn chai, poster, tờ rơi quảng cáo, bao thư, giấy viết có tiêu đề, bảng hiệu v.v… để dùng cho nhiều tháng thậm chí trong cả năm 2015, nhưng với sự thay đổi mã vùng số điện thoại thì từ ngày 1.3, những tài liệu in ấn kia sẽ trở thành giấy vụn hoặc phế thải và phải chi ra một khoản tiền nữa để in ấn mới. Nếu nhân chi phí này với khoảng 500.000 DN đang hoạt động thì mức độ tốn kém sẽ là biết bao nhiêu.

Theo PV


cucpth

Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên