MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau lương là... bẫy!

17-12-2015 - 08:35 AM | Xã hội

Sau khi đạt được mục đích, một số doanh nghiệp thẳng tay loại bỏ nhân viên dù trước đó đã trải thảm đỏ mời họ về

“Khi mời tôi về làm việc, đích thân tổng giám đốc đã tha thiết ngỏ lời và hứa hẹn đủ điều. Thế mà khi đã đạt được mục đích, công ty thẳng tay loại bỏ tôi với lý do thay đổi chiến lược kinh doanh”. Anh Nguyễn Khánh Duy, nhân viên quản lý kinh doanh Công ty WGS (quận 1, TP HCM), buồn bã cho biết.

Qua cầu rút ván

Công ty WGS (trụ sở chính tại Singapore) từng có văn phòng đại diện (VPĐD) tại Việt Nam năm 2001. Sau khi gặp sự cố trong kinh doanh, công ty tạm ngưng hoạt động VPĐD nhưng chưa làm thủ tục đóng cửa. Đầu tháng 11-2012, anh Duy được công ty tuyển vào vị trí quản lý kinh doanh mặt hàng rượu, lương 2.000 USD/tháng và ký hợp đồng trực tiếp với công ty mẹ tại Singapore.

Ngoài các nhiệm vụ của một quản lý kinh doanh khu vực miền Nam như bán hàng, làm tình báo thị trường cho WGS ở Việt Nam; theo dõi, quản lý và đánh giá hoạt động cạnh tranh, quản lý các nhà phân phối..., anh Duy còn được giao nhiệm vụ hoàn tất thủ tục đóng cửa VPĐD, xin cấp phép đầu tư vào Việt Nam và cùng giám đốc khu vực xây dựng chiến lược phát triển 5 năm ở Việt Nam. Trong suốt thời gian làm việc, bên cạnh việc tạo dựng thương hiệu tốt và đem về cho công ty nhiều đơn hàng lớn, anh Duy còn đóng góp phần lớn công sức vào việc hoàn thành giấy phép và cho ra đời Công ty WGS ở Việt Nam vào tháng 10-2015.

Thế nhưng, đáp lại những cống hiến ấy, ngày 16-11-2015, công ty cho anh nghỉ việc với lý do “không còn phù hợp với chiến lược kinh doanh mới”. Không đồng tình, anh Duy muốn khởi kiện nhưng lại gặp khó bởi lẽ anh ký hợp đồng với công ty mẹ tại Singapore. “Trước đây, tôi nghĩ WGS là một công ty lớn và uy tín nên đặt bút ký hợp đồng không chút do dự. Đến khi sự việc vỡ lở, tôi mới biết mình bị lừa, bị ký hợp đồng chui mà không biết nên giờ chịu thiệt” - anh Duy cho biết.

Cuối con đường là... tòa án

Việc đối xử với người lao động như trường hợp anh Duy không phải là hiếm. Hành vi này không chỉ làm xấu đi hình ảnh doanh nghiệp (DN) mà còn khiến DN lâm vào những cuộc tranh chấp kéo dài. Câu chuyện của ông Nguyễn Văn Mão, nguyên giám đốc dự án Công ty Ô tô Đô Thành (Đồng Nai), là một ví dụ. Ngày 26-10-2009, ông được công ty mời về làm giám đốc dự án với mức lương thử việc 2 tháng là 14 triệu đồng/tháng, lương chính thức 15 triệu đồng/tháng + chiết khấu “hoa hồng”.

Trong thời gian làm việc, dù công ty không đặt chỉ tiêu nhưng ông Mão vẫn tận dụng các mối quan hệ, mang về doanh thu hàng chục tỉ đồng. Thế nhưng, hết hạn thử việc, công ty không trả lương như cam kết, không ký hợp đồng và lấy lý do bộ phận ông quản lý phát sinh công nợ nên không trả đầy đủ lương cho ông từ tháng 1 đến tháng 4-2010. Từ tháng 5-2010, công ty ngừng trả lương, cũng không chi trả tiền “hoa hồng” như đã hứa. Sau khi khiếu nại mà không được công ty giải quyết, ông Mão kiện ra tòa. Dù đã 5 năm, trải qua 4 phiên xử tại 2 cấp tòa sơ thẩm, phúc thẩm, công ty bị tòa tuyên buộc phải trả lương cho người lao động nhưng đến nay ông Mão vẫn chưa nhận được đồng nào!

“Người ta nói phía dưới miếng mồi thơm, có khi là bẫy rập, thiệt đúng. Đang là quản lý của một DN lớn, tháng 10-2012, tôi được Công ty T.Đ (quận 5, TP HCM) mời về làm trợ lý giám đốc với mức lương gần 1.500 USD/tháng. Sau khi tôi tận dụng quan hệ cá nhân để đưa về cho công ty đơn hàng gia công phụ tùng ô tô trị giá hàng triệu USD thì tháng 12-2013, công ty chuyển tôi xuống làm tại bộ phận kinh doanh, lương chỉ còn 20 triệu đồng/tháng. Mục đích của công ty là làm cho tôi chán nản mà bỏ việc” - ông Nguyễn Phú Cường (quận 6, TP HCM) rút ra bài học “xương máu” từ trường hợp của chính mình. Không ép được ông nghỉ việc, tháng 4-2014, công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không nêu được lý do. Ông đã kiện ra tòa và đang chờ phân xử.

 

Theo Hương Huyền

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên