MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng mức đóng bảo hiểm xã hội: Được lợi sao dân lại sợ?

04-01-2016 - 09:13 AM | Xã hội

Việc tăng mức đóng bảo hiểm xã hội dù nhỏ cũng khiến những mâm cơm vốn đã đạm bạc lại càng eo hẹp hơn.

Theo Luật Bảo hiểm xã hội, từ 1/1/2016 đến hết năm 2017, mức đóng bảo hiểm xã hội mới sẽ dựa trên mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng (trước đây chỉ dựa trên lương). Từ 1/1/2018 trở đi, người lao động đóng bảo hiểm dựa trên mức lương, phụ cấp và nhiều khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động. Mức bảo hiểm xã hội của cả người lao động và doanh nghiệp sẽ lên tới 26% lương hàng tháng.

Cách tính mới này, theo đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam là có lợi người lao động. Đóng càng cao thì hưởng lương hưu sau này càng nhiều, một vị trưởng ban của đơn vị này nói.

Nhưng không hiểu sao người lao động lại không vui trước quyết định mới, thậm chí là lo sợ. Trên diễn đàn xã hội, nhiều người lo bị giảm lương, than mất việc. Không suy nghĩ đâu xa cho mươi mười lăm năm nữa, họ không biết chính sách của Nhà nước thay đổi ra sao, về hưu nhận đồng lương có đủ sống hay không, họ chỉ lo mất việc ngay ngày mai.

Thực tế là, giám đốc vài doanh nghiệp dệt may, thủy sản đã lên báo tuyên bố tính chuyện sa thải bớt công nhân để đỡ gánh nặng chi phí, trong đó, nặng nhất là chi phí bảo hiểm.

Hiện nay, để trốn phí, nhiều chủ sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội theo tiền lương ghi trên hợp đồng, trong khi mức tiền lương này thấp hơn thực tế và được bù đắp bằng nhiều loại phụ cấp khác nhau. Số tiền phụ cấp này không được tính đóng bảo hiểm xã hội gây thiệt thòi cho người lao động, dẫn đến thất thu BHXH. Lương hưu và phúc lợi xã hội với người nghỉ hưu sẽ không đảm bảo được mức sống tối thiểu.

Tất nhiên lý do thay đổi cách tính bảo hiểm xã hội là thỏa đáng nhưng để đảm bảo hiệu quả cần sự kết hợp giám sát giữa cơ quan bảo hiểm với cơ quan thuế. Luật Hình sự sửa đổi vừa được ban hành, cơ quan đơn vị trốn đóng bảo hiểm xã hội có thể bị xử lý hình sự từ 2 đến 7 năm tù.

Và ở một góc nhìn khác, việc tăng mức đóng bảo hiểm xã hội. sẽ dễ được chấp nhận hơn nếu thang bảng lương cho khối cơ quan đơn vị Nhà nước được đưa về đúng thực chất. Hiện nay, với thu nhập bình quân một tháng của công chức, chuyên viên chỉ trên dưới 5-7 triệu đồng, việc tăng khoản thu bảo hiểm xã hội dù chỉ một vài trăm nghìn sẽ khiến những mâm cơm vốn đã đạm bạc lại càng eo hẹp hơn.

Cũng như việc tăng mức thu bảo hiểm xã hội đối với doanh nghiệp cần sớm có Thông tư hướng dẫn, để họ có lộ trình và phương án chấp nhận thêm khoản chi phí không hề nhỏ này, tránh đẩy các doanh nghiệp lâm vào thế khó khăn.

Theo Hoàng Linh

Báo Giao Thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên