MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tham nhũng không tử hình: Luật sư vụ Dương Chí Dũng nói gì?

29-05-2014 - 08:26 AM | Xã hội

Về việc sửa đổi luật hình sự xóa bỏ dần án tử hình, thay bằng án chung thân, luật sư cho rằng không thể xóa án tử với tội phạm tham nhũng

Xóa án tử sẽ làm tăng tội phạm tham nhũng

Trao đổi với phóng viên báo Đất Việt chiều ngày 29/5/2014, luật sư Trần Đình Triển, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội, người vừa tham gia bào chữa trong vụ đại án tham nhũng Dương Chí Dũng, đã cho rằng không thể vội vàng xóa án tử hình đối với tình hình kinh tế xã hội dân trí như nước ta hiện nay, đặc biệt với tội phạm tham nhũng thì càng không.

Luật sư Trần Đình Triển nêu quan điểm: “Đảng và nhà nước đang xác định tham nhũng là quốc nạn, và phải tập trung sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tham gia phòng chống tham nhũng. Nhưng ai là người tham nhũng? Phải là những người có chức, có quyền, có địa vị thì mới có cơ hội và khả năng để tham nhũng. Nói tóm lại phải là viên chức nhà nước.

Cần biết rằng, việc xử lý hình sự đang là một trong những biện pháp để đấu tranh chống tham nhũng. Nếu bây giờ xóa bỏ án tử hình ở một số tội như tội nhận hối lộ… thì e rằng việc đấu tranh phòng chống tham nhũng sẽ có những sự hạn chế.”

Trong nhân dân thường có câu “hi sinh đời bố để củng cố đời con.” Nếu không có án tử hình, không phải đối diện với cái chết, những người này hoàn toàn có thể tham nhũng hàng trăm, hàng nghìn tỉ để rồi chấp nhận vào tù 10, 20 năm, hay chung thân.

Ngồi tù vài năm rồi ra trại, khi đó người ta vẫn cưỡi trên những chiếc Mercesdes, hay vẫn có nhà lầu xe hơi. Chỉ có người dân là vẫn tiếp tục trên chiếc xe máy, xe đạp lọc cọc để kiếm sống qua ngày.” – luật sư Trần Đình Triển nhận định.

Luật sư Triển chia sẻ: “Bỏ án tử là xu thế chung của thế giới, nhưng chúng ta phải xác định được mục đích của pháp luật đang phòng chống cái gì để từ đó có sự xem xét cân nhắc cho phù hợp”.

Giữ hay xóa bỏ án tử hình?

Luật sư Trần Đình Triển cho biết: “Mọi người sinh ra đều có quyền được sống, được mưu cầu hạnh phúc. Và trên thực tế, nhiều quốc gia phát triển đã xóa bỏ hoàn toàn án tử hình, thay vào đó hình phạt nặng nhất chỉ là trung thân vô thời hạn. Hoặc xu hướng chung của thế giới là xóa bỏ dần án tử hình, tùy theo tính chất mà giữ lại bản án này cho một số tội danh. Phương pháp thi hành án cũng có nhiều điểm khác nhau để xóa bỏ dần sự dã man của cái chết từ pháp luật.”

“Giảm án tử hình là xu hướng chung, và chúng ta đang theo xu hướng đó. Đó thể hiện sự hội nhập, tính nhân văn, đạo đức. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình đời sống, kinh tế, xã hội hiện nay ở nước ta, để nói về vấn đề giảm hay không giảm, theo quan điểm của tôi là chưa thể xóa bỏ hoàn toàn, vẫn phải duy trì một số tội danh để không mất đi tính răn đe, trừng trị của pháp luật.” – Luật sư Trần Đình Triển nhận định.

Lấy ví dụ, những năm trước đây ta từng giảm cho tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản không có mức tử hình. Lúc đó tội phạm cho tội danh này đã có những biểu hiện hạn chế hơn, nhưng khi bỏ tội danh tử hình, thì tình hình của tội danh lừa đảo càng rộ lên như lợi dụng lừa đảo tín dụng đen, lừa đảo qua mạng internet…”

Giảm tử hình là hợp lý, nhưng phải cân nhắc kỹ càng vào thực tiễn đời sống, kinh tế, xã hội, nhận thức của Việt Nam. Nếu chỉ chạy theo một giá trị nổi sẽ dẫn đến những quyết định sai lầm, những hậu quả nghiêm trọng khó có thể khắc phục.

Theo Minh Tú

cucpth

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên