MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thống nhất giới thiệu các chức danh lãnh đạo chủ chốt

13-03-2016 - 07:31 AM | Xã hội

Trung ương đã bỏ phiếu giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh: Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội...

Chiều 12/3, hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình và họp phiên bế mạc sau 3 ngày làm việc.

Một trong những nội dung đáng chú ý của hội nghị lần này là Trung ương bàn bạc và thống nhất thông qua việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước.

Nhất trí rất cao

Theo đó, sau khi thảo luận, Trung ương đã bỏ phiếu giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh: Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội - những chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước với số phiếu tập trung rất cao, đồng thời Bộ Chính trị đã báo cáo xin ý kiến Trung ương trước khi Bộ Chính trị chính thức giới thiệu nhân sự đối với các chức danh khác để Quốc hội xem xét, bầu hoặc phê chuẩn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, trên cơ sở quán triệt và thực hiện nhất quán phương hướng công tác nhân sự do Đại hội 12 của Đảng thông qua; căn cứ vào thực tế đội ngũ cán bộ hiện có và yêu cầu về nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước, kết hợp yêu cầu trước mắt với việc chuẩn bị cho các khóa tiếp theo, bảo đảm tính kế thừa và phát triển; Ban Chấp hành Trung ương đã dân chủ thảo luận, xem xét kỹ lưỡng, lựa chọn phương án hợp lý nhất trong điều kiện có thể và đã đạt được sự nhất trí rất cao.

Ban Chấp hành Trung ương khẳng định, cần sớm kiện toàn, sắp xếp lại chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước một cách đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng; nhất trí cho thực hiện kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa 13 theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Theo Tổng bí thư, căn cứ kết quả biểu quyết và giới thiệu nhân sự của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn chỉnh phương án giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước để chuẩn bị trình Quốc hội, vừa bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ trong hệ thống chính trị, vừa đúng với các quy định của Hiến pháp và pháp luật về tổ chức của các cơ quan nhà nước.

“Có thể nói, đây là một bước quan trọng trong việc bố trí, sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị trong nhiệm kỳ này và cho chúng ta thêm kinh nghiệm để tiến hành các bước tiếp theo”, Tổng bí thư nhấn mạnh.

Trước đó, tại Đại hội Đảng lần thứ 12, ông Trần Đại Quang (Ủy viên Bộ Chính trị khóa 11, Bộ trưởng Bộ Công an) đã được Ban Chấp hành Trung ương khóa 11 giới thiệu làm Chủ tịch nước, ông Nguyễn Xuân Phúc (Ủy viên Bộ Chính trị khóa 11, Phó thủ tướng) được giới thiệu làm Thủ tướng Chính phủ và bà Nguyễn Thị Kim Ngân (Ủy viên Bộ Chính trị khóa 11, Phó chủ tịch Quốc hội) được giới thiệu làm Chủ tịch Quốc hội.

Cơ bản tán thành

Ngoài nội dung quan trọng trên, Trung ương cũng cơ bản tán thành với tờ trình và dự thảo chương trình làm việc toàn khoá của Ban Chấp hành Trung ương khoá 12; thống nhất về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, trong đó đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung ưu tiên cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; cải cách khu vực sự nghiệp công; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện các đột phá chiến lược. Khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách, biện pháp xử lý tình hình bội chi ngân sách cao, nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ xấu ngân hàng còn lớn, nợ công tăng cao…

Trung ương cũng thống nhất cao hơn nữa nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về vai trò của Nhà nước, thị trường và doanh nghiệp; về phát triển nhanh và bền vững; về hoàn thiện thể chế kinh tế gắn với đổi mới, kiện toàn, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị; về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, trước hết là cân đối thu chi ngân sách nhà nước, bảo đảm an toàn nợ công, xử lý nợ xấu…

Theo Bảo Quyên

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên