MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thưởng cao có chống được tham nhũng?

13-04-2014 - 08:47 AM | Xã hội

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã công bố dự thảo Thông tư liên tịch quy định việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng để lấy ý kiến.

Việc khen thưởng có nhiều mức khác nhau, trong đó điểm đáng lưu ý của dự thảo này là trường hợp người nhận Huân chương Dũng cảm được trích thưởng thêm 20% tổng số tiền thu hồi được, nhưng không vượt quá 10 tỷ đồng. 
Đây hẳn sẽ là một chính sách tốt nhằm khuyến khích động viên những ai tích cực tham gia chống tham nhũng, nhưng chỉ riêng những mức thưởng cao ấy liệu có thể thúc đẩy công tác chống tham nhũng đạt hiệu quả hơn?

Theo ông Ngô Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), việc khen thưởng cho người tố cáo tham nhũng là hết sức cần thiết trong công tác phòng chống tham nhũng hiện nay. Tình trạng tham nhũng lan rộng ra nhiều lĩnh vực, tình trạng sách nhiễu dân vẫn diễn ra ở nhiều nơi. 

Ở đâu người dân cũng than phiền về cán bộ, nhưng kết quả chống tham nhũng chỉ tìm ra được các vụ nhỏ là không thỏa đáng. Ngay khi tổng kết 5 năm công tác, Ban Phòng chống tham nhũng cũng đã nói là “đạt yêu cầu chưa cao”, không ít trường hợp khi đã tìm ra kẻ tham nhũng thì lại xử nội bộ, hoặc có đưa ra tòa thì xử án treo.

Vậy liệu với chính sách trên có thể có thêm nhiều người tham gia không? Trong đấu tranh chống tham nhũng thì quan trọng nhất là tố cáo, sau đó cơ quan điều tra mới vào cuộc tìm ra các manh mối. Cho đến nay những người đứng ra tố cáo tham nhũng không phải vì tiền, mà vì lẽ phải, vì muốn vạch mặt những kẻ bòn rút những đồng tiền từ mồ hôi, nước mắt của hàng triệu người dân. 

Nhưng hiện tại, gần như 100% các vụ tố cáo đều lộ người tố cáo. Tố cáo ngày hôm nay thì ngày hôm sau người ta đã biết ai tố cáo rồi. Mà đã nói tới chống tham nhũng có nghĩa là tố cáo quan chức, những người có thể đang là cấp trên của mình. 

Thực tế đã xảy ra ở nhiều nơi cho thấy những người này khi bị “vạch mặt” sẵn sàng trả thù. Nhẹ thì người tố cáo bị cô lập, tẩy chay trong đơn vị, bị các “chân rết” của sếp khủng bố tinh thần, rồi có thể bị trù úm đến mất việc làm, nặng thì có thể nguy hiểm đến cả tính mạng của bản thân. Chính vì băn khoăn trước mối hiểm nguy nên rất ít người dám làm việc này. Không nhiều người dám dũng cảm tố cáo tham nhũng.

Bởi vậy, nhiều người tuy cho đây là sáng kiến hay động viên những người dũng cảm tố cáo tham nhũng, song nếu chỉ khen thôi thì chưa đủ mà cần phải có cơ chế khả thi để bảo vệ người chống tham nhũng. Việc tố cáo lâu nay chưa nhiều, chưa mạnh vì chưa có các chính sách tốt để bảo vệ người tố cáo.

 Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng đã thừa nhận, dù Luật Tố cáo đã có những quy định, điều khoản bảo vệ người tố cáo nói chung, người tố cáo tham nhũng nói riêng và trên thực tế đã được các cấp, các ngành quan tâm. Nhưng việc quy định về bảo vệ người tố cáo vẫn chưa được chặt chẽ, người tố cáo vẫn chưa được bảo vệ an toàn.

Huân chương dũng cảm cùng phần thưởng là xứng đáng, nhưng điều quan trọng là bên cạnh việc khen thưởng, tôn vinh điều cấp thiết hơn là phải có cơ chế để bảo vệ an toàn cho họ. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần nhanh chóng đưa ra những phương án, cách thức trong việc này để công cuộc “chống giặc nội xâm” thực sự mang lại hiệu quả, lấy lại niềm tin cho dân và để đất nước đi lên vững mạnh.

Theo Thiên Thanh

cucpth

An Ninh thủ đô

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên