MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiền thuế của dân không thể xài tùy tiện

14-05-2015 - 12:05 PM | Xã hội

Trao đổi xung quanh dự thảo Luật Ngân sách (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tới, TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng phải thiết lập lại kỷ cương của ngân sách. Ngân sách quốc gia không phải là tiền của gia đình, hễ muốn là lấy ra xài

- Mỗi khi đề cập đến dự thảo Luật Ngân sách (sửa đổi), ông thường nói: “không có nước nào xài tiền tùy tiện như Việt Nam”. Dự thảo luật có giải quyết được tình trạng này?

- TS Trần Du Lịch: Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có 2 vấn đề lớn cần giải quyết, đó là phân cấp, phân quyền (nhiệm vụ của chính quyền các cấp trên cơ sở phân bổ ngân sách đi theo) và sự lồng ghép giữa ngân sách trung ương và địa phương. Tính lồng ghép này tạo ra cơ chế không minh bạch giữa trung ương và địa phương.

Tuy nhiên, cả 2 vấn đề này vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, còn lần sửa đổi này nhấn mạnh một số ý là thiết lập Luật Ngân sách một cách minh bạch và phải thiết lập kỷ cương trong sử dụng ngân sách.

Nói như vậy, lâu nay ngân sách bị chi dùng rất tùy tiện?

- Chúng ta đang làm theo kiểu “tiện đâu xài đó”. Ngân sách quốc gia không phải là tiền của gia đình, vợ chồng bàn nhau lấy ra xài là được. Đó là tiền thuế của dân nên phải do cơ quan đại diện của dân quyết định.

Lâu nay vẫn còn tư tưởng du di và... bổ sung sau. Chẳng hạn, trong mua sắm xe cộ, xây trụ sở,  chúng ta thường du di. Hay như chi tiếp khách, cứ để một cục rồi muốn chi thế nào thì chi, sau đó tìm đủ cách hợp thức hóa. Ở các nước, không công chức nào dám đi mua hóa đơn để hợp lý hóa chi tiêu như ở ta.

Ông kể có lần đi công tác ở Pháp, ông không được mời cơm vì họ chưa dự trù kinh phí?

-Không chỉ Pháp mà nhiều nước khác đều như vậy, họ không chi nếu không dự trù kinh phí. Tôi nói câu chuyện này để thấy việc dự trù kinh phí của họ chặt chẽ như thế nào, khác với mình là ai muốn mời cơm cũng được, hay cứ có họp thì lấy tiền từ ngân sách ra chiêu đãi. Ngay một trường đại học công ở nước họ, tuyển một tài xế cũng phải có trong dự toán, còn mình dễ dãi quá.

Vậy lần sửa đổi này, quy định trong luật có khắc phục hết những bất cập như ông vừa nêu?

- Lần này, nguyên tắc của luật là cái gì không có trong dự toán là không được chi, kho bạc không được đưa tiền ra khỏi kho bạc nếu không có trong dự toán. Cái tốt là dự thảo luật đã cố gắng xử lý bất cập, điều này đóng góp rất quan trọng cho cải cách hành chính công.

Ngoài ra, dự luật lần này cũng quy trách nhiệm giám sát về thực thi ngân sách chặt chẽ hơn. Dù chưa thay đổi căn bản so với hiện trạng nhưng tinh thần là cố gắng để quản lý tốt hơn ngân sách. Quan điểm của tôi là phải thay đổi căn bản để xử lý gốc vấn đề, đó là minh bạch ngân sách quốc gia và ngân sách địa phương mà hiện đang có sự lồng ghép.

Ở đây, lẽ ra, cái gì của địa phương thì Quốc hội không can thiệp, phải phân quyền rõ và HĐND phải chịu trách nhiệm trước dân. Còn cái gì quốc gia tài trợ cho địa phương thì Quốc hội phải giám sát, theo 3 chế độ: phân quyền, phân cấp và ủy quyền. Ví dụ, nhiệm vụ nào đáng lẽ trách nhiệm trung ương  phải  làm, nay giao cho địa phương thực thi thì trung ương bố trí nguồn lực và địa phương chỉ được dùng vào việc đó chứ không được dùng vào việc khác. Nếu không lập lại kỷ cương, sẽ không thể loại trừ cơ chế xin - cho ngân sách.

Nhưng lâu nay người dân lại không giám sát được việc chi tiêu từ ngân sách?

- Thực ra, tôi cũng có ý kiến về việc này, như báo cáo ngân sách thì không thể đóng dấu “mật”. Bởi lẽ, có khoản cần phải “mật” nhưng những khoản chung thì phải cho dân biết chứ không giấu đi được. Ngân sách là tiền thuế của dân thì phải minh bạch để người dân giám sát, theo dõi, biết tiền thuế dùng vào việc gì. Lúc này, người dân sẽ giám sát thông qua HĐND các cấp và muốn vậy, HĐND các cấp cũng phải minh bạch trong việc chi gì, tiêu gì để người dân theo dõi, giám sát.

Cần đưa các quỹ dự phòng vào ngân sách quốc gia

. Vấn đề tồn tại lớn nhất của ngân sách hiện nay là có quá nhiều quỹ dự phòng, với hơn 70 quỹ ở trung ương. Tuy nhiên, mỗi quỹ lại có cơ quan quản lý riêng và trong khi ngân sách  thiếu thì không thể sử dụng từ các quỹ đó...?

- Hiện có 2 loại quỹ dự phòng gồm dự phòng ngân sách và dự trữ tài chính. Tuy nhiên, trong khi quỹ dự phòng ngân sách chiếm từ 1%-3% tổng chi, dùng để xử lý trong các trường hợp thiên tai, hạn hán… thì quỹ dự trữ tài chính chiếm đến 25% dự toán ngân sách. Đây là số tiền rất lớn và cần được quy định chặt chẽ. Theo tôi, cần quy định tất cả khoản chi đều phải nằm trong cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (Quốc hội và HĐND các cấp). Những cái này phải đưa trong dự toán hằng năm.

Chưa kể, còn hàng loạt quỹ khác như quỹ môi trường, quỹ bình ổn xăng dầu, quỹ phòng chống tác hại thuốc lá… Các quỹ này rất lớn nhưng ngân sách không thể xài còn Chính phủ thiếu tiền phải đi phát hành trái phiếu. Đây là tiền của nhà nước hết nhưng giống như có nhiều nhóm máu nên không liên thông. Giờ phải quy về một mối và Quốc hội sẽ là đơn vị quyết định những yếu tố này.

Theo Thái Phương

PV

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên