TP.HCM vẫn chưa chuẩn bị tốt cho hội nhập TPP
Mặc dù vẫn còn chờ Quốc hội phê duyệt, nhưng việc hội nhập vào khối Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là điều không tránh khỏi. Tp.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng đến nay vẫn chưa thực sự có một chiến lược chuẩn bị tốt cho quá trình hội nhập này.
- 07-12-2015Nếu không tham gia TPP, dệt may Malaysia sẽ thua Việt Nam
- 06-12-2015Ba vấn đề cần đặc biệt chú ý trong TPP
- 06-12-2015Vào TPP: Xuất khẩu nông sản chủ lực VN khó tăng trưởng đột biến
- 03-12-2015WB nói về lợi thế “không nước nào có” của Việt Nam trong TPP
Tóm tắt
- Theo một số đại biểu HĐND, là đầu tàu kinh tế cả nước nhưng TP.HCM chưa chuẩn bị tốt cho hội nhập TPP
- Có đề xuất rằng Thành phố cần xây dựng thương hiệu kinh tế riêng; vận động để được đặt VPĐD của TPP tại Tp.HCM
- Đi đôi với cơ hội là các thách thức không nhỏ của thành phố khi hội nhập và cần chủ động tiên liệu các thách thức đó để giảm thiểu những ảnh hưởng tới doanh nghiệp...
Đó là ý kiến của một số đại biểu (ĐB) đưa ra tại phiên chất vấn của kỳ họp 20 Hội đồng nhân dân Tp.HCM khóa VIII, diễn ra sáng nay ngày 9/12.
Theo đó, TPP trong năm 2016 được dự báo sẽ mang lại sự gia tăng mạnh về kim ngạch xuất khẩu, thu hút mạnh mẽ lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nói chung, cho nền kinh tế thành phố nói riêng. Đây là cơ hội to lớn cho Tp.HCM kịp thời tái cấu trúc nền kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng, tăng trưởng toàn diện. Trong đó, những ngành như tài chính, ngân hang, dệt may, bất động sản, tin học sẽ có bước tiến vượt bậc theo thời gian.
Nhằm tận dụng được thời cơ này, một ĐB đã đề xuất các giải pháp nhằm sớm thực hiện, trước hết là tăng nguồn thu cho nền kinh tế thành phố và tái đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng. Theo đó, xây dựng thương hiệu kinh tế Tp.HCM thông qua hiệp định TPP; nâng cao năng lực cạnh tranh bằng khoa học công nghệ, hướng vào công nghiệp xuất khẩu; xây dựng trung tâm thành phố thành trung tâm thời trang Vùng Viễn Đông.
“Đặc biệt, thành phố cần phải vận động để đặt được văn phòng đại diện TPP tại Tp.HCM. Bởi, một khi có đại diện tại địa phương, các hội nghị, triển lãm và những sự kiện khác có thể sẽ được ưu tiên tổ chức tại đây, lúc đấy tên tuổi của thành phố sẽ vươn xa hơn”, ĐB Thái Tuấn Chí cho biết.
Song song đó, Tp.HCM là nơi tập trung đội ngũ lao động tay nghề cao, hệ thống trường đại học, viện nghiên cứu, khu công nghiệp – khu chế xuất nhiều sẽ là cơ hội lớn cho các tập đoàn đa quốc gia trong khối TPP đặt văn phòng kinh doanh tại đây…
Để làm được những mục tiêu trên, trước hết Tp.HCM phải thực hiện các cam kết thay đổi tạo lực đẩy cho quá trình hội nhập và hợp tác với những nền kinh tế khác trong khối. Thứ hai, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh thì thành phố phải đổi mới chiến lược sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, đa phần doanh nghiệp trên địa bàn đều thuộc diện vừa và nhỏ, máy móc, thiết bị lạc hậu, trình độ quản lý yếu và năng lực tài chính thấp…
Thứ ba, Tp.HCM phải đổi mới phương thức cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ các rào cản thu hút đầu tư. Thứ tư, thành phố cũng sớm xây dựng các chính sách hỗ trợ nguồn tín dụng cho doanh nghiệp để họ có điều kiện phát triển, hợp tác, kết nối xây dựng chuổi cung ứng cùng cạnh tranh trên sân chơi lớn…
Tuy nhiên, theo ĐB Từ Minh Thiện, đi đôi với cơ hội là những thách thức từ TPP không hề nhỏ. Do đó, thành phố phải có sự chuẩn bị thật tốt để có thể vượt qua. Trong đó, khi tham gia làm ăn với các doanh nghiệp trong khối TPP, các hàng rào kỹ thuật, cạnh tranh, bán phá giá… là thường xuyên xảy ra. “Chúng ta phải tiên liệu được những thách thức này để giảm thiểu những tác hại cho doanh nghiệp”, ông Thiện nói.
Ông Thiện cũng nhấn mạnh, chúng ta đang “vấp” phải một vấn nạn là đưa ra các dự báo không đúng thực tế. Thường là các dự báo cung vượt quá cầu, kéo theo giá bán giảm liên tục. Do vậy, nếu thành phố làm được công tác này thì sẽ cho ra những dự báo tốt và giúp điều phối được nguồn hàng hóa, cung ứng phù hợp với thị trường, nhất là đảm bảo được giá cho cả người bán và người mua.
Chẳng hạn, khi gia nhập WTO, ngành sữa của chúng ta đã “chới với” với cuộc cạnh tranh hàng ngoại nhập từ các nước thành viên. Doanh nghiệp sữa trong nước phải vất vả vay mượn để tái đầu tư, tái cấu trúc doanh nghiệp…
Ngoài ra, hiện nay Tp.HCM vẫn đang thiếu đầu tư cho hệ thống hạ tầng phục vụ xuất khẩu như: logistics, đường bộ, hàng không, cảng biển, bảo hiểm, công nghệ thông tin… Chính những lĩnh vực này sẽ góp phần thành công nâng cao kim ngạch xuất khẩu cho thành phố, nên cần một chiến lược đầu tư đồng bộ. Vấn đề quan trọng hơn hết, khi hội nhập, thì việc truy xuất nguồn gốc phải được đặc biệt quan tâm, bởi liên quan lớn đến giá trị sản phẩm của doanh nghiệp. Theo ông Thiện, Sở Công thương Tp.HCM phải là đơn vị đầu tiên xây dựng chiến lược này để hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dung trong thời gian tới.
“Thành phố cũng phải xem xét lại các mục tiêu phát triển kinh tế trong giai đoạn 5 năm tới của mình. Theo đó, với 7 chương trình độc phá cùng hàng trăm chỉ tiêu cần phải đạt được có dàn trải, phân tán nguồn lực không. Chúng ta cần cụ thể hóa từng chương trình cho từng thời điểm để huy động tổng lực tập trung phát triển hiệu quả”, ông Thiện nói thêm.