MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ts. Nguyễn Xuân Thủy: Hạn chế xe cá nhân? Không làm được đâu!

17-03-2016 - 08:18 AM | Xã hội

Đó là khẳng định của Ts. Nguyễn Xuân Thủy khi trao đổi với chúng tôi về việc UBND TP Hà Nội chuẩn bị trình đề án hạn chế phương tiện cá nhân ra Thành ủy Hà Nội trong tháng Tư tới đây.

- Theo ông, nếu phát triển thêm xe buýt Hà Nội sẽ không có đường đi và việc Hà Nội và Bộ GTVT xây dựng một số tuyến đường sắt đô thị chỉ như muối bỏ bể. Vậy, theo ông để phát triển hệ thống giao thông công cộng ở Hà Nội phải như thế nào?

Ts. Nguyễn Xuân Thủy: Như tôi đã nói, tức là phải phát triển nhanh hơn, đầu tư mạnh mẽ hơn, bớt các sân bay, cảng biển, cao tốc đi để dồn cho Hà Nội và TPHCM.

Thứ hai là quy hoạch phải đồng bộ, khoa học và phải mang tính thực tiễn. Những luồng tuyến phải nối kết nhau. Giao thông công cộng, ngoài ô tô buýt phải phát triển cả đường sắt đô thị, gồm tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, xe điện, tàu điện….

Những cái này, 15-20 năm nữa phải có, không có là không được vì sẽ càng ùn tắc, người dân càng khổ. Đây là một bài toán cần thời gian dài và cần chi phí rất lớn. Tuy nhiên, phải làm từ bây giờ thì 10-15 năm sau người dân mới được hưởng thành quả đó. Nếu không làm đến khi ùn tắc sẽ chật kín đi.

Điều này, trước kia tôi đã dự báo, nếu đến 2005, 2010 không có tàu điện ngầm, đường sắt đô thị thì việc ùn tắc của Hà Nội sẽ gấp 5-10 lần, nó như một bài toán hết sức phức tạp, muốn giải được sẽ tốn kém vô cùng.

- Vậy với dự đoán của ông, 5 năm nữa giao thông Hà Nội sẽ như thế nào?

5 năm nữa theo tôi ùn tắc cũng chưa giải quyết được bao nhiêu. Bây giờ nói gì thì nói, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông cũng chỉ giải quyết được người dân ở khu vực đó.

Thêm tuyến Nhổn – ga Hà Nội cũng chỉ giải quyết được các tuyến đường nó đi qua. Còn đối với thành phố 10 triệu dân như Hà Nội phải có ít nhất 150-250km đường sắt đô thị và ô tô buýt phải có từ 2.000-2.500 chiếc (chủ yếu chạy các tuyến ven) thì mới giải quyết được vấn đề và không chiếm không gian đô thị.

Với 5 năm nữa, tôi cho rằng ùn tắc sẽ càng ngày càng tăng lên chứ chưa giảm đi. Vì lượng ô tô hiện tăng quá nhanh. 5 năm nữa, Hà Nội có khả năng lên đến 1 triệu ô tô, TP.HCM có 1,2 triệu ô tô. Lúc đó với đường sá mặt cắt chỉ có 6-7m chiếm 60-70% thì ùn tắc sẽ hết sức khốc liệt. Tôi cho rằng, 90% điều này sẽ đúng.

- Ông vừa cho rằng, để giao thông Hà Nội thông thoáng cần phải có đến 250km đường sắt đô thị. Tuy nhiên, với hệ thống đường sắt dày đặc như vậy có sợ sẽ phá vỡ không gian đô thị?

Đường sắt đô thị gồm: tàu điện ngầm, tàu điện trên cao và tàu điện. Những cái này không có gì phá vỡ cả. Đi ngầm dưới đất có ai thấy đâu. Đi trên cao chỉ chọn một số tuyến có chiều rộng cho phép thôi.

Theo tôi đừng bao giờ dùng từ phá vỡ không gian. Những cái đó các nhà kiến trúc đã phê phán cái cầu vượt. Cầu vượt khi chưa làm thì bảo phá vỡ kiến trúc nhưng khi làm rồi giảm đến 30% ùn tắc thì sao?.

Chúng ta phải chấp nhận một đô thị dày đặc phương tiện mà lại muốn không gian như cũ thì không bao giờ có cả. Ở Tokyo người ta đi 3-4 tầng. Nó cũng là phố cổ nhưng chỗ nào xây dựng được người ta vẫn xây dựng. Như thế thành phố mới tồn tại được. Nếu anh muốn không tồn tại TP thì không đô thị hóa nữa.

Như vậy, một mô hình đô thị càng hiện đại thì không gian của nó cần phải được tận dụng bằng hết, kiến trúc bê tông, sắt thép chứ không thể coi đó là phá vỡ đô thị được.

- Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội đang dự kiến tháng 4 này sẽ trình ra Thành ủy đề án hạn chế xe cá nhân, ông dự kiến lần này Hà Nội sẽ làm thế nào?

Vấn đề này tôi đã nói rất nhiều lần. Trước đây có phương án dùng khoản kinh phí hơn 2.000 tỷ để hạn chế xe cá nhân nhưng phương án đó không khả thi đâu.

Tất cả các bài toán hạn chế phương tiện cá nhân phải có đường sắt đô thị, phải có xe buýt đầy đủ, hạ tầng phải phát triển lên để người dân người ta chọn đi phương tiện nào chứ không phải 90% người dân đi phương tiện cá nhân, bây giờ anh cấm người ta đi bằng gì? Những bài toán rất đơn giản nhưng người ta quên nghĩ. Ông Chủ tịch, Bí thư Thành ủy quên nghĩ rằng việc đó không bao giờ làm được.

Tôi nhớ cách đây khá lâu tôi được Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình mời tham vấn về vấn đề chống ùn tắc giao thông. Lúc Bộ trưởng ra ngoài, tôi có nói với Viện trưởng Viện quy hoạch giao thông và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch… là tôi hỏi các bạn, nếu cấm xe máy nhân dân đi bằng gì?

Xe máy lúc đó là 95%. Mọi người ớ người ra. Khi Bộ trưởng vào mọi người báo cáo, Bộ trưởng bảo đúng rồi, cấm dân đi bằng gì, sau đó sửa đề án cấm xe máy bằng hạn chế xe máy. Nói như vậy để thấy việc cấm xe máy là không thực hiện được.

Còn phương án cấm ô tô thì càng sai. Người dân người ta văn minh, phát triển lên người ta có tiền sắm, anh không cho sắm, muốn hạn chế không được đâu. Việc đó phạm vào quyền đi lại của người dân và phạm vào việc bản thân cơ quan chức năng phải lo hạ tầng không lo được lại cấm người dân không đi lại. Như vậy, chẳng khác gì chúng ta cắt đứt mạch máu của nền kinh tế.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Theo Xuân Tùng

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên