MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ lệ nữ Đại biểu Quốc hội liên tục sụt giảm, đâu là nguyên nhân?

06-03-2016 - 15:35 PM | Xã hội

Tỷ lệ nữ Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho thấy sự sụt giảm đáng kể và thấp nhất trong 4 nhiệm kỳ gần đây.

Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, mặc dù tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ở từng nhiệm kỳ có tăng nhưng chưa thật bền vững. Cụ thể, số nữ ĐBQH chiếm 21,77% ở khóa VII; 18% ở khóa VIII; 18,84% ở khóa IX; 26,2% ở khóa X; 27,31% ở khóa XI; 25,76% ở khóa XII, 24,4% ở khóa XIII.

Tỷ lệ nữ ĐBQH khóa XIII cho thấy sự sụt giảm đáng kể và thấp nhất trong 4 nhiệm kỳ gần đây. Trong vòng 20 năm (từ năm 1987 đến năm 2007), đại biểu Quốc hội là nữ chỉ tăng được gần 4%.

Tỷ lệ này so với mục tiêu của Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 vẫn còn một khoảng cách khá xa, đó là đạt 35% trở lên nữ ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp của nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trao đổi với PV về vấn đề này:

PV: Thưa Bộ trưởng, dù đã có đầy đủ quan điểm, định hướng về tăng tỷ lệ nữ ĐBQH và nữ ĐBHĐND, nhưng trong các khóa vừa qua thì tỷ lệ tăng không cao và có khóa còn sụt giảm. Bộ trưởng có thể cho biết nguyên nhân vì sao?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Tôi nghĩ rằng nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nữ tham gia ĐBQH chưa đạt mục tiêu theo Nghị quyết 11-NQ/TW có nhiều, nhưng chủ yếu gồm mấy nguyên nhân sau:

Thứ nhất, nhận thức về bình đẳng giới của một bộ phận các cán bộ chủ chốt ở các ngành, địa phương chưa được đầy đủ, nên tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn xuất hiện ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, chưa nói ở trong nhân dân.

Thứ hai là phần đông chị em phụ nữ, trên cương vị của mình, còn tự ti, chưa chủ động trong hoạt động chính trị, trong đó mạnh dạn tiếp cận với các nhóm đối tượng trong xã hội để thể hiện chính kiến của mình, thể hiện khả năng, năng lực của mình.

Thứ ba, một nguyên nhân cần phải chia sẻ với chị em phụ nữ, đó là chị em với trách nhiệm làm mẹ, làm vợ trong gia đình vẫn bị chi phối lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến sự tham gia của phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực.

Thứ tư là khi trong cơ cấu bố trí ĐB trong các đơn vị bầu cử, thường chị em phụ nữ hay phải đảm nhận thêm những tiêu chí khác - ngoài tiêu chí là nữ, còn là người dân tộc, ngoài Đảng… thường những tiêu chí ấy hay ghép vào nữ. Phải nói rằng là gần đây số phụ nữ tham gia vào bầu cử ở các đơn vị bầu cử có nơi tỷ lệ có thể đến trên 30%, nhưng khi đến kết quả trúng cử lại thấp so với mục tiêu.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền

PV: Vậy thưa Bộ trưởng, chúng ta cần có những giải pháp gì để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào ĐBQH nói riêng, cũng như ĐBHĐND các cấp và các cơ quan quản lý nhà nước, cần nhiều giải pháp. Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử sắp tới, chúng tôi đã phối hợp với Ủy ban về các vấn đề xã hội tổ chức các hội thảo, tập huấn với nữ ĐB để họ có cơ hội chủ động hơn trong việc tham gia ứng cử cũng như nhận đề cử ĐBQH.

Bên cạnh đó là tập huấn kỹ năng tiếp xúc, lý giải các vấn đề với cử tri, làm cơ sở để chị em tự tin hơn. Như vậy, khi tranh cử thì tỷ lệ trúng cử sẽ cao hơn.

Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện chương trình tập huấn riêng với chị em có danh sách sẽ được đưa vào bầu cử ĐBQH, HĐND để khi tranh cử chủ động hơn, cách thể hiện của mình chủ động, mạch lạc hơn.

PV: Bộ trưởng đã nói cần quan tâm đến độ tuổi, vậy bà có đề xuất gì để tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia ứng cử nhiều hơn?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Tuổi nghỉ hưu của phụ nữ trong luật quy định là nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi, nhưng theo khoản 3 Điều 187 Bộ luật Lao động cũng quy định rất rõ là sẽ có một bộ phận chị em có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn.

Với trách nhiệm của mình, Bộ LĐ-TB&XH đã có đề án là với chị em làm công tác lãnh đạo, quản lý thì trước tiên tuổi nghỉ hưu bằng nam giới là 60 tuổi.

Tuy nhiên, đề án ra đời trong điều kiện quy định về bầu cử trong Đảng đã có rồi. Vì vậy, chương trình này Bộ Chính trị cho biết sẽ tiếp tục được nghiên cứu. Tôi được biết tới đây, Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ là cơ quan quản lý về công chức, viên chức sẽ tiếp tục nghiên cứu vấn đề này.

Chúng tôi là cơ quan quản lý về lao động nhưng phải làm khách quan về bình đẳng giới; sẽ tiếp tục đề xuất, nếu chưa sửa luật thì Đề án nâng độ tuổi nghỉ hưu cho phụ nữ sẽ sớm được thực hiện vào một trong các năm của nhiệm kỳ tới.

PV: Bà đánh giá như thế nào vai trò của truyền thông trong phát huy quyền của phụ nữ trong Quốc hội?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Tôi đánh giá rất cao vai trò của các cơ quan truyền thông trong việc thúc đẩy sự gia tăng của phụ nữ vào tham gia các cơ quan quản lý Nhà nước nói chung, tham gia vào Quốc hội nói riêng.

Vì vậy, ngoài những việc đã làm, tôi rất mong các cơ quan truyền thông hãy lấy mục tiêu vì bình đẳng giới và mục tiêu đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội hiện nay để gắn bó với những cơ quan quản lý liên quan đến chuẩn bị cho bầu cử; thường xuyên tuyên truyền tốt hơn, cụ thể hơn. Công tác truyền thông cần đến với cả những chị em ở vùng sâu, vùng xa và chị em ở cơ sở.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.

Theo Lại Thìn

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên