Thời trang Việt "đấu" hàng hiệu giá rẻ
Doanh nghiệp thời trang Việt cần nắm bắt đặc điểm của khách hàng để thay đổi mẫu mã, "đấu" lại với hàng hiệu bình dân đang tràn về.
- 26-10-2012Thời trang Việt: Lỗi thời từ mẫu đến ni
- 20-05-2012Thương hiệu thời trang Việt: Nỗ lực 'quẫy đạp' trên sân nhà
- 24-11-2009Thời trang Việt Nam vào sân chơi châu Á
Từ tháng 9-2016, thương hiệu thời trang nổi tiếng Zara thuộc Tập đoàn Inditex của Tây Ban Nha đã ra mắt người tiêu dùng bằng màn xuất hiện ấn tượng tại Trung tâm Thương mại (TTTM) Vincom Đồng Khởi (quận 1, TP HCM). Chiếm lĩnh diện tích sàn 2.400 m2, Zara đã thực sự "đánh dấu" một cơn sốt hàng hiệu bình dân với người tiêu dùng Việt.
Hàng hiệu ồ ạt "đổ bộ"
Doanh số bán hàng chỉ trong ngày đầu khai trương của nhãn hàng này là 5,5 tỉ đồng, đã chứng minh "cơn sốt" là có thật. Và, kể từ khi triển khai bán hàng online trên website tiếng Việt, xu hướng săn lùng các sản phẩm của thương hiệu Zara đã lan tỏa ra các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội. Thương hiệu này còn được đón chờ đến nỗi một nguồn tin đã xác nhận Zara quyết định "tiến quân" ra Bắc với nhiều động thái như tuyển dụng, đàm phán, chọn địa điểm, mặt bằng… Địa điểm được hé lộ là TTTM Vincom Bà Triệu.
Sản phẩm của một hãng thời trang Việt được bày bán ở trung tâm thương mại tại TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh
Một thương hiệu khác là Hennes & Mauritz AB (viết tắt H&M) cũng đã xác nhận sắp mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam và địa điểm được chọn tiếp tục là Vincom Đồng Khởi với khoảng 2.200 m2 sàn gồm 2 tầng. Hình ảnh quảng cáo của H&M cũng đã xuất hiện trên bảng quảng cáo tại mặt tiền Vincom Đồng Khởi.
Mới đây, ngày 9-6, thương hiệu thời trang của Mỹ Old Navy khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam với các sản phẩm chủ đạo đa dạng cho cả nữ giới, nam giới, trẻ em. Xa hơn nữa, Mango đã xuất hiện một thời gian và được cho rằng đã lôi kéo được khách hàng của mình.
Chưa kể đến thói quen săn hàng hiệu bình dân của người tiêu dùng đã có từ lâu với việc tiêu thụ các sản phẩm xách tay với thang giá phong phú, nhất là những thời điểm sale "sập sàn", từ các nhãn hiệu: Nine West, Bershka, Pull & Bear, Mango, Charles & Keith, Michael Kors… Các nhóm bán hàng trên Facebook như "Xóm nghiện hàng order nước ngoài", "Hàng xách tay giá rẻ" hay "Hàng Việt Nam xuất khẩu"… cũng làm ăn vô cùng phát đạt.
Vẫn còn khách cho hàng Việt
Theo đại diện một thương hiệu thời trang trong nước, thị trường thời trang Việt chia thành các phân khúc như phân khúc cao cấp, hàng hiệu trung bình khá (hay còn gọi hàng hiệu bình dân), hàng bình dân (bao gồm cả hàng bình dân sản xuất trong nước, hàng Trung Quốc). Trong đó, cả 3 phân khúc này, hàng Việt đều cạnh tranh rất chật vật, thậm chí không thể cạnh tranh. Trong đó, ngay cả dòng bình dân thì doanh nghiệp (DN) Việt cũng không "đấu" lại về giá cả và mẫu mã với hàng giảm giá, hàng nhái, hàng Trung Quốc... tràn ngập.
Vị đại diện này cho biết một đường "ngách" đã được một số DN, cá nhân khai thác khá tốt là gây dựng được dòng sản phẩm tự thiết kế, giá cả bình dân. "Nhưng đây vẫn chỉ là dòng sản phẩm có chất lượng nhỉnh hơn một chút so với hàng gia công, hàng nhập Trung Quốc. Thậm chí, nhiều nhà thiết kế đòi hỏi giá khá đắt cho sản phẩm của mình và thời gian cho ra đời một mẫu mã cũng khá lâu. Nên để có thể vươn lên, được người tiêu dùng đánh giá tương đương về chất lượng cũng như giá trị thương hiệu như Zara, Mango, H&M... sẽ là một hành trình rất dài và nhiều cam go" - đại diện thương hiệu này nói.
Ông Nguyễn Tiệp, phụ trách truyền thông của Tập đoàn Thời trang NEM, với vị thế là đơn vị duy nhất có sản phẩm thời trang công sở một cách bài bản và cũng là thương hiệu duy nhất có nhà máy rộng khắp cả nước, lại tỏ ra không hề lo lắng trước sự đổ bộ của các đối thủ ngoại. "Mỗi thương hiệu thời trang đều có phân khúc khách hàng riêng. Có thể họ đến đây, đánh trống khua chuông và hợp với xu hướng đám đông, thích lạ, sính ngoại của người Việt chứ còn nếu sòng phẳng đặt lên bàn cân mà nói thì thời trang của Zara không "ăn" lại được so với một số thương hiệu của Việt Nam" - ông Tiệp nhận xét.
Theo ông Tiệp, tư duy của người mua hàng Việt Nam là lựa chọn sản phẩm hợp lý với họ và không nhất nhất trung thành với một thương hiệu. Nếu hiểu được "tuổi thọ sở thích" của khách hàng Việt ngày càng ngắn thì DN Việt vẫn có thể đón được xu hướng và tung ra các sản phẩm mới, thay đổi liên tục. "Chúng tôi là thương hiệu duy nhất có nhà máy rộng khắp cả nước và không phụ thuộc vào đơn vị sản xuất nào nên mỗi mẫu sản phẩm mới của NEM có thể chỉ 2 ngày là ra đời, trong khi thương hiệu khác phải đến 2 tuần hoặc một tháng mà phải đi gia công rất vất vả" - ông Tiệp khẳng định.
Một điều đáng lưu ý hơn nữa là nhiều thông tin từ các "đối thủ" tung ra cho thấy Zara mặc dù hút khách cả 7 ngày trong tuần và nhiều thời điểm khách hàng phải xếp hàng dài để thử đồ, song doanh thu thực của Zara đã giảm rất nhiều so với thời kỳ đầu tới Việt Nam. Bởi thực tế, dù gọi là "hàng hiệu bình dân" nhưng xét với thu nhập trung bình thì vẫn ở mức cao. Ví dụ, áo, đầm của Zara giá 1,5-1,8 triệu đồng/chiếc; áo sơ mi, áo thun 700.000 -800.000 đồng/áo. Thậm chí, mẫu đã giảm tới 50%-70% rồi vẫn có giá từ 299.000-499.000 đồng/cái và không dễ lựa. Trong khi đó, nhiều nhãn thời trang trong nước, chủ yếu của các cá nhân nhỏ lẻ, vẫn ghi nhận doanh thu không hề sụt giảm đáng kể trước bão hàng ngoại đổ bộ.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, cho biết phần lớn DN có tên tuổi trong nước quan tâm đầu tư phát triển thị trường xuất khẩu, ít quan tâm đầu tư phát triển, xây dựng thương hiệu thời trang trong nước. Những DN sản xuất sản phẩm thời trang tiêu thụ trong nước lại không nằm ở phân khúc hàng hiệu giá bình dân để cạnh tranh với các "đế chế" như Zara, H&M… mà chủ yếu cạnh tranh với hàng thời trang giá rẻ sản xuất trong nước, hàng nhái, hàng giả thương hiệu, hàng xuất xứ Trung Quốc. "Để tạo được những sản phẩm thời trang mang giá trị, khẳng định được thương hiệu, DN Việt cần phải đầu tư xây dựng thương hiệu lâu dài, bền bỉ. Tuy nhiên, cũng có một số đơn vị đã làm được nhờ hiểu tâm lý thời trang trong nước, có lợi thế sân nhà như May 10, An Phước" - ông Hồng nói.
Hàng "Việt Nam xuất khẩu" là đồ nhái?
Thời gian gần đây thị trường xuất hiện dày đặc các sản phẩm thời trang gắn mác "hàng Việt Nam xuất khẩu", được quảng cáo là hàng gia công cho các hãng nước ngoài như: Zara, Mango, Gap, Banana Republic, Old Navy, Topshop, Express, H&M… Trao đổi với phóng viên, một chủ shop chuyên bán hàng "Việt Nam xuất khẩu" trên đường Cao Thắng (quận 3, TP HCM) cho biết cửa hàng có rất nhiều mẫu quần áo, mỗi mẫu có số lượng vài chục đến cả trăm cái, đủ màu, đủ cỡ… trừ những mẫu cũ thì ít hàng hơn. Một chiếc váy đầm hiệu Gap, Express, Banana, Topshop có giá không dưới 500.000 đồng, nhiều mẫu trên 600.000 đồng, tức chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 sản phẩm cùng loại bán ở các TTTM.
Tuy nhiên, bà Phạm Thị H., trưởng bộ phận phụ liệu của một công ty chuyên may gia công có địa chỉ ở tỉnh Bình Dương, cho biết thông thường, các sản phẩm hàng hiệu may gia công, các đối tác cực kỳ kỹ tính, không bao giờ để hàng của mình tuồn ra ngoài với số lượng lớn. Bởi trong hợp đồng may gia công họ yêu cầu các xưởng phải hủy hết tem, mác, các sản phẩm lỗi hoặc nếu có lý do nào đó sản phẩm bị "rớt" thì không được bán tại Việt Nam mà phải bán qua nước thứ 3, ví dụ Campuchia… nhưng con số này rất ít. Vì vậy, nếu nói hàng hiệu xuất khẩu bán ra số lượng lớn và mẫu mới thường xuyên là hàng nhái, hàng nối chuyền...
Theo người quản lý của một xưởng gia công xuất khẩu cho các DN ở nước ngoài, các sản phẩm đúng xuất khẩu của các nhãn hàng hiệu thông thường chỉ cần quét mã vạch trên mạc sườn sản phẩm đã có thể tìm thấy hình trên web của hãng. Còn nếu không có, một là chưa đăng web hoặc là hàng nhái, giả hoặc hàng nối chuyền nên tem, mác không đúng.
S.Nhung
Người lao động