Thống đốc Lê Minh Hưng: Áp lực lạm phát đè nặng lãi suất
Thống đốc NHNN cho biết thêm, về chính sách tiền tệ và tỷ giá, NHNN sẽ tiếp tục có đánh giá, theo dõi sát diễn biến thị trường quốc tế và khu vực, đặc biệt là động thái của Ngân hàng EU và Mỹ, để có biện pháp điều hành linh hoạt và phù hợp.
- 01-07-2016Lãi suất: Thận trọng là cần thiết
- 30-06-2016Nhà đầu tư hãy nhớ mốc 31/1/2018, vì đó mới là ngày sớm nhất Fed nâng lãi suất
- 29-06-2016Tỷ giá, lãi suất sẽ ổn định
- 28-06-2016Khả năng giảm lãi suất tiền đồng: Đừng kỳ vọng quá nhiều!
Đó là quan điểm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đưa ra tại phiên họp Chính phủ trực tuyến chiều ngày 1/7.
Theo Thống đốc, diễn biến lạm phát trong thời gian qua, chủ yếu là do tác động điều hành về giá một số mặt hàng cơ bản. Theo đó, lạm phát 6 tháng đầu năm tăng 1,72%, được các chuyên gia nhận định là phù hợp với diễn biến tiền tệ từ đầu năm, và việc điều hành phù hợp tình hình thực tế.
Việc tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm cũng hợp lý, được kiểm soát và đảm bảo chất lượng, với cơ cấu chuyển dịch phù hợp. Thống đốc cho biết, tín dụng chủ yếu tập trung lĩnh vực ưu tiên như sản xuất, kinh doanh xuất khẩu, là nhân tố quan trọng thúc đẩy trong thời gian tới.
Huy động vốn cũng tăng 8,8% so với cùng kỳ năm. Nhờ điều hành giải pháp tín dụng phù hợp diễn biến kinh tế vĩ mô, cũng như chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 28/6 đã tăng 7,16% trong khi cùng kỳ chỉ tăng 7,08%. Đáng chú ý, tín dụng trung và dài hạn tăng 9,51%, cao hơn mức tăng 6 tháng cuối năm 2015, là yếu tố quan trọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Nhận định thời gian tới, Thống đốc cho rằng sức ép tăng lãi suất trên thị trường là rất lớn, xuất phát từ kỳ vọng lạm phát. Do đó, điều hành cần rất thận trọng, không chủ quan với lạm phát, ngoài điều hành giá nói chung thì cần cân nhắc và thận trọng các hoạt động vĩ mô khác, để tránh tác động điều hành lãi suất.
"Vì sức ép lạm phát sẽ tạo nên sức ép vốn và lãi suất đầu vào cao. Bởi hiện nay nguồn vốn tập trung cho kinh tế chiếm phần lớn là nguồn tín dụng ngân hàng, nhu cầu huy động trái phiếu cũng cao hơn, nên cần chủ động linh hoạt trong điều hành, để giữ ổn định lãi suất cho vay, là rất cần thiết" - Thống đốc nhấn mạnh.
Về tình hình thị tường tiền tệ và tỷ giá, Thống đốc nhận định thị trường khá ổn định khi đầu năm mua lượng ngoại tệ lớn, góp phần tăng dự trữ ngoại tệ.
Nói về sự kiện Brexit, Thống đốc cho rằng ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động ứng phó với biến động tâm lý nên tác động từ sự kiện Brexit rất nhỏ, tỷ giá chỉ biến động 40 – 50 đồng và nay đã ổn định trở lại.
Tuy nhiên, Thống đốc cũng lưu ý là cần đánh giá đầy đủ hơn tác động gián tiếp đặc biệt trong thời gian tới, đặc biệt là việc giảm giá các đồng tiền chủ chốt như bảng Anh, Euro, ngân hàng các nước như Trung Quốc mà điều chỉnh thì có thể tác động lên xuất khẩu.
Theo Thống đốc, khuyến nghị được đưa ra từ Hội đồng chính sách tiền tệ quốc gia, là trong 6 tháng cuối năm cần tiếp tục kiên định mục tiêu điều hành để làm cơ sở đạt kết quả và mục tiêu đề ra. Theo đó, ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt và đồng bộ, hỗ trợ thanh khoản và ổn định để giảm lãi suất…
Đồng thời, kiểm soát tăng trưởng tín dụng, thực hiện theo chỉ thị vừa đưa ra thời gian qua, là tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên như sản xuất, xuất khẩu và kiên quyết kiểm soát chặt giải ngân vốn, tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro.
Chính sách tiền tệ và tỷ giá cũng sẽ tiếp tục có đánh giá, theo dõi sát diễn biến thị trường quốc tế và khu vực, đặc biệt là động thái của Ngân hàng EU và Mỹ, để có biện pháp điều hành linh hoạt và phù hợp.