Thống đốc NHNN: Tiến trình xử lý ngân hàng yếu kém bị chậm vì liên quan đến đàm phán với nhà đầu tư
Thống đốc cho biết, NHNN đang tiến hành định giá và đàm phán lần cuối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, quy trình đàm phán đặc biệt là phương án cụ thể để nhà đầu tư tham gia vào xử lý ngân hàng yếu kém cũng mất thời gian.
Trong phiên chất vấn sáng nay ngày 1/11 của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tiếp tục có câu trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Yến đoàn Bà Rịa Vũng Tàu về vấn về xử lý ngân hàng yếu kém, gắn với xử lý nợ xấu chưa đạt yêu cầu.
Thống đốc cho biết, theo quy định luật sửa đổi bổ sung luật TCTD có hiệu lực từ ngày 15/01/2018 và trên cơ sở quy định của pháp luật, NHNN đã báo cáo cơ quan có thẩm quyền và Chính phủ đã phê duyệt chủ trương phương án định hướng xử lý các ngân hàng yếu kém.
Tuy nhiên, tiến trình đúng là có chậm vì trên cơ sở chủ trương của Chính phủ thì NHNN tiến hành định giá các ngân hàng này và đàm phán lần cuối với các nhà đầu tư. Quá trình đàm phán với các nhà đầu tư (NĐT), đặc biệt là các phương án cụ thể để NĐT tham gia vào xử lý các ngân hàng này cũng mất thời gian. Chúng ta cũng phải trên cơ sở cam kết với NĐT và định hướng của Chính phủ thì NHNN trong thời gian tới sẽ hoàn thiện phương án chi tiết để báo cáo Chính phủ xem xét, phê duyệt để tổ chức thực hiện phương án cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém.
Liên quan tình hình triển khai Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu. "Chúng tôi cho rằng việc triển khai Nghị quyết trong thời gian vừa qua là rất quyết liệt và đạt được những kết quả tích cực", Thống đốc đánh giá. Nghị quyết 42 mới có hiệu lực từ 15/8/2017 và thời gian tổ chức thực hiện mới hơn 1 năm, đến cuối tháng 9/2018, NHNN đã tổ chức sơ kết 1 năm việc thực hiện Nghị quyết 42 và Đề án 1058 về cơ cấu lại TCTD. Kết quả đạt được về xử lý nợ xấu là rất tốt.
Thứ nhất, trong hơn 1 năm, các TCTD đã xử lý số nợ xấu khoảng 140 nghìn tỷ. Riêng VAMC đã xử lý hơn 95 nghìn tỷ trong số đã mua. Số liệu các khoản nợ xấu và nợ tiềm ẩn nợ xấu khi báo cáo Quốc hội cuối năm 2016 là 10,08%, đến cuối 2017 còn 7,7% và đến tháng 6/2018 thì còn 6,7% và nợ xấu nội bảng là 2,09%. Kết quả này rất tích cực nhưng còn một số tồn tại hạn chế liên quan tới các bộ ngành và một số địa phương. NHNN đã có báo cáo chi tiết tới Chính phủ đê tới đây, tiếp tục phối hợp với các Bộ như Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, các địa phương và đặc biệt là TAND các cấp để triển khai quyết liệt hơn nữa.
Về chất vấn của Đại biểu Nguyễn Việt Thắng đoàn Bến Tre về Thông tư 19 (Hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc), Thống đốc cho biết do có nhiều nội dung liên quan nên sẽ gửi văn bản trả lời chi tiết. Tuy nhiên, Thống đốc cũng có lời giải thích tổng quát.
Cụ thể, sau khi ban hành Thông tư 19 về thanh toán biên mậu và có một số ý kiến, NHNN đã báo cáo giải trình đầy đủ đến các cơ quan có thẩm quyền. "Chúng tôi khẳng định thông tư 19 được ban hành tuân thủ đầy đủ quy định Hiến pháp của Pháp luật đặc biệt luật NHNN và pháp lệnh ngoại hối", người đứng đầu ngành ngân hàng nhấn mạnh.
Thống đốc giải thích, Hiến pháp quy định đồng tiền Việt Nam và pháp lệnh ngoại hối cụ thể hóa quy định trên lãnh thổ Việt Nam thì sử dụng VNĐ. Nhưng pháp lệnh ngoại hối cũng có quy định cho phép sử dụng ngoại tệ trong một số giao dịch.
Trên thực tế, bất kỳ quốc gia nào cũng có mỗi quan hệ kinh tế thương mại với các nước trên thế giới và trong các mối quan hệ kinh tế đó thì hoạt động thanh toán chuyển tiền trong các giao dịch vãng lai, đầu tư thì phải có quy định về đồng tiền thanh toán.
Và tại điều 26 Pháp lệnh ngoại hối cho phép sử dụng đồng tiền của nước có chung đường biên giới thực hiện theo Điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam đã tham gia ký kết.
"Chúng ta đã ký kết hiệp định thương mại biên giới với 3 nước: Trung Quốc, Lào, Campuchia. Chúng ta đã có luật quản lý ngoại thương. Trên cơ sở quy định như vậy, chúng ta ban hành những quy định về cho phép các đồng tiền thanh toán trong giao dịch thương mại đầu tư là hoàn toàn tuân thủ các quy định của pháp luật.", Thống đốc NHNN nhấn mạnh.