Thống đốc: Room tín dụng sẽ được thông báo vào đầu tuần sau
Đây là thông tin được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng công bố trong hội nghị diễn ra vào sáng nay (26/8).
- 25-08-2022TP.HCM: Room tín dụng còn khoảng 150.000 tỷ đồng
- 24-08-2022Sớm nới room tín dụng để đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ 2% lãi suất
- 24-08-2022“Nếu nới room tín dụng tiếp thì có hai vấn đề đặt ra”
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm diễn ra vào sáng ngày 26/8, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chia sẻ thông tin mới nhất về lộ trình bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng.
Theo đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết chậm nhất là đầu tuần sau sẽ thông báo về hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Thông tin trên được Thống đốc đưa ra trong bối cảnh kết quả thực hiện giải ngân gói hỗ trợ lãi suất (HTLS) 2% còn rất khiêm tốn sau 3 tháng triển khai.
Theo số liệu tổng hợp của NHNN, qua 3 tháng triển khai, doanh số cho vay được HTLS mới đạt gần 4.407 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, dư nợ được HTLS đạt khoảng 4.300 tỷ đồng; dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đến cuối tháng 8/2022 khoảng 13,5 tỷ.
Một điểm đáng chú ý là tại hội nghị tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% lần này, các ngân hàng không còn kiến nghị được tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng. Trước đó, cũng tại một hội nghị về triển khai Nghị định 31 do NHNN tổ chức vào tháng 5, các ngân hàng được đều đồng loạt đề nghị NHNN nước xem xét nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng để triển khai gói hỗ trợ tốt hơn.
Những khó khăn được các ngân hàng nêu ra lần này chủ yếu liên quan đến việc xác định đối tượng thụ hưởng, điều kiện cho vay, loại tiền giải ngân, quy định phải có đăng ký kinh doanh của các hộ kinh doanh… Đặc biệt, tâm lý e ngại của khách hàng khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước thì phải tuân thủ hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo số liệu NHNN, tính đến ngày 15/8, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,45 triệu tỷ đồng, tăng 9,62% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,68%). Với mục tiêu tăng trưởng 14%, trong hơn 4 tháng cuối năm, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế còn có thể tăng thêm 4,38%, tương đương quy mô khoảng 457.000 tỷ đồng.
Đại diện NHNN từng nhiều lần cho biết sẽ không thay đổi mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay và việc cấp ''room'' sẽ dựa trên chất lượng tài sản, quy mô hoạt động của từng ngân hàng. Trong báo cáo về hoạt động điều hành tín dụng mới đây, NHNN cho biết đã phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 cho từng TCTD trên hai cơ sở chính.
Thứ nhất là theo kết quả xếp hạng từng TCTD theo các tiêu chí và chấm điểm quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN. Cụ thể, Thông tư 52 chấm điểm để xếp hạng các TCTD theo 6 tiêu chí, gồm: Vốn, Chất lượng tài sản; Quản trị điều hành, Kết quả hoạt động kinh doanh, Khả năng thanh khoản; Mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường.
Thứ hai là xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, NHNN như tiêu chí giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tiêu chí tín dụng tập trung vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tiêu chí TCTD tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém… để làm cơ sở điều chỉnh tăng/giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD trong quá trình phân bổ/điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD.
Nhịp sống Kinh tế