Thông lệ quốc tế trong tạo khung khổ pháp lý xử lý nợ xấu
Dưới đây là thông lệ tốt của một số quốc gia trong vấn đề tạo cơ sở pháp lý trong xử lý nợ xấu. Các giải pháp này đã giúp giảm tỷ lệ nợ xấu từ hàng chục phần trăm xuống vài phần trăm chỉ trong vòng 2-3 năm.
- 13-05-2023TS. Nguyễn Trí Hiếu: Xử lý nợ xấu chưa thấy 'ánh sáng cuối con đường'
- 10-05-2023Ngân hàng nào có lợi thế trong môi trường lãi suất cao và nợ xấu gia tăng?
- 09-05-2023Chỉ còn 3 ngân hàng niêm yết có tỷ lệ nợ xấu dưới 1%
Nhằm góp ý cho Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi), Tổ chức Tài chính Thế giới (IFC) đã có báo cáo về tầm quan trọng của một cơ chế hiệu quả về vấn đề pháp lý với xử lý nợ xấu được một số quốc gia công nhận. Những cơ chế này đã giúp một số quốc gia giải quyết tốt vấn đề nợ xấu, giảm mạnh tỷ lệ nợ xấu.
Liên minh Châu Âu
Trong vài năm qua, Liên minh Châu Âu đã thực hiện các bước quan trọng nhằm giảm thiểu và ngăn chặn nợ xấu, thông qua một gói biện pháp chính sách toàn diện trên toàn EU. Năm 2017, Ủy ban EU, Ngân hàng Trung Ương châu Âu (ECB), và Cơ quan Ngân hàng Châu Âu (EBA) đã phối hợp xây dựng ý tưởng về hệ thống giao dịch nợ xấu khả thi trên toàn EU, giải quyết các vấn đề như chuẩn hóa dữ liệu, quản trị và chính sách ưu đãi cho các bên có quyền lợi liên quan.
Năm 2020, Kế hoạch hành động của Ủy ban EU tập trung vào phát triển thị trường thứ cấp cho nợ xấu, cải thiện việc chuẩn hóa dữ liệu, xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu và giải quyết các trở ngại pháp lý đối với việc mua nợ xấu của các ngân hàng. Kế hoạch này cũng có mục tiêu hỗ trợ thành lập các công ty quản lý tài sản quốc gia (AMC) và xem xét thiết lập mạng lưới các AMC xuyên biên giới để trao đổi thông lệ tốt nhất và điều phối hành động của chủ nợ.
Ngoài ra, kế hoạch đề cập đến khuôn khổ phá sản, thu hồi nợ, và tái cấu trúc, bao gồm hài hòa hóa tối thiểu các quy tắc về đẩy nhanh xử lý tài sản bảo đảm ngoài tòa án, so sánh các chế độ xử lý nợ của các quốc gia và mở rộng khuôn khổ tái cấu trúc phòng ngừa để xử lý nợ xấu tốt hơn.
Năm 2021, EU đã công bố Chỉ thị (EU) về tổ chức quản lý tín dụng và bên mua tín dụng liên quan đến nợ xấu (Chỉ thị về nợ xấu), nhằm giúp các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu tốt hơn và thúc đẩy sự phát triển của thị trường nợ xấu thứ cấp bằng cách loại bỏ các trở ngại và thiết lập các biện pháp bảo vệ cho việc chuyển nhượng nợ xấu.
Chỉ thị này thiết lập một khuôn khổ toàn Liên minh cho cả bên mua và thu nợ đối với hợp đồng tín dụng phát sinh nợ xấu của các tổ chức tín dụng, theo đó bên thu nợ phải được ủy quyền và chịu sự giám sát của các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia thành viên.
Gói hành động và biện pháp chính sách toàn diện của EU thể hiện cam kết của Liên minh trong việc giải quyết các thách thức về nợ xấu và thúc đẩy ổn định tài chính. Chỉ thị này có hiệu lực ngày 28/12/2021 và cần được nội luật hóa vào khung pháp lý của các quốc gia thành viên EU trước ngày 29/12/2023. Khung pháp lý này được cho là sẽ mở đường cho sự phát triển của một thị trường thứ cấp được quản lý chặt chẽ hơn cho việc mua bán nợ xấu trên khắp châu Âu.
Hy Lạp
Trong số các quốc gia thành viên EU, một ví dụ quan trọng về quản lý nợ xấu là Hy Lạp. Các cải cách trong lĩnh vực này của Hy Lạo thậm chí đã được thực hiện trước khi có các sáng kiến của châu Âu được mô tả trên đây. Trên thực tế, cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 của Hy Lạp đã ảnh hưởng rất lớn đến quốc gia và ngành ngân hàng chịu ảnh hưởng nặng nề. Đến năm 2015, các khoản nợ xấu (NPL) do các ngân hàng Hy Lạp nắm giữ đã lên tới con số đáng kinh ngạc - 45%/tổng số khoản vay - mức cao nhất trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Phản ứng của chính phủ Hy Lạp đối với cuộc khủng hoảng nợ xấu năm 2008-2009 bao gồm việc thiết lập một khung xử lý nợ xấu, dựa trên Luật 4354/201511. Khung xử lý nợ xấu của Hy Lạp, được sửa đổi lần cuối năm 2020 (Luật Nợ xấu của Hy Lạp), cung cấp khung pháp lý toàn diện để giải quyết mức nợ xấu cao trong ngành ngân hàng.
Đổi mới quan trọng là sự ra đời của khung pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của các tổ chức xử lý nợ được cấp phép đối với các khoản nợ xấu ngân hàng, vốn trước đây chỉ dành riêng cho các tổ chức tài chính và tín dụng.
Theo khung pháp lý này, Ngân hàng Hy Lạp có quyền cấp phép và giám sát đối với Công ty Quản lý Nợ đối với các Khoản vay và Tín dụng và Công ty Mua Nợ đối với các Khoản vay và Tín dụng. Các công ty trên được cấp phép đặc biệt của Ngân hàng Hy Lạp, được đăng trên Công báo và được Ngân hàng Hy Lạp giám sát đối với việc tuân thủ quy định pháp luật. Các công ty này được đăng ký trong Sổ đăng ký đặc biệt của Cơ quan Đăng ký Thương mại Điện tử Chung (GECR).
Công ty Quản lý Nợ đối với các Khoản vay và Tín dụng được phép quản lý nợ xấu, bao gồm nhiều dịch vụ khác nhau, như thu hồi nợ, giám sát pháp lý & kế toán, tiến hành đàm phán và ký kết thỏa thuận giải quyết với bên nợ. Các công ty này được phép khởi kiện và tiến hành bất kỳ biện pháp tư pháp nào khác để thu hồi nợ và có thể yêu cầu mở hoặc tham gia thủ tục phục hồi trước khi phá sản và thủ tục phá sản.
Khung pháp lý này cho phép các tổ chức tín dụng và tài chính thành lập và vận hành các công ty xử lý nợ được cấp phép đối với các khoản nợ xấu ngân hàng, một động thái trước đây chỉ dành riêng cho các tổ chức đó. Việc thiết lập khung pháp lý này đánh dấu một đổi mới quan trọng nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ xấu bằng cách cho phép việc quản lý nợ xấu được thực hiện bởi các tổ chức cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, thay vì chính các ngân hàng.
Ba năm sau khi áp dụng khung pháp lý này, tỷ lệ nợ xấu trên tổng các khoản vay ở Hy Lạp vẫn cao hơn nhiều so với mức bình quân của Liên minh châu Âu là 41,8% năm 2018. Mặc dù vậy, đã có tiến bộ đáng kể trong việc giải quyết khủng hoảng nợ xấu, với việc sửa đổi toàn diện các quy định xử lý tài sản bảo đảm và thông qua một bộ luật thống nhất về phá sản và tái cơ cấu năm 2019 giúp hợp lý hóa các cấu trúc, luật pháp và tổ chức xử lý nợ.
Việc sửa đổi toàn diện các quy định về xử lý tài sản bảo đảm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi quyền lợi bảo đảm và cung cấp bảo vệ tốt hơn cho chủ nợ. Bộ luật thống nhất mới về phá sản và tái cơ cấu có mục tiêu cung cấp khung pháp lý toàn diện cho thủ tục phá sản và tái cơ cấu, mang lại sự chắc chắn hơn về mặt pháp lý cho các bên có quyền lợi liên quan, bao gồm chủ nợ, nhà đầu tư và bên nợ.
Một bước quan trọng khác trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ xấu là sự ra đời của kế hoạch Hercules. Kế hoạch này cung cấp bảo đảm của nhà nước Hy Lạp có lợi cho bên nắm giữ ưu tiên chứng khoán hóa của các khoản nợ xấu phải thu của các ngân hàng Hy Lạp. Sự ra đời của kế hoạch Hercules có mục đích tạo điều kiện giảm nợ xấu trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng Hy Lạp bằng cách chứng khoán hóa các khoản nợ xấu phải thu và cung cấp bảo lãnh cho các nhà đầu tư. Bảo lãnh được kỳ vọng sẽ mang lại sự yên tâm nhà đầu tư và khuyến khích đầu tư vào nợ xấu, rút cục sẽ tạo điều kiện giảm nợ xấu trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng Hy Lạp.
Tính đến cuối năm 2021, các ngân hàng trong hệ thống của Hy Lạp đã loại bỏ khoảng 85 tỷ EUR nợ xấu khỏi bảng cân đối kế toán. Ngân hàng Hy Lạp đã cấp 26 giấy phép cho công ty xử lý nợ, 23 trong số đó hiện đang hoạt động và 3 trong số các công ty này nắm giữ khoảng 80% thị phần.
Philippines
Chiến lược xử lý nợ xấu ở Philippines bao gồm một số biện pháp như thực hiện các chương trình cơ cấu lại nợ để giúp người vay trả nợ và thành lập cơ quan đăng ký tín dụng để cải thiện quản lý rủi ro tín dụng.
Ngoài các biện pháp này, chính phủ Philippines đã thông qua Đạo luật Chuyển nhượng Chiến lược cho Định chế Tài chính năm 2021 (Đạo luật FIST16) được ban hành ngày 16/02/2021 để đẩy mạnh hơn nữa chiến lược xử lý nợ xấu.
Đạo luật FIST cung cấp khung pháp lý cho việc thành lập các công ty quản lý tài sản (các công ty Chuyển nhượng Chiến lược cho Định chế Tài chính hoặc các công ty FIST) có thể mua và quản lý các khoản nợ xấu từ các định chế tài chính, bao gồm ngân hàng, công ty bảo hiểm, và các trung gian tài chính khác. Các công ty FIST có một số quyền hạn theo luật, bao gồm:
Mua nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu: Công ty FIST có thể mua nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của các định chế tài chính với giá chiết khấu. Điều này cho phép các định chế tài chính giải phóng vốn và giảm mức độ rủi ro.
Quản lý tài sản mua: Công ty FIST được ủy quyền quản lý và xử lý tài sản mua, bao gồm thu giữtài sản bảo đảm, cơ cấu lại nợ, hoặc bán tài sản cho bên thứ ba.
Cơ cấu lại nợ: Công ty FIST có thể đưa ra các chương trình cơ cấu lại nợ cho những bên vay có nợ xấu để giúp bên vay trả nợ và tránh bị thu giữ tài sản bảo đảm.
Hoạt động đầu tư và tài trợ: Các công ty FIST có thể tham gia hoạt động đầu tư và tài trợ, nhưngcó một số hạn chế nhất định, để tạo doanh thu từ tài sản mua.
Chính sách ưu đãi về thuế: Các công ty FIST đủ điều kiện được hưởng các ưu đãi về thuế theo luật pháp, bao gồm miễn thuế trước bạ, thuế giá trị gia tăng và thuế khấu trừ tại nguồn đối với việc mua nợ xấu và tài sản xấu.
Các công ty FIST này bao gồm Công ty Philippine Equitable Recovery FIST - Quản lý Tài sản (AMC) và Công ty Philippine Recovery Company FISTC- AMC, cả hai đều thuộc sở hữu 100% của Chính phủ Philippine; Công ty Argo Global Servicing Philippines (FIST- AMC) thuộc sở hữu của Argo Global Investment Co., LTD - một tập đoàn Nhật Bản; Resurgent Capital (FISTC-AMC) Inc. có China Bank Capital Corp., một công ty con ngân hàng đầu tư đã đăng ký trong nước của China Banking Corporation, trong số các công ty góp vốn; và Collectius FISTC-AMC Private Limited Corp., thuộc sở hữu hoàn toàn của Collectius 2 AG có trụ sở tại Thụy Sĩ.
Nhằm góp ý, nâng cao chất lượng của Dự thảo Luật các TCTD sửa đổi, đặc biệt hành lang pháp lý cho vấn đề xử lý nợ xấu, ngày 17/05/2023 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư sẽ tổ chức Toạ đàm "Vấn đề xử lý nợ xấu trong Luật Các TCTD (sửa đổi)".
Hội thảo được tổ chức với sự tham dự của đại diện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia tài chính, chuyên gia pháp lý và hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và các ngân hàng thương mại.
Nhà Đầu tư