MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Xử lý nợ xấu chưa thấy 'ánh sáng cuối con đường'

13-05-2023 - 11:38 AM | Tài chính - ngân hàng

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, nợ xấu là vấn đề lớn của nền kinh tế năm 2023 khi số lượng doanh nghiệp phá sản tăng cao, tăng trưởng tín dụng thấp và còn rất nhiều vướng mắc trong cơ chế xử lý tài sản đảm bảo, vận hành thị trường

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
308 bài viết
  • Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn

Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống đến cuối tháng 2/2023 đã lên tới 2,91%, tăng khá mạnh so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021. Ngân hàng Nhà nước xác định tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu đến cuối tháng 2/2023 ước tính khoảng 5%/tổng dư nợ.

Những con số nêu trên gần như đưa ngành ngân hàng trở lại mốc tỷ lệ nợ xấu của năm 2017-2018 khi Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu bắt đầu được ban hành và có hiệu lực. Sau 5 năm thí điểm, Nghị quyết 42 được đánh giá tích cực, người vay có ý thức trả nợ hơn, việc thu hồi tài sản đảm bảo xử lý nợ xấu có hiệu quả hơn.

Trước bối cảnh, Nghị quyết 42 sẽ chính thức hết hiệu lực gia hạn từ ngày 31/12/2023, NHNN đang đẩy nhanh quá trình lấy ý kiến Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), nhằm luật hoá Nghị quyết 42, bảo đảm không tạo khoảng trống pháp lý khi nghị quyết này hết hiệu lực. Để có thêm góp ý cho dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi), Tạp chí Nhà đầu tư đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia nhiều năm gắn bó với ngành ngân hàng cả trong nước và thế giới.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Xử lý nợ xấu chưa thấy 'ánh sáng cuối con đường' - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng. Ảnh: Trọng Hiếu.

Tỷ lệ nợ xấu tăng cao trong báo cáo tài chính quý I/2023 của hầu hết các ngân hàng Việt Nam. Tình trạng này kéo dài từ năm tài chính 2022. Trước tiên xin ông cho biết nhận định về tình trạng nợ xấu ngành ngân hàng năm 2023?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Nợ xấu là vấn đề lớn mà nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt trong năm 2023 khi mà người dân, doanh nghiệp phải chịu tác động tiêu cực cả từ bên ngoài và vấn đề nội tại bên trong. Số doanh nghiệp phá sản trong quý I/2023 tăng gấp đôi bình quân năm ngoái cảnh báo dấu hiệu tình trạng nợ xấu khó có thể sáng sủa được.

Chúng ta có thể tưởng tượng một cách đơn giản là ngành ngân hàng sống dựa trên sự tồn tại, phát triển của người dân, doanh nghiệp. Nay đời sống doanh nghiệp khó khăn sẽ dẫn tới tín dụng chậm lại, thu hồi nợ khó khăn hơn. Và vấn đề xử lý nợ xấu dường như chưa thể nhìn thấy ánh sáng phía cuối đường hầm.

Chính phủ đang trình Quốc hội Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi), trong đó có chương riêng về xử lý nợ xấu, theo ông đây có phải cơ hội để giải toả nợ xấu? Ông có đề xuất gì bổ sung cho việc luật hoá Nghị quyết 42 sau 5 năm thí điểm?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Trong bối cảnh Nghị quyết 42 sắp hết thời hạn, thời điểm hiện tại có thể cần có một nền tảng pháp lý cao hơn trong xử lý nợ xấu. Nghị quyết 42 đã chứng tỏ hiệu quả nhưng về tính pháp lý là chưa đủ, cần luật hoá, nên để nó trở thành một bộ phận trong các quy định về hoạt động ngân hàng.

Một trong những vướng mắc lớn nhất của nợ xấu đến thời điểm nay là vấn đề thi hành án. Hiện nay các chế tài để xử lý nợ xấu chưa đủ chặt chẽ và hiệu quả để các ngân hàng có thể xử lý dứt điểm các món nợ xấu. Một trong những vấn đề nổi cộm là chuyển nhượng tài sản bảo đảm còn rất khó khăn. Tôi đề xuất cần có một chương riêng về chuyển nhượng tài sản đảm bảo của khoản nợ. Các quy định phải được thiết kế hết sức thông thoáng để ngay cả các công chứng viên cũng phải hiểu điều đó.

Hiện nay để công chứng việc chuyển nhượng tài sản đảm bảo, đặc biệt là bất động sản rất khó khăn. Cần hiểu rằng, chỉ cần có hợp đồng thế chấp là đã đủ căn cứ mà không cần bất cứ hợp đồng nào khác đã có thể công chứng cho việc chuyển nhượng này. Hiểu một cách đơn giản là người đi vay tiền dùng tài sản đó để thế chấp cho khoản vay vì vậy khi không thể trả nợ thì phải chấp nhận bị thu hồi tài sản bảo đảm, hợp đồng thế chấp đã là nền tảng pháp lý để ngân hàng có thể tịch biên, thu hồi tài sản đảm bảo phục vụ mục đích xử lý nợ.

Ở Mỹ và một số nước phát triển hiện nay còn có hình thức bảo hiểm về quyền sở hữu bất động sản. Với loại bảo hiểm này, khi một người muốn mua 1 căn và muốn dùng căn nhà đó thế chấp ngân hàng thì việc đầu tiên là làm việc với hãng bảo hiểm. Hãng bảo hiểm sẽ qua điều tra căn nhà để xem tính pháp lý và trao đổi với cả bên bán nhà, cũng như bên mua nhà. Sau khi các vấn đề được giải quyết hãng bảo hiểm sẵn sàng bảo hiểm quyền sở hữu trên tài sản đó và người mua có thể tới ngân hàng vay tiền. Ngân hàng dựa vào chứng từ của hãng bảo hiểm để cho vay. Với cơ chế như thế khi đi vay mua nhà rất an toàn cho cả người mua, người bán và ngân hàng.

Hiện nay ở Việt Nam chưa có loại bảo hiểm về tài sản như trên nên chủ chủ đầu tư có không giao nhà đúng tiến độ, chậm trễ cũng không có hãng bảo hiểm đứng giữa để đền bù. Vì vậy, có thể chúng ta nên xem xét có một loại hình bảo hiểm sở hữu bất động sản tương tự như nhiều nước đang áp dụng.

Trong Nghị quyết 42 có chương về sàn giao dịch mua bán nợ. Sàn giao dịch này đã được thành lập nhưng còn hoạt động èo uột vì chưa phát triển thành sàn giao dịch nợ quốc gia. Cần nâng tầm sàn giao dịch mua bán nợ này lên, không chỉ mua bán nợ xấu mà còn cả nợ tốt. Ai cần tiền thì có thể bán nợ và người nào có tiền có thể mua nợ để làm tài sản. Sàn mua bán nợ cần có cơ sở pháp lý thông thoáng, đơn giản để tất cả các thành phần kinh tế đều có thể tham gia vào.

Và sắp tới, chúng ta tiến đến nền một nền kinh tế hiện đại hơn, có thể tính tới cơ chế đóng gói (chứng khoán hoá) các khoản nợ. Ở Mỹ, các món nợ có giá trị từ vài trăm nghìn USD đến vài triệu USD có thể được đóng gói thông qua một công ty trung gian, môi giới, đóng thành những gói hàng tỷ USD để bán. Khi giao dịch, người bán chịu trách nhiệm chuyển nhượng tài sản bảo đảm, phát hành chứng khoán khi món nợ là bất động sản. Bên trung gian, sau khi đóng gói có thể bán cho các nhà đầu tư gồm các quỹ bảo hiểm, quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm..., tiền sẽ được các ngân hàng thu về. Điều này tạo ra vòng quay của đồng tiền nhanh hơn khi những món vay bất động sản là dài hạn.

Lãi suất đang duy trì ở mức cao, ngoài những yếu tố khách quan, một nguyên nhân được chú ý tới là tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

Ngân hàng là loại hình kinh doanh dựa trên nguyên tắc rủi ro cao thì lợi nhuận phải cao tức là khi kinh doanh ở môi trường rủi ro tăng cao thì phải tăng lãi suất. Lãi suất là phần bù trừ cho rủi ro, có thể coi là phần thưởng cho việc chấp nhận rủi ro.

Thực tế thì nợ xấu - thanh khoản - lãi suất luôn là một vòng luẩn quẩn. Sự thiếu hụt thanh khoản một phần đến từ nguyên nhân nợ xấu tăng cao, làm dòng tiền cho vay không trở lại với ngân hàng, buộc nhiều ngân hàng phải tăng huy động vốn với lãi suất cao để bù đắp thanh khoản.

Lãi suất huy động cao kéo theo lãi suất cho vay cao làm tê liệt nền kinh tế và đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng ngưng hoạt động hay phá sản. Cứ như thế vòng xoáy doanh nghiệp gặp khó khăn đưa đến nợ xấu và chậm trả nợ; nợ xấu và hoãn nợ dẫn đến tăng lãi suất để huy động vốn mới trả nợ cũ, đẩy lãi suất lên cao. Điểm cuối cùng của vòng xoáy này khủng hoảng và suy thoái xuất hiện.

Điều này cũng lý giải tại sao tăng trưởng tín dụng quý I/2023 rất thấp dù thanh khoản đã được cải thiện. Theo Thống đốc NHNN, tính đến ngày 25/4, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,75% so với cuối năm 2022. Các doanh nghiệp hiện tại đang rất khó khăn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt hoạt động xuất nhập khẩu, doanh nghiệp mất nhiều đơn đặt hàng. Bản thân ngân hàng, dù dư thừa vốn nhưng nếu cho vay mà dính vào nợ xấu thì có lẽ phương án không cho vay tốt hơn cả.

Vậy theo ông làm sao để giải bài toán nợ xấu thời điểm hiện tại ngoài những đề xuất trên?

Muốn giải quyết vấn đề nợ xấu thời điểm hiện tại cần phải có giải pháp tổng thể để vực dậy nền kinh tế, không chỉ từ 3 lĩnh vực gần gũi và có ảnh hưởng lớn tới ngành ngân hàng là chứng khoán, bất động sản, trái phiếu mà còn là sự ổn định của xuất nhập khẩu, cũng sự phát triển của các ngành kinh tế.

Thời điểm hiện tại, giảm lãi suất cũng chỉ có thể coi là giải pháp mang tính giai đoạn. Vấn đề là phải làm sao phục hồi nền kinh tế một cách toàn diện, khắc phục các đứt gẫy, khi các thị trường hồi phục dần, rủi ro nền kinh tế giảm thì lãi suất cũng sẽ duy trì mức thấp.

Hiện nay cơ quan quản lý đang đứng trước ngã ba đường, vừa phải quản lý về lãi suất, lại vừa phải đẩy mạnh tín dụng nhưng lại phải kiểm soát được rủi ro hệ thống.

Xin cảm ơn ông!

Nhằm góp ý, nâng cao chất lượng của Dự thảo Luật các TCTD sửa đổi, đặc biệt hành lang pháp lý cho vấn đề xử lý nợ xấu, ngày 17/05/2023 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư sẽ tổ chức Toạ đàm "Vấn đề xử lý nợ xấu trong Luật Các TCTD (sửa đổi)".

Hội thảo được tổ chức với sự tham dự của đại diện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia tài chính, chuyên gia pháp lý và hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và các ngân hàng thương mại.

Theo N.Thoan

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên