Thông tin tồn đọng 8 triệu con lợn trong chuồng là không chính xác
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định thông tin hiện đang tồn đọng 8 triệu con lợn ở trong chuồng là không chính xác.
- 23-10-2021Nghịch lý giá lợn hơi - lợn thịt: Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói gì?
- 23-10-2021Giá lợn giảm sâu, nông dân “treo chuồng”, nguy cơ thiếu thịt vào cuối năm
- 22-10-2021Khủng hoảng thừa thịt lợn: Cần quy định giá bán lợn hơi
Thông tin không chính xác trên mang lại hiệu ứng không tốt, khiến người nông dân lo ngại lợn trong chuồng nhiều quá và họ phải bán nhanh, bán đổ, bán tháo bằng mọi giá.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, khi cùng một lúc nhiều người bán, thị trường sẽ bị đứt gãy. Do dịch bệnh COVID-19, nhiều nhà hàng, khu du lịch không mở cửa, trong khi giá cả lại quyết định đơn thuần dựa vào cung và cầu, bây giờ lại thêm yếu tố cảm xúc sẽ dẫn đến hiệu ứng dây chuyền.
Cũng theo Bộ trưởng Hoan, thông tin dư thừa lợn thịt làm tác động đến nông dân khiến họ bán ra thị trường bằng mọi giá, gây áp lực cung - cầu. Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị đã có những đơn hàng đặt trước 5 - 7 tháng, nên không đơn giản chỉ là vấn đề giảm giá.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. (Ảnh: PLO)
“Chúng tôi đang thống kê lại. Mấy triệu con lợn trong chuồng là rất lớn, nhưng cần phải phân loại theo độ tuổi thế nào, lứa xuất chuồng, xuất theo từng đợt, không phải một lúc là bán hết. Nếu đưa thông tin là hàng triệu con lợn trong chuồng chưa xuất bán sẽ khiến bà con nông dân choáng, từ đó tạo tâm lý giá nào cũng phải bán, bán non, gây hỗn loạn thị trường”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định.
Người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng thừa nhận, thời gian qua, ngành Nông nghiệp chưa làm tròn trách nhiệm, chưa dự báo thị trường, ngay cả trong điều kiện bình thường. Còn trong điều kiện bất thường như dịch bệnh COVID-19 lại càng khó dự báo đến bao giờ thì dịch chấm dứt.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, giá lợn hơi xuất chuồng dự kiến sẽ tăng trong khoảng 2 tuần tới. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng có xu hướng tăng và việc lưu thông thuận lợi hơn sau khi tình hình dịch COVID-19 từng bước được kiểm soát.
VTV.VN