MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thông tư 20, Bộ Công Thương vẫn chờ chỉ đạo

Theo quy định, những thông tư trái luật, không hợp lý liên quan đến điều kiện kinh doanh sẽ bị bãi bỏ trước ngày 1/7/2016. Nhưng đến nay, Thông tư 20 vẫn chưa biết số phận thế nào. Cuộc chiến bãi bỏ quy định nhập khẩu ô tô phải có giấy ủy quyền chính hãng vẫn chưa ngã ngũ bởi các bên vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược nhau.

Cách đây ít lâu, Tổng cục Hải quan đã tỏ ra lúng túng khi không biết kể từ sau ngày 1/7/2016, Thông tư 20 quy định việc nhập khẩu ô tô phải có giấy ủy quyền chính hãng còn hiệu lực hay không? Vì thế, cơ quan này đã phải có công văn gửi Bộ Công Thương để chờ câu trả lời.

Theo Tổng cục Hải quan, có những ý kiến cho rằng nội dung hướng dẫn tại Thông tư 20 không phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư.

Cụ thể, căn cứ Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư 2014 thì việc nhập khẩu xe ô tô chờ người loại từ 9 chỗ ngồi chở xuống không thuộc Danh mục này.

Vì thế, thủ tục nhập khẩu mặt hàng xe ô tô chờ người loại 9 chỗ ngồi chở xuống không yêu cầu phải có các chứng từ chứng minh việc đáp ứng điều kiện kinh doanh theo Luật Đầu tư.

Sau khi nhận được những băn khoăn của Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương vừa mới có công văn trả lời Tổng cục Hải quan về Thông tư 20. Tuy nhiên, câu trả lời của Bộ Công Thương vẫn chưa đi thẳng vào câu hỏi Thông tư 20 có được tiếp tục thực thi hay sẽ được bãi bỏ.

Theo Bộ Công Thương, hiện các bộ, ngành, cơ quan liên quan đang có ý kiến khác nhau trong việc xác định các quy định nêu tại Thông tư 20 là thủ tục hành chính hay điều kiện đầu tư kinh doanh. Quyết định cuối cùng vẫn phải chờ Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Mới đây, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đã bày tỏ quan điểm: Quy định tại Thông tư 20 rõ ràng có tính chất là một điều kiện kinh doanh vì đã trao quyền cho một số doanh nghiệp nhất định đủ điều kiện thì được kinh doanh, còn các doanh nghiệp khác thì không được.

Có ý kiến cho rằng Thông tư 20 chỉ quy định về thành phần hồ sơ của thủ tục hành chính về nhập khẩu xe ô tô.

Theo VCCI, điều kiện và thủ tục nhập khẩu hàng hóa (bao gồm cả xe ô tô) vốn được quy định tại Nghị định 20/2016/NĐ-CP, và được thay bằng Nghị định 187/2013/NĐ-CP về mua bán hàng hóa quốc tế. Hai Nghị định này đã quy định về điều kiện để nhập khẩu một số mặt hàng nhưng không có điều kiện nào mà Thông tư 20 yêu cầu doanh nghiệp phải có.

“Giả sử, giấy ủy quyền của nhà sản xuất là một thành phần trong hồ sơ thì nó cũng không có căn cứ vì Nghị định 187 và Nghị định 20 không có quy định về điều kiện”, VCCI lưu ý.

Hơn nữa, theo VCCI, kinh doanh nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Phụ lục 4 của Luật Đầu tư. Do đó, việc Thông tư 20 yêu cầu cung cấp hồ sơ là hoàn toàn không cần thiết và không hợp pháp.

Sau nhiều kiến nghị, các DN kinh doanh và nhập khẩu ô tô vừa qua cũng đã tiếp tục có kiến nghị gửi Thủ tướng, các bộ ngành đề nghị bãi bỏ quy định nhập khẩu ô tô phải có giấy ủy quyền chính hãng tại Thông tư 20 của Bộ Công Thương.

Trước đó, các DN nhập khẩu ô tô không chính hãng đã phải căng băng rôn trước cổng Bộ Công Thương “kêu cứu” lên Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ Thông tư 20, để tạo cơ hội nhập khẩu ô tô bình đẳng cho các DN.

Bởi lẽ, từ khi có Thông tư 20, 200 DN đã bị loại khỏi cuộc chơi. Bởi vì không thể có được giấy ủy quyền chính hãng từ những đại gia ô tô ngoại.

Ông Nguyễn Tuấn, Công ty TNHH Thiên Phúc An chia sẻ: “Mong muốn của chúng tôi là quy định hạn chế nhập khẩu ô tô được bãi bỏ, để chúng tôi được đem tiền đầu tư, đóng thuế cho nhà nước và tạo việc làm”.

Theo L.Bằng

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên