Thu hồi đất nông nghiệp làm dự án: Điểm nghẽn ở mức bồi thường
Tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Bộ TN&MT tổ chức chiều qua, nhiều đại biểu cho rằng, vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là nội dung được nhiều nông dân quan tâm nhất.
- 07-03-2023Đừng để nông dân thiệt thòi trong thu hồi đất nông nghiệp
- 02-03-2023Nhà nước có nên thu hồi đất cho dự án đô thị, nhà ở thương mại?
- 27-02-2023Góp ý Luật Đất đai (sửa đổi): Nóng vấn đề thu hồi đất
Có thể bồi thường bằng căn hộ, quyền kinh doanh
Theo bà Nguyễn Thị Bảo Nga, Viện Nhà nước và Pháp luật, dự thảo Luật Đất đai quy định một số hình thức bồi thường khi giải phóng mặt bằng như bồi thường bằng đất hoặc bằng tiền. Bà Nga cho rằng, việc cho phép bồi thường bằng hai loại hình này có thể gây ra bất cập trong thực tế triển khai. Ví dụ, việc bồi thường bằng tiền dẫn đến tình trạng tiền tệ hóa hoạt động bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất trong khi giá đất tính bồi thường chưa thực sự được thị trường hóa. Bên cạnh đó, việc bồi thường bằng tiền làm cho nhiều trường hợp sử dụng tiền không hợp lý lại rơi vào nghèo đói khi không còn đất để tạo sinh kế.
Nhiều dự án khu đô thị tại TP Phủ Lý, Hà Nam sau thu hồi đất của dân bỏ hoang cỏ mọcẢnh: Minh Tuấn
Với việc bồi thường bằng đất, bà Nga cho rằng, không phải lúc nào cũng có đất cùng mục đích sử dụng để đổi hoặc nhiều trường hợp không xác định được mục đích sử dụng đất làm căn cứ bồi thường. Vì vậy, cần mở rộng hình thức bồi thường, đáp ứng đúng nhu cầu của người bị thu hồi cũng như phù hợp với xu thế quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Bảo Nga cho rằng, để hóa giải vướng mắc trong tạo sinh kế cho người dân yên tâm di dời đến nơi ở mới, Nhà nước có thể xem xét cơ chế chia sẻ lợi ích giữa chính quyền địa phương, nhà đầu tư và người dân khi thu hồi đất.
Bà Nga đề xuất, Nhà nước thực hiện bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng, nếu không có đất cùng loại thì bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng, bằng tài sản gắn liền với đất, bằng quyền kinh doanh, quyền tài sản hoặc giấy tờ có giá trị tương đương, tùy theo sự lựa chọn của người bị thu hồi đất.
Bà Nga lấy ví dụ, Đà Nẵng đưa ra sáng kiến bồi thường đất nông nghiệp đã thu hồi bằng đất sản xuất, kinh doanh, đất ở, cửa hàng tại các chợ quê hay siêu thị, căn hộ chung cư... Theo bà Nga, cách bồi thường này được những người bị thu hồi đất ủng hộ vì họ có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp từ nghề nông sang nghề cung cấp dịch vụ gắn với đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Việc bồi thường bằng căn hộ chung cư có giá trị cao trên thị trường vừa đáp ứng được nhu cầu an cư của người dân bị mất đất vừa không đòi hỏi sử dụng nhiều diện tích đất nên không làm tăng áp lực đất đai lên chính quyền địa phương.
Xử lý nghiêm vi phạm trong giải phóng mặt bằng
Liên quan vấn đề tái định cư, theo PGS.TS Nguyễn Cảnh Quý, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, dự thảo Luật Đất đai quy định UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư. PGS Quý cho rằng, với quy định này, UBND cấp xã sẽ đứng ngoài cuộc việc lập và tổ chức thực hiện dự án tái định cư trong khi đây là cấp gần dân nhất, sâu sát với nhân dân, nắm chắc tình hình quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn cấp xã, hiểu được tâm tư, nguyện vọng, yêu cầu, phong tục tập quán của người dân tái định cư. Vì vậy, nên bổ sung quy định UBND cấp xã tham gia tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư.
PGS Quý cũng cho rằng, cần bổ sung quy định “phải tiến hành điều tra, khảo sát, nghiên cứu kỹ dự án tái định cư để đảm bảo an toàn sống cho các hộ gia đình và cá nhân” bởi thời gian qua có những dự án tái định cư, điều tra, khảo sát không kỹ, bố trí gần sông, suối nên bị ngập lụt, bị lũ quét hoặc có những dự án nằm sát vách núi bị sạt lở đất đe dọa tới an toàn sống của các hộ gia đình, cá nhân.
Việc chi trả tiền bồi thường hỗ trợ tái định cư có quy định: “Trường hợp cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường chậm chi trả thì khi thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi, ngoài tiền bồi thường hỗ trợ theo phương án bồi thường… thì người có đất bị thu hồi còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng mức tiền chậm nộp theo quy định của luật quản lý thuế tính theo số tiền chậm trả và thời gian chậm trả”. PGS Quý cho rằng, để chặt chẽ hơn, cần bổ sung vào quy định này thời gian chậm trả tối đa là bao nhiêu ngày, tránh tình trạng chủ đầu tư dây dưa, không chịu trả tiền bồi thường hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi. Phải có biện pháp xử phạt lũy tiến đối với chủ đầu tư khi hết thời hạn chậm trả mà vẫn không chịu trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người bị thu hồi đất.
Tiền phong