Thu hồi hơn 10.000 tỷ đồng bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế
Trong lĩnh vực thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế, Tổng cục Thi hành án cho biết, 6 tháng đầu năm 2024 đã thi hành xong 10.135 tỷ đồng.
- 16-02-2024Xử đại án tham nhũng, kinh tế: Vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn
- 11-01-2024Vụ án Việt Á điển hình của 'lợi ích nhóm và thông đồng cấu kết tham nhũng'
- 30-12-2023Năm 2023, thu hồi tài sản tham nhũng cao nhất từ trước tới nay
Theo Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), trong 6 tháng đầu năm 2024 (tính từ tháng 10/2023 đến hết tháng 3/2024) , toàn ngành có 679.008 việc phải thi hành án; trong đó 462.469 việc có điều kiện thi hành; các đơn vị đã thi hành xong 242.304 việc.
Về tiền, trong tổng số hơn 411.117 tỷ đồng phải thi hành có hơn 234.793 tỷ có điều kiện thi hành và thi hành xong hơn 47.595 tỷ đồng.
Đối với kết quả Thi hành án tín dụng ngân hàng , số việc phải thi hành 42.920 việc, đến nay đã thi hành xong 2.278 việc; trong khi đó, số tiền phải thi hành hơn 173.033 tỷ đồng, đã thi hành xong hơn 12.802 tỷ đồng.
Ở lĩnh vực thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, Tổng cục Thi hành án cho biết có 4.486 việc phải thi hành, trong đó 2.991 việc có điều kiện thi hành và thi hành xong 1.177 việc; số tiền phải thi hành trên 92.378 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm đã thi hành xong 10.135 tỷ đồng.
Đối với kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án diện Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi có 153 vụ việc. Trong đó: 45 vụ đã thi hành xong; 7 vụ đã xử lý xong hết tài sản, đã xác minh và phân loại chưa có điều kiện thi hành; 81 việc đang tiếp tục tổ chức thi hành; 20 vụ cơ quan Thi hành án dân sự chưa thụ lý do Tòa án chưa xét xử phúc thẩm hoặc cơ quan thi hành án chưa nhận đủ tài liệu, bản án.
Trong tổng số hơn 168.425 tỷ đồng phải thu hồi trong các vụ thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, cơ quan thi hành án đã thi hành xong hơn 85.170 tỷ; hiện còn hơn 83.255 tỷ phải thi hành.
Trong thời gian tới, Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước.
Hai là, đẩy mạnh tham mưu về công tác xây dựng hoàn thiện thể chế về Thi hành án dân sự, Thi hành án hành chính.
Ba là, tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ Thành án dân sự, Thi hành án hành chính theo Nghị quyết số 16/2021/QH15 Quốc hội.
Bốn là, quán triệt, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Tố tụng hành chính năm 2015; các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về việc chấp hành pháp luật Tố tụng hành chính.
Năm là, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác Thi hành án dân sự, Thi hành án hành chính.
Sáu là, quan tâm đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong Hệ thống Thi hành án dân sự nhằm cải cách hành chính, tăng cường quản lý các mặt công tác.
Gần đây, dư luận quan tâm nhiều đến vụ án Vạn Thịnh Phát do số tiền tham nhũng phải thi hành rất lớn, tại cuộc họp báo thường kỳ Quý I năm 2024, diễn ra ngày 12/4 do Bộ Tư pháp tổ chức, ông Nguyễn Thắng Lợi (Phó Tổng cục THADS) cho biết, ngay trong giai đoạn điều tra và truy tố, các cơ quan tiến hành tố tụng đã kê biên, phong tỏa và chuyển giao tài sản, vật chứng cho cơ quan thi hành án. Sau đó, Tổng cục Thi hành án dân sự đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát những thủ tục pháp lý đối với các tài sản, vật chứng đó để đảm bảo việc thi hành án.
Về trình tự thủ tục, ông Lợi cho rằng, hiện nay bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Sắp tới, khi các bên liên quan phần tuyên án về bồi thường thiệt hại mà không có kháng cáo, hoặc có kháng cáo và tòa án cấp phúc thẩm tuyên bản án có hiệu lực, bên liên quan mà có đơn đề nghị thi hành thì cơ quan thi hành án sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật.
Ông Lợi chia sẻ, do vụ án có sự quan tâm đặc biệt của xã hội, Tổng cục Thi hành án dân sự đã chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết, bố trí nguồn lực và cử cán bộ hướng dẫn địa phương thực hiện.
Tiền phong