Thu hút đầu tư vào nông nghiệp: Bài học từ thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP.
Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) đã soạn thảo dự thảo “Nghị định cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp , nông thôn” thay thế Nghị định 57/2018.
Ngoài ra, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, chế biến nông, lâm thủy sản; xu hướng thay đổi của thị trường nông sản trong nước và quốc tế theo hướng an toàn, hiệu quả; đón nhận cơ hội đầu tư từ các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước như Hiệp định thương mại tự do EVFTA, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP… cũng là những lý do cần thiết phải xây dựng Nghị định mới về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi
Theo đó, doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ sở chăn nuôi theo quy định tại Quyết định số 1520/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, được hỗ trợ hỗ trợ không quá 50% tổng mức đầu tư dự án, tối đa 10 tỷ đồng/dự án.
Dự thảo quy định các chính sách ưu đãi và hỗ trợ gồm: Miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước.
Cụ thể, doanh nghiệp có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư thì dự án đó được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước kể từ ngày Nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước. Doanh nghiệp có dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư thì dự án đó được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 15 năm đầu kể từ ngày Nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 7 năm tiếp theo.
Doanh nghiệp có dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư thì dự án đó được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 11 năm đầu kể từ ngày Nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 5 năm tiếp theo.
Bài học từ Đồng Nai - Thủ phủ chăn nuôi của cả nước bị ô nhiễm nghiêm trọng
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, trong quá khứ các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đều tập trung về Đồng Nai để đầu tư nhưng bây giờ tỉnh không còn được ưu thế đó nữa, do quỹ đất hạn hẹp và do ô nhiễm môi trường, nên không còn lợi thế thu hút doanh nghiệp với tỉnh để được hưởng ưu đãi về chính sách đầu tư các dự án chăn nuôi.
Nhận định về dự thảo Nghị định mới của Bộ KH-ĐT, ông Đoán cho rằng, đối với dự thảo Nghị định của Bộ KH-ĐT có 2 điểm quan tâm.
Thứ nhất, chỉ các doanh nghiệp lớn mới được thụ hưởng các cơ chế, chính sách này còn những hộ chăn nuôi phổ thông muốn được hưởng hơi khó.
Thứ hai, các doanh nghiệp muốn đầu tư vào chăn nuôi họ sẽ dịch chuyển ra các tỉnh xa như Bình Phước, Đắc Nông, Đắk Lắk, …có quỹ đất lớn và chăn nuôi chưa phát triển thì đầu tư mới an toàn, còn ở Đồng Nai do môi trường đã “ô nhiễm” rồi nên bây giờ các doanh nghiệp lớn không muốn chọn Đồng Nai.
Vì vậy, Đồng Nai sẽ không còn cơ hội phát triển chăn nuôi ở quy mô lớn để được hưởng lợi các cơ chế, chính sách và giá thuê đất. Hiện nay đa số các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đều chọn Bình Phước và các tỉnh xa để đầu tư, do các tỉnh này có quỹ đất rộng để phát triển chăn nuôi đúng hướng hơn.
“Đồng Nai là một trong những tỉnh trên cả nước có khu quy hoạch về chăn nuôi với hàng ngàn khu chăn nuôi hiện hữu trong tỉnh, nhưng tất cả đều không thực hiện được. Bởi theo tiêu chí chăn nuôi bây giờ thì vấn đề an toàn sinh học thì trại cách trại là 1.000 m2, nhưng Đồng Nai không thể đáp ứng được cho nên không đạt tiêu chí an toàn sinh học đối với chăn nuôi. Đồng Nai không còn cơ hội thu hút đầu tư của doanh nghiệp.
Ngoài ra, trong khu quy hoạch chăn nuôi không có đường, điện và không có xử lý nước thải, ở trong khu quy hoạch chăn nuôi những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đan xen với những trang trại lớn và người chăn nuôi phải tự xử lý nhưng họ không có hầm chứa nước thải nên gây ô nhiễm nặng nề.
Những doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi quy mô lớn cần quỹ đất rộng để đầu tư chuồng trại bài bản theo 3F thì không đáng lo, nhưng với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không đủ điều kiện xử lý nước thải nhất là với chăn nuôi heo, nếu xử lý nước thải không tốt sẽ làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Do vậy, để tránh gây ô nhiễm môi trường, các tỉnh khi xem xét các dự án đầu tư chăn nuôi cần chú trọng đến các biện pháp xử lý nước thải của doanh nghiệp.
Tại Đồng Nai, chăn nuôi heo và chăn nuôi gia cầm đang xảy ra những bất cập trong vấn đề vệ sinh môi trường, vì vậy, cần có khu quy hoạch chăn nuôi heo riêng và chăn nuôi gia cầm riêng”, ông Đoán khuyến nghị.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, từ bài học thực tế của Đồng Nai các địa phương muốn phát triển chăn nuôi cần chú ý đến khâu quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch khu xử lý nước thải và vệ sinh môi trường. Điều kiện tiên quyết để chăn nuôi thành công.
Trong thời gian qua ngành chăn nuôi ở tỉnh Đồng Nai phát triển mạnh mẽ đã đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế tỉnh, và Đồng Nai được ví là thủ phủ chăn nuôi của cả nước. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi cũng gây ra nhiều hệ lụy, nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường. Để rút kinh nghiệm của Đồng Nai các tỉnh đang thu hút đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi cần chú trọng quy hoạch khu chăn nuôi, khu xử lý nước thải và vấn đề vệ sinh môi trường.
BizLive