MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu hút FDI cần những yếu tố 'phi thuế'

TS. Đào Hoàng Tuấn, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế, Học viện Chính sách phát triển nhấn mạnh, để tận dụng tối đa lợi ích từ Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần hướng tới việc tăng cường năng lực của các yếu tố phi thuế như hạ tầng, giảm chi

Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn vừa tổ chức hội thảo "Thuế tối thiểu toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam"

Gửi tham luận tới hội thảo, TS. Đào Hoàng Tuấn, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế, Học viện Chính sách phát triển cho biết: Gần đây, các quốc gia đang tranh luận về những thay đổi lớn trong quy định về thuế quốc tế áp dụng cho các công ty đa quốc gia, cụ thể là thuế tối thiểu toàn cầu (GMT). Các công ty lớn sẽ phải trả nhiều thuế hơn ở nơi mà họ có khách hàng và ít hơn ở những nước họ đặt trụ sở chính, có người lao động và các hoạt động đang diễn ra. Hơn nữa, thoả thuận của các nước cũng đưa ra mức GMT là 15%.

Theo đó, những sự thay đổi lớn thể hiện trong GMT phản ánh sự thay đổi về các quy định thuế quốc tế và cần thực thi trong năm 2023. Thuế đối với lĩnh vực dịch vụ số và các chính sách liên quan sẽ cần phải thay đổi, cụ thể các quốc gia có thuế dịch vụ số cần có sự chuyển đổi kết nối thuận lợi. Các nước cần đưa ra luật mới nhằm có sự tương thích với cách tiếp cận điều khoản thuế mới và bãi bỏ một số chính sách mâu thuẫn với luật/ quy định mới.

"Chính thoả thuận này của các quốc gia tạo ra những thay đổi lớn đối với cạnh tranh về thuế và khiến nhiều quốc gia cần phải suy xét lại về các chính sách về thuế của họ đối với các công ty đa quốc gia", ông Tuấn nói.

Vào tháng 7/2021, hơn 140 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã đạt được đồng thuận về việc áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu với các tập đoàn đa quốc gia ở mức 15%.

Vào tháng 12/2021, OECD và G20 đã khởi động lại cho thoả thuận về đổi mới chính sách thuế toàn diện để ứng phó với những thách thức về thuế từ quá trình số hoá nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Ngay sau đó Uỷ ban Châu Âu (EU) đã đưa ra đề xuất chuyển đổi nhằm điều chỉnh luật pháp EU.

Thu hút FDI cần những yếu tố phi thuế - Ảnh 1.

Hội thảo "Thuế tối thiểu toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam" do Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn tổ chức nhận được sự quan tâm của Chính phủ, Quốc hội, các chuyên gia kinh tế hàng đầu cũng như doanh nghiệp. Ảnh: Trọng Hiếu.

 

Sau khi các quốc gia OECD đạt được sự đồng thuận về việc áp đặt mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15% lên các tập đoàn xuyên quốc gia với doanh thu từ 750 triệu USD trở lên. Theo thỏa thuận này, công cụ ưu đãi về thuế, như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, sẽ trở nên kém hiệu quả, vì nếu doanh nghiệp trả mức thuế thấp hơn 15% tại quốc gia tiếp nhận đầu tư, doanh nghiệp này sẽ phải trả phần thuế chênh lệch tại quốc gia đầu tư.

Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế cho biết, hiện nay, các chính phủ đang trong quá quá trình phát triển các kế hoạch và điều chỉnh cho phù hợp với luật quốc gia.

Hiện Việt Nam đang áp mức thuế 10% trong 15 năm kể từ khi có doanh thu, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng quan trọng, công nghệ cao, quy mô lớn và sản xuất hàng hóa có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Các doanh nghiệp như Intel, Foxconn, Samsung, LG… là các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi và sẽ chịu tác động lớn nhất từ cam kết về thuế.

Ông Tuấn cho rằng, so sánh với các thành phần kinh tế khác, doanh nghiệp FDI hiện đang được hưởng lợi nhiều từ các chính sách ưu đãi thuế. Theo báo cáo của Bộ Tài chính (2019), trong năm 2016, tỷ trọng về số thuế thu nhập doanh nghiệp được ưu đãi, miễn giảm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn giảm của doanh nghiệp cả nước là 76%. Tỷ lệ về số thuế thu nhập doanh nghiệp được ưu đãi miễn, giảm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tính theo thuế suất phổ thông là 48%, trong khi tỷ lệ này của doanh nghiệp nhà nước là 4,6%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 14%.

Thu hút FDI trong bối cảnh mới cần yếu tố mới

Đánh giá tác động của Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu tới Việt Nam, ông Đào Hoàng Tuấn cho rằng, Quy tắc một mặt hạn chế khả năng sử dụng công cụ ưu đãi thuế để thu hút đầu tư của Việt Nam nhưng các quốc gia trong khu vực cũng chịu tác động của thỏa thuận này. Vì vậy, thỏa thuận này không đặt Việt Nam vào một vị trí bất lợi hơn trong việc thu hút FDI khi so sánh với các quốc gia trong khu vực trong việc thu hút nhà đầu tư mới.

Khi các quốc gia trong khu vực, bao gồm Việt Nam, không thể sử dụng công cụ thuế, thì các yếu tố khác trong thu hút đầu tư (các yếu tố lliên quan đến FDI của nước tiếp nhận) sẽ trở nên quan trọng hơn đối với doanh nghiệp FDI.

"Việt Nam có lợi thế ở một số yếu tố này, như môi trường chính trị ổn định, môi trường vĩ mô ổn định, khả năng tiếp cận thị trường rộng lớn nhờ vào các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. So với các quốc gia trong khu vực, trừ Singapore, Việt Nam là quốc gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do nhất. Tuy nhiên, đối với các yếu tố về cơ sở hạ tầng, chi phí vận chuyển và lao động có kỹ năng, Việt Nam còn chưa bắt kịp những quốc gia đứng đầu ASEAN", TS. Đào Hoàng Tuấn khuyến nghị.

Theo đó, mục tiêu của chiến lược thu hút đầu tư trong thời gian tới cần hướng tới những tiêu chí nêu trên. Các công cụ miễn/giảm thuế để thu hút đầu tư có thể được thay thế bằng việc ưu tiên đầu tư công vào cơ sở hạ tầng của địa điểm sản xuất, hay ưu đãi và trợ cấp cho các chương trình đào tạo lao động. Các công cụ như vậy có thể đòi hỏi sự phối hợp liên ngành tốt hơn và chặt chẽ hơn, giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ/ngành liên quan, trong công tác xúc tiến đầu tư.

Riêng với các doanh nghiệp FDI đã hoạt động tại Việt Nam, TS. Đào Hoàng Tuấn cho rằng, thỏa thuận này làm giảm động cơ của các doanh nghiệp này trong việc dịch chuyển sản xuất sang một quốc gia khác. Nếu không có thỏa thuận này, sau khi hết thời gian ưu đãi, các doanh nghiệp này hoàn toàn có khả năng dịch chuyển sang một quốc gia khác, với mức thuế suất ưu đãi hơn. Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến cho một số doanh nghiệp FDI không đầu tư vào việc xây dựng mối liên kết với doanh nghiệp nội địa. Với thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu, động cơ dịch chuyển sang một quốc gia khác sau khi kết thúc thời hạn ưu đãi thuế sẽ không còn. Chính phủ Việt Nam và chính phủ của nhiều quốc gia khác sẽ tăng nguồn thu từ thuế. Các nguồn thu tăng thêm này cần được đầu tư kịp thời vào các yếu tố tác động tích cực đến thu hút FDI.

Gợi ý chính sách cho Việt Nam, TS. Đào Hoàng Tuấn nhấn mạnh: Trong bối cảnh phát triển nền kinh tế số, thoả thuận liên quan đến GMT cũng là minh chứng cho sự thích ứng kinh hoạt và sự đông thuận của các quốc gia với những thay đổi chính sách toàn cầu và chính sách thuế này là một minh chứng rõ nét. Các chính phủ cần chủ động và linh hoạt để vừa hướng đến các mục tiêu phát triển của nền kinh tế số, có những chính sách thu hút FDI phát triển kinh tế trong bối cảnh mới, vừa tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI. Điều quan trọng là chính phủ Việt nam cần điều chỉnh chính sách liên quan để tạo sự tương thích giữa những chính sách ưu đãi về thuế Việt Nam đang áp dụng cho các doanh nghiệp FDI và bổ sung những quy định liên quan đến GMT trong bối cảnh của Việt Nam.

Cuối cùng, ông Tuấn cho rằng, để tận dụng tối đa lợi ích từ Quy tắc này, chiến lược thu hút đầu tư trong thời gian tới cần hướng tới việc tăng cường năng lực của các yếu tố phi thuế như nâng cấp cơ sở hạ tầng, giảm chi phí logistics và tăng cường năng lực và đào tạo kỹ năng cho người lao động và chính phủ cũng cần có những điều chỉnh về luật và chính sách liên quan để thích ứng với những thay đổi từ những quy định thuế quốc tế này.

Theo Đình Vũ

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên