MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thử nghiệm thành công mạng 5G tốc độ “siêu khủng”: Viettel sắp hiện thực hoá điều gì?

Việc thử nghiệm thành công mạng 5G tốc độ 4,7Gb/s không chỉ đưa Viettel trở thành một trong những mạng viễn thông có tốc độ 5G nhanh nhất châu Á mà còn tạo bước tiến dài để đưa những ứng dụng 4.0 vào thực tiễn.

Bí mật phía sau con số 4,7Gb/s

Ngày 15/9, Viettel công bố đã hợp tác nghiên cứu, thử nghiệm và thiết lập thành công tốc độ truyền dữ liệu 5G đạt hơn 4,7Gb/s. Đối tác của nhà mạng lớn nhất Việt Nam là Ericsson và Qualcomm Technologies, Inc., hai tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.

Theo mô tả của nhà phát triển, tốc độ này cao gấp 40 lần tốc độ 4G và gấp hơn 2 lần tốc độ 5G hiện có. Thành tựu này giúp Viettel trở thành một trong những mạng viễn thông có tốc độ 5G nhanh nhất châu Á. Viettel không chỉ tiếp tục là nhà mạng duy nhất trên thế giới có năng lực nghiên cứu phát triển thiết bị 5G mà còn khẳng định thành tựu tối tân nhất phía sau công nghệ 5G của mình.

Để đạt tốc độ truyền dữ liệu kỷ lục 4,7 Gb/giây, nhóm nghiên cứu của Viettel, Ericsson và Qualcomm Technologies đã sử dụng công nghệ kết nối kép vô tuyến E-UTRA New Radio Dual Connectivity (EN-DC) tiên tiến nhất thế giới trên 800Mhz băng tần sóng cực ngắn (mmWave) giúp tăng tốc độ và mở rộng phạm vi phủ sóng 5G.

Nói về thành tựu của Viettel, ông Thiều Phương Nam, CEO Qualcomm Đông Dương, nhấn mạnh: "Việc đạt được tốc độ 4,7gb/s là một bước tiến rất quan trọng trong thương mại hoá dịch vụ 5G tại Việt Nam. Có thể nói, tốc độ 4,7 là tốc độ kỷ lục ở Việt Nam. Ngay cả trong khu vực và trên thế giới cũng là rất cao so với các nhà mạng khác".

Với tư duy phải đưa những công nghệ mới nhất, ưu việt nhất thế giới vào thử nghiệm tại Việt Nam, Viettel, Qualcomm và Ericsson đã phối hợp chặt chẽ và hiệu quả nhằm ứng dụng các tính năng mới nhất của 5G, chẳng hạn như mmWare hay công nghệ gộp sóng, vào thử nghiệm. Đây không chỉ là quả ngọt của quá trình hợp tác mà còn mở ra những tiềm năng to lớn cho ứng dụng 5G vào đời sống.

"4,7 không chỉ là một con số bình thường. Mà đạt được tốc độ 4,7 này, điều quan trọng là chứng minh được công nghệ 5G, Mmwave thực sự mang lại tốc độ và kết nối dữ liệu rất cao tại Việt Nam. Điều này đã được chứng minh thực tế với Viettel. Thứ hai, tốc độ này mở ra rất nhiều ứng dụng mới cho người dùng, cũng như mở ra các mảng kinh doanh mới cho nhà mạng Viettel", ông Thiều Phương Nam nhấn mạnh.

Thử nghiệm thành công mạng 5G tốc độ “siêu khủng”: Viettel sắp hiện thực hoá điều gì? - Ảnh 1.

Công nghệ tương lai "đặt một chân" vào cuộc sống người Việt

Nghiên cứu, triển khai mạng 5G là một trong 6 định hướng phát triển trong chiến lược "Tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số" mà Viettel đặt ra vào năm 2019. Tại Việt Nam, 5G đã được đưa vào kinh doanh thử nghiệm cuối năm 2020. Tuy nhiên, số khách hàng được trải nghiệm 5G chưa nhiều và những thay đổi nó tạo ra cho cuộc sống cũng chưa rõ rệt.

Đường truyền 4,7Gb/s được kỳ vọng sẽ tạo ra khác biệt lớn. Nó đã khẳng định năng lực vượt trội của công nghệ 5G sóng cực ngắn (mmWave) mà Viettel đang triển khai tại Việt Nam. Thành công đó trở thành nền tảng xây dựng nhà máy thông minh, nông nghiệp thông minh, đô thị thông minh, thành phố thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh,...

Về phương diện của nhà mạng, ông Thiều Phương Nam cho biết, với tốc độ 4,7 GB/s, Viettel có thể cung cấp Interenet băng rộng đến các hộ gia đình và doanh nghiệp, với chất lượng tương đương cáp quang. Điều này sẽ giảm rất nhiều chi phí đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở những nơi cáp quang không đến được.

Đối với công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam, đường truyền 5G tốc độ siêu cao sẽ trở thành chìa khóa để đưa các ứng dụng "của tương lai" vào đời sống. Ví dụ được nêu ra bao gồm các nhà máy thông minh, các sự kiện thể thao, giải trí cung cấp góc nhìn 360 độ hay các giải pháp giao thông thông minh như xe tự lái….

Bên cạnh đó, 5G tốc độ cao sẽ tạo ra những đóng góp to lớn cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia. 2 năm qua, đại dịch đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ tại các doanh nghiệp nhưng trong tương lai, 5G sẽ đóng vai trò quan trọng để đảm bảo cả một hệ sinh thái số có thể kết nối với nhau theo thời gian thực. Nó sẽ không dừng lại ở việc kết nối người với người mà sẽ liên kết các hạ tầng với nhau.

Để tiến trình ấy diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn, song song với việc nghiên cứu, phát triển mạng 5G tốc độ siêu cao, Viettel cũng tạo cơ hội cho các startup, đơn vị và cá nhân có thể tiếp cận công nghệ mới nhất để biến ý tưởng của họ trở thành sản phẩm, dịch vụ cụ thể, đáp ứng các nhu cầu mới, thông qua 2 phòng Lab ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Những công nghệ trong phòng lab, từ 5G, mmWave, trí tuệ nhân tạo, IoT, cloud… đều là những công nghệ hàng đầu và có xu thế phát triển mạnh, tiềm năng lớn. Các nhà phát triển chỉ cần ý tưởng đủ tốt để có thể sử dụng những công nghệ tối tân này hoàn toàn miễn phí cho mục tiêu hiện thực hóa ý tưởng của mình.

Thu Hà

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên