Thu nghìn tỷ đồng tiền thuế từ cá nhân kiếm tiền qua Facebook, Google
Theo Tổng cục Thuế, số thuế thu về từ các cá nhân kiếm tiền trên nền tảng Google, Facebook trong năm 2019 và 2020 là khoảng 1.000 tỷ đồng.
- 01-01-2021Việt Nam có tiềm năng hơn Ấn Độ, Trung Quốc để thành đối tác kinh tế triển vọng của Australia
- 31-12-2020Điều bất ngờ của Cốc Cốc
- 30-12-2020Chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới chỉ ra nhân tố phi y tế giúp Việt Nam vượt qua khủng hoảng
Đó là thông tin được ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết tại cuộc họp báo chí cuối năm 2020. "Số thuế này được xác định dựa trên số liệu Facebook, Google trả tiền trực tiếp cho cá nhân hoặc qua doanh nghiệp có hoạt động quảng cáo".
Theo ông Minh, số thu thuế từ hoạt động kinh doanh qua mạng sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới nhờ tốc độ phát triển nhanh của các dịch vụ kinh tế số. Theo đó, người dân sẽ tham gia các hoạt động mua sắm và giải trí trực tuyến, thực hiện thanh toán không tiền mặt với tần suất cao hơn do chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19.
Đồng thời, doanh nghiệp phải thay đổi mô hình sản xuất và kinh doanh theo hướng số hóa: áp dụng công nghệ trực tuyến với sản phẩm, hoạt động tiếp xúc khách hàng nhằm tạo nguồn doanh thu mới
Đại diện Tổng cục Thuế khẳng định: "Tôi tin Việt Nam sẽ là quốc gia đi đầu về các dịch vụ kinh tế số, từ đó tạo điều kiện phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh trong năm 2021. Đồng thời là tiền đề cho việc phát triển nguồn thu thời gian tới".
Tổng cục Thuế vừa qua đã chỉ đạo toàn bộ các cơ quan thuế trong hệ thống phải thành lập các tổ chuyên môn trách khảo sát các hệ thống kinh doanh trực tuyến.Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị quản lý thị trường và công ty trung gian thanh toán để tìm giải pháp quản lý doanh thu từ các dịch vụ số.
Liên quan đến thể chế, Tổng cục Thuế đã đưa nhiều quy định liên quan tới quản lý số và giao dịch xuyên biên giới vào Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14. Theo đó, cơ quan này sẽ ban hành một số Thông tư hướng dẫn về trách nhiệm của các bên trong công tác quản lý thuế.
Đối với các doanh nghiệp nước ngoài đang thực hiện cung ứng nền tảng tại Việt Nam, cơ quan thuế đã có kế hoạch làm việc với các công ty tư vấn, kiểm toán để mời các doanh nghiệp, gồm: Netflix, Amazon, Google, Youtube để trao đổi, hướng dẫn về nghĩa vụ thuế và phương pháp quản lý thuế theo quy định mới.
Cuối cùng, ông Minh kết luận: "Không chỉ riêng người kinh doanh mà cả trung gian thanh toán, doanh nghiệp cung ứng nền tảng, bộ ngành có liên quan sẽ phối hợp cơ quan thuế để quản lý, tạo điều kiện cho sự phát triển của kinh tế số".