Thu nhập của nhóm người giàu nhất ở TP.HCM và Hà Nội đã thay đổi ra sao trong 10 năm?
Tính riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, thu nhập trung bình mỗi tháng của người dân đã có sự thay đổi đáng kể trong vòng 10 năm. Cụ thể, so với năm 2010, thu nhập bình quân mỗi tháng của một người ở Hà Nội năm 2020 đã tăng gấp 3 lần, còn ở TP.HCM tăng gấp 2 lần.
- 21-07-2022Gần 80% lao động nước ngoài cảm thấy không có áp lực tiền bạc khi sống và làm việc tại Việt Nam
- 21-07-2022Hơn 9 nghìn nhân viên y tế công lập nghỉ việc: Có nguyên nhân thu nhập thấp
- 21-07-2022Vĩnh Phúc tăng trưởng trên 10% trong nửa đầu năm 2022
Khảo sát về mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê đã đưa ra số liệu về chênh lệch chi tiêu giữa 5 nhóm thu nhập. Cụ thể, khái niệm "5 nhóm thu nhập" là tổng số nhân khẩu điều tra được sắp xếp theo mức thu nhập bình quân đầu người từ thấp đến cao, sau đó chia thành 5 nhóm với số nhân khẩu bằng nhau (mỗi nhóm 20% số nhân khẩu), bao gồm:
- Nhóm 1: nhóm có thu nhập thấp nhất (nhóm nghèo nhất);
- Nhóm 2: nhóm có thu nhập dưới trung bình;
- Nhóm 3: nhóm có thu nhập trung bình;
- Nhóm 4: nhóm có thu nhập khá;
- Nhóm 5: nhóm có thu nhập cao nhất (nhóm giàu nhất).
Theo đó, thu nhập bình quân (TNBQ) 1 người 1 tháng chung cả nước năm 2020 theo giá hiện hành đạt 4,249 triệu đồng, giảm khoảng 1% so với năm 2019. Bình quân mỗi năm trong thời kỳ 2016-2020, thu nhập bình quân đầu người 1 tháng chung cả nước tăng bình quân 8,2%.
Trong đó, TNBQ 1 người 1 tháng năm 2020 ở khu vực thành thị đạt 5,59 triệu đồng, cao gấp gần 1,6 lần khu vực nông thôn (3,481 triệu đồng).
Xét theo vùng kinh tế, báo cáo cho biết, vùng có TNBQ đầu người cao nhất là vùng Đông Nam Bộ (6,024 triệu đồng/người/tháng), cao gấp 2,2 lần vùng có TNBQ đầu người thấp nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc (2,745 triệu đồng/người/tháng).
Nếu xét theo nhóm thu nhập, nhóm hộ giàu nhất (gồm 20% dân số giàu nhất - nhóm 5) có TNBQ 1 người 1 tháng năm 2020 đạt 9,191 triệu đồng, cao gấp hơn 8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất - nhóm 1), với mức thu nhập đạt 1,142 triệu đồng.
Tính riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, thu nhập trung bình mỗi tháng của người dân đã có sự thay đổi đáng kể trong vòng 10 năm. Cụ thể, so với năm 2010, thu nhập bình quân mỗi tháng của một người ở Hà Nội năm 2020 đã tăng gấp 3 lần, từ mức 2,01 triệu đồng/người/tháng lên 6,2 triệu đồng/người/tháng.
Trong khi đó, thu nhập bình quân mỗi tháng của một người ở TP.HCM năm 2020 chỉ tăng gấp 2 lần sau 10 năm, từ mức 2,73 triệu đồng (2010) lên mức 6,53 triệu đồng (2020).
Xét theo nhóm thu nhập, thu nhập trung bình của nhóm người giàu nhất ở cả TP.HCM và Hà Nội cũng có sự thay đổi. Theo đó, trong giai đoạn 2010-2015, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng của nhóm hộ giàu nhất TP.HCM có xu hướng cao hơn so với nhóm hộ giàu nhất ở Hà Nội. Song, khoảng cách về thu nhập của nhóm hộ giàu nhất ở cả 2 thành phố đã thu hẹp hơn trong giai đoạn 2016-2019. Tuy nhiên, sang đến năm 2020, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng của nhóm hộ giàu nhất TP.HCM đã giảm xuống thấp hơn so với nhóm hộ giàu nhất ở Hà Nội.
Cụ thể, ở Hà Nội, thu nhập bình quân của nhóm hộ giàu nhất đã tăng gấp 2,6 lần trong 10 năm, từ 4,83 triệu đồng/người/tháng năm 2010 lên 12,85 triệu đồng/người/tháng năm 2020. Nếu so với nhóm hộ nghèo nhất, TNBQ năm 2020 của nhóm hộ giàu nhất ở Hà Nội cao gấp hơn 6,1 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (1,142 triệu đồng/người/tháng).
Nguồn: GSO
Còn ở TP.HCM, thu nhập bình quân của nhóm hộ giàu nhất đã tăng gấp 1,8 lần trong 10 năm, từ 6,42 triệu đồng/người/tháng năm 2010 lên 11,86 triệu đồng/người/tháng năm 2020. Nếu so với nhóm hộ nghèo nhất, TNBQ năm 2020 của nhóm hộ giàu nhất ở TP.HCM cao gấp hơn 3,5 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (3,4 triệu đồng/người/tháng).