MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu phí sử dụng vỉa hè khu trung tâm TP.HCM: Vẫn còn băn khoăn

Việc thu phí sử dụng vỉa hè về cơ bản đã tạo được sự đồng thuận từ người dân, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường. Qua đó từng bước tác động, điều chỉnh nhận thức, hình thành thói quen, hành vi tích cực của nhiều tổ chức, cá nhân liên quan đến việc sử dụng lòng đường, hè phố.

Vỉa hè khu trung tâm ngăn nắp nhờ thu phí

Trở lại đường Lê Thánh Tôn, một trong 11 tuyến đường thí điểm thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố từ hồi tháng 5/2024 vào một buổi sáng cuối tuần, chúng tôi thấy cảnh đông đúc của các quán cà phê ở dọc tuyến.

Điểm tích cực là người đi bộ dễ dàng di chuyển trên vỉa hè, len giữa một dãy xe máy và bàn ghế của các hàng quán. Theo nhiều chủ quán trên tuyến đường, tham gia đăng ký thuê vỉa hè, biết được quyền lợi, nghĩa vụ của mình giúp họ ý thức hơn trong việc hài hòa giữa việc kinh doanh buôn bán và việc đảm bảo trật tự giao thông, vệ sinh môi trường…

Thu phí sử dụng vỉa hè khu trung tâm TP.HCM: Vẫn còn băn khoăn- Ảnh 1.

Vỉa hè đường Lê Thánh Tôn, Quận 1 ngăn nắp (ảnh: Ngọc Anh)

Tương tự tại các tuyến đường khác như Hải Triều, Trần Hưng Đạo, Hàm Nghi…hàng quán bày biện ngăn nắp, tuân thủ các quy định khi đăng kí thuê vỉa hè.

Chị Lan, 48 tuổi, chủ quán bún bò ở đường Trần Hưng Đạo cho biết, bản thân chị và mọi người cũng còn hơi băn khoăn bởi việc có thêm một loại phí, dù không nhiều, nhưng cũng là thêm gánh nặng khi người kinh doanh đã đóng hàng loạt loại thuế, phí như kinh doanh, môi trường, tiền rác, tiền điện, nhân viên. Ngoài ra, qua thực tế áp dụng cũng có nhiều người dân còn lúng túng trong việc đăng kí qua app.

Tuy nhiên, chị Lan và mọi người đều ý thức được nghĩa vụ của người kinh doanh, cũng như hiểu được ý nghĩa của việc thu phí sử dụng sẽ giúp cho trật tự đô thị được đảm bảo, việc buôn bán kinh doanh cũng không còn cảnh “nơm nớp” lo sợ khi có bóng dáng của lực lượng chức năng.

"Mình cũng ủng hộ nhiệt tình thôi. Nếu mà làm đồng bộ, đồng loạt như vậy thì mọi người đều ủng hộ tại vì dân sẽ có chỗ để mà buôn bán ổn định, không cần bán rồi chạy. Khi mà người ta đóng, thực hiện đầy đủ hết nghĩa vụ của họ thì sẽ được hưởng lại quyền lợi là được để đồ buôn bán và an tâm", chị Lan cho biết.

Còn nhiều băn khoăn

Theo Phó Chủ tịch UBND Quận 1 Vũ Nguyễn Quang Vinh, sau hơn 5 tháng triển khai, trật tự đô thị, hè phố, mỹ quan trên địa bàn đã đi vào ổn định; đảm bảo lối đi dành cho người đi bộ thông suốt, an toàn…Đặc biệt, việc thí điểm thu phí đã nhận được sự ủng hộ và đồng thuận cao của nhân dân. Đã có gần 400 trường hợp (nhiều nhất là phường Bến Thành, chiếm gần 50%) đăng kí thuê vỉa hè với tổng số diện tích sử dụng là hơn 3.100m2 và số phí thu được là 800 triệu đồng.

Thu phí sử dụng vỉa hè khu trung tâm TP.HCM: Vẫn còn băn khoăn- Ảnh 2.

Các hàng quán bày bàn ghế đảm bảo lối đi cho người đi bộ (ảnh: Ngọc Anh)

Qua đánh giá của quận, vẫn có một số tình trạng người dân chưa đồng thuận việc thuê vỉa hè; sử dụng quá diện tích thuê, còn bố trí bàn ghế chắn lối đi của người đi bộ…

Phó Chủ tịch UBND Quận 1 Vũ Nguyễn Quang Vinh cho biết, từ ngày 25/10, Quận 1 chính thức triển khai thu phí sử dụng tạm thời một phần hè phố đủ điều kiện làm điểm kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa đối với 41 tuyến đường còn lại trong danh mục 52 tuyến đường đã ban hành trước đó.

"Rất mong các cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân sẽ tiếp tục đồng hành cùng Quận 1 để thực hiện nghiêm Quyết định 32 của Thành phố, góp phần làm cho hè phố Quận 1 sẽ thông thoáng hơn, khang trang hơn, đảm bảo an ninh trật tự; để cho người đi bộ được một khoảng không gian an toàn, hạn chế tình trạng lấn chiếm lòng đường, hè phố dẫn đến tai nạn giao thông để xứng đáng với kỳ vọng là xây dựng Quận 1 văn minh, hiện đại, xứng tầm ở trung tâm Thành phố.", ông Vũ Nguyễn Quang Vinh cho biết.

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, việc triển khai thu phí đã từng bước tác động, điều chỉnh nhận thức, hình thành thói quen, hành vi tích cực của nhiều tổ chức, cá nhân liên quan đến việc sử dụng lòng đường, hè phố.

Tuy nhiên, Sở cũng nhìn nhận các quy định tại Quyết định 32, Nghị quyết 15 là một trong các nhiệm vụ mới, tác động trên phạm vi rộng; điều chỉnh thói quen, hành vi của nhiều tổ chức, cá nhân liên quan đến lòng đường, hè phố. Do đó, trong quá trình thực hiện phát sinh nhiều vướng mắc, khó khăn…

Thu phí sử dụng vỉa hè khu trung tâm TP.HCM: Vẫn còn băn khoăn- Ảnh 3.

Người đi bộ dễ dàng di chuyển trên đường Lý Tự Trọng

Ông Hoàng Phúc Dũng, Phó Trưởng phòng quản lý khai thác hạ tầng đường bộ, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, hiện một bộ phận không nhỏ người dân vẫn duy trì tâm lý, thói quen xem hè phố, lòng đường trước nhà thuộc quyền quản lý, định đoạt của bản thân; một số đơn vị quản lý còn chậm trễ trong triển khai thu phí, quản lý lòng đường, hè phố.

Ngoài ra, lòng đường, hè phố còn nhiều bất cập như bề rộng hẹp, bố trí nhiều công trình hiện hữu, công tác bảo trì chưa được quan tâm, xử lý kịp thời, nguồn kinh phí cho công tác bảo trì hè phố còn hạn chế…

"Qua quá trình thực hiện trong thời gian đầu, các đơn vị đang phối hợp, rà soát, xác định các vướng mắc, khó khăn trong việc quản lý, thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè để đề xuất các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế.", ông Hoàng Phúc Dũng nói.

Cần cân nhắc khi nhân rộng

Trao đổi với VOV, TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện kinh tế và quản lý TP.HCM cho rằng, dù kết quả thí điểm bước đầu có nhiều điểm tích cực nhưng với một đô thị đặc biệt như TP.HCM thì “nên cân nhắc” việc nhân rộng. Việc thu phí vỉa hè chỉ nên áp dụng với những tuyến đường nào đảm bảo tất cả các điều kiện về hạ tầng, nhất là yếu tố an toàn cho người đi bộ, hài hòa giữa các bên.

Theo TS Trần Quang Thắng, trước khi triển khai cần phải tham vấn kỹ ý kiến của các sở, ngành, địa phương liên quan và nhất là lắng nghe ý kiến của MTTQ, cộng đồng dân cư nơi có tuyến đường dự kiến thu phí.

Thu phí sử dụng vỉa hè khu trung tâm TP.HCM: Vẫn còn băn khoăn- Ảnh 4.

TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện kinh tế và quản lý TP.HCM

"Phải có cân nhắc, lấy ý kiến của cộng đồng dân cư ở đó. Cộng đồng dân cư người ta thấy là có thể được thì họ đồng thuận, mình tổng hợp lại rồi xem quyết định sau cùng sẽ là như thế nào. Mình thực hiện nhưng mà cũng theo những nét văn hóa và đặc tính nữa nếu không sẽ rất là phiền." TS Trần Quang Thắng cho biết.

Việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố thực hiện theo Nghị quyết số 15/2023/NQ-HĐND của HĐND TP và Quyết định số 32/2023/QĐ-UBND của UBND TP.

Đến nay, ngoài Quận 1 đã triển khai còn có các Quận 3, 10, 12 và Sở Giao thông vận tải triển khai thu phí. Tổng số phí thu được đến nay là 4,8 tỷ đồng; trong đó, Sở Giao thông vận tải thu phí đối với các hoạt động văn hóa, bố trí công trình tiện ích phục vụ giao thông công cộng là trạm xe đạp khoảng hơn 1,5 tỷ đồng.

Lãnh đạo TP.HCM nhiều lần nhấn mạnh, việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường vỉa hè không tạo thêm gánh nặng cho người dân mà nhằm giúp cho trật tự vỉa hè lòng lề đường trở nên quy củ, hiệu quả hơn, người đi bộ được đi lại dễ dàng, đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, rõ ràng việc mới chỉ có 4 địa phương tại TP triển khai cũng cho thấy sự không đồng bộ và như thế sẽ có thể tạo nên dư luận không tốt khi có sự so sánh…Do đó, TP cần chỉ đạo công tác này được triển khai đồng bộ, hài hòa lợi ích các bên.

Theo Hà Khánh - Ngọc Anh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên