MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thứ Sáu tự do – Chính sách "lạ" của doanh nhân Việt cho phép nhân viên "bỏ bê" công việc, dùng nguồn lực công ty để làm việc riêng

11-02-2017 - 08:44 AM | Doanh nghiệp

Vào ngày Thứ Sáu, nhân viên không phải làm việc của công ty mà được tự do làm các dự án của riêng mình. Chính sách cởi mở này đã góp phần tạo nên Basis Watch – một Startup được Intel mua lại với giá 150 triệu USD…

Công ty có chính sách này là Emotiv Systems, có trụ sở chính tại Silicon Valley của Mỹ, do ông Nam Đỗ đồng sáng lập.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nam Đỗ cho biết: Emotiv Systems trước kia có một chính sách về nhân sự rất hiệu quả và đến bây giờ ông vẫn áp dụng cho tất cả các công ty ông làm là Thứ Sáu tự do.

Khác với các ngày làm việc khác, vào thứ Sáu hàng tuần, nhân viên của công ty nếu có các dự án cá nhân thì được sử dụng tất cả nguồn lực của công ty để thực hiện cho dự án của riêng mình.

“Đây là chính sách rất hiệu quả trong việc kích thích sự sáng tạo . Bạn nào lười có thể làm việc công ty bình thường”, ông Nam cho biết.

“Trong vòng 5 năm từ 2004 – 2009, có một cậu nhân viên trong công ty tách ra, lập công ty riêng gọi là Basis Watch, trở thành một trong những công ty wearable (thiết bị công nghệ đeo – PV) mạnh nhất ở Silicon Vally. Năm 2012, Startup này được Intel mua lại với giá 150 triệu USD”.

Ông Nam cho rằng, để nhân viên sáng tạo, sếp phải tạo cơ hội để họ phát triển bản thân tốt nhất có thể, chứ không phải đòi hỏi người ta đóng góp, cống hiến tối ưu cho mình.

Phải quản trị bằng thời gian là một sự thất bại!

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến chuyện chính sách Thứ Sáu tự do có thể tạo điều kiện cho nhân viên lấy mất thời gian làm việc của công ty, ông Nam Đỗ cho rằng nếu như chúng ta phải quản trị về thời gian thì đó là sự thất bại.

Nếu như những con người không muốn trực tiếp làm việc, không muốn cống hiến hết mình, không muốn đạt được công việc ấy… thì việc quản trị bằng thời gian hoàn toàn vô nghĩa. Trong tất cả các công ty của tôi, tôi chưa bao giờ quản trị về thời gian”, ông Nam nhấn mạnh.

“Với Startup, thời gian là khái niệm không tồn tại. Mình cứ bảo 9h các bạn đến, nhưng 3h sáng các bạn mới xong việc trở về hoặc các bạn làm khuya trên 48 tiếng thì lúc ấy thế nào? Với Startup hoặc bay cao lên trời hoặc ngã sấp mặt xuống đất, không có khái niệm làng nhàng ở giữa”.

Đó cũng chính là lý do Startup, đặc biệt trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, quản trị nhân sự hoàn toàn khác so với quản trị nhân sự kiểu truyền thống trong doanh nghiệp bình thường.

Với Startup, bài toán nhân sự là tối ưu hoá nguồn lực, tức làm sao với một nguồn lực rất nhỏ có thể làm được khối công việc rất lớn. Thách thức nằm ở bài toán này chứ không nằm ở các vấn đề của quản lý cấp trung, hay chế độ tưởng thưởng. Đối với Startup, chuyện tưởng thưởng chỉ có thể thực hiện bằng cách chia sẻ tầm nhìn cùng nhau.

“Nhân sự luôn là bài toán khó nhất với tất cả các ngành. Mọi giá trị mà chúng ta đang sử dụng đều được tạo ra bởi con người. Nếu bài toán nhân sự “ngon”, các bài toán khác như tài chính hay kinh doanh sẽ tự đâu vào đó”, ông Nam chia sẻ.

Theo Bảo Bảo

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên