Thử thách nào cho nghề định phí bảo hiểm thời kỳ 4.0?
Đại dịch Covid-19 dù gây nhiều thách thức cho nền kinh tế nói chung, song cũng là tiền đề mở ra nhiều cơ hội mới, trong đó có ngành bảo hiểm. Khi nhận thức người dân về sức khoẻ gia tăng, các công ty bảo hiểm nói chung đều đang kỳ vọng tăng trưởng nhanh hơn trong những năm tới.
Mặc dù vậy, để đạt được kết quả như mong muốn, các chuyên gia nhấn mạnh, cần có các giải pháp nhằm gia tăng phạm vi và tỉ lệ tiếp cận bảo hiểm cho tất cả các khách hàng, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ số 4.0.
Đây cũng là nội dung trọng tâm của Hội nghị định phí Bảo hiểm Việt Nam 2022 ( Vietnam Actuarial Conference – VAC) với chủ đề "Bảo hiểm cho mọi người" vừa được tổ chức. Nhân sự kiện này, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với ông Nguyễn Quang Duy - Giám đốc định phí AIA Vietnam – để có góc nhìn sâu hơn về chuyện ngành bảo hiểm nói chung, cũng như chuyện nghề chuyên viên định phí bảo hiểm nói riêng (Actuary) trong bối cảnh mới.
Vì sao "Bảo hiểm cho mọi người" lại được chọn làm chủ đề chính cho VAC 2022, thưa ông?
Như chúng ta thấy, dù thị trường bảo hiểm nhân thọ có sự tăng trưởng rất tốt trong những năm gần đây, song thực tế thì tính đến hết năm 2021, Việt Nam có khoảng 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ, thấp hơn nhiều so với Malaysia (50%), Singapore (80%) hay Mỹ (90%).
Dù vậy, có một điều tích cực là Chính phủ cũng rất quan tâm phát triển thị trường bảo hiểm. Ví dụ, đề án tái cơ cấu thị trường bảo hiểm được Thủ tướng phê duyệt đặt mục tiêu 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ đến 2025 và 18% vào 2030. Do đó, VAC năm nay được tập trung thảo luận dựa trên chủ trương đó.
Từ góc độ nghề định phí, theo ông, đâu là vấn đề cần giải quyết để đưa bảo hiểm đến tất cả mọi người?
Tôi luôn tin vào giá trị cốt lõi của mỗi sản phẩm bảo hiểm. Một sản phẩm đơn giản, dễ hiểu, và đáp ứng đúng nhu cầu thì sẽ dễ dàng đến tới khách hàng nhất.
Ngoài ra, kênh phân phối và marketing cũng rất quan trọng để bảo hiểm có thể tiếp cận tới nhiều khách hàng. Tuy nhiên một sản phẩm bảo hiểm tốt, đơn giản sẽ giúp đại lý và đối tác có thể tư vấn và phân phối sản phẩm tới khách hàng dễ dàng hơn.
Cách mạnh 4.0 đã và đang thay đổi mọi ngành nghề, riêng về ngành định phí thì số hoá đang tác động như thế nào, thưa ông?
Cần nhấn mạnh rằng, chuyển đổi số đang là chủ đề lớn trong ngành bảo hiểm hiện nay. Một trong những yếu tố cơ bản của chuyển đổi số và cách mạng 4.0 là cách xử lí và ứng dụng dữ liệu lớn (Big data). Ngành định phí có một lịch sử rất lâu đời, những người làm định phí thực chất đã làm việc về khoa học dữ liệu (data science) từ thế kỷ 17, trước cả cuộc cách mạng công nghiệp 1.0.
Chuyển đổi số thường sẽ làm cho mọi người nghĩ rằng máy tính lấy đi công việc của con người. Nhưng với nghề định phí thì khác, cách mạng 4.0 đang mang tới một sự mới mẻ hơn trong công việc. Lúc này, một người định phí có thể tận dụng những công nghệ mới để lập ra những công cụ mới, từ đó giúp công việc nhanh, hiệu quả và chính xác hơn.
Nếu trước đây, nghề định phí chỉ gói gọn là xử lý dữ liệu và quản trị mô hình rủi ro, thì ngày nay, với kiến thức về IT, Big Data… người định phí có thể làm thêm rất nhiều chức năng khác của ngành như tham gia vào dự đoán xu hướng và tư vấn chiến lược phát triển sản phẩm, tối ưu hóa vận hành và trải nghiệm khách hàng, và xây dựng kế hoạch kinh doanh cho ban lãnh đạo.
Dĩ nhiên, những thay đổi về công nghệ và phương thức xử lí dữ liệu là những kiến thức mới mà người định phí cần phải cập nhật, học tập và ứng dụng. Người làm định phí đã có sẵn những kiến thức về sản phẩm, tài chính và cách vận hành của một doanh nghiệp bảo hiểm. Nếu biết cách tận dụng những điểm mạnh này, kết hợp với những kiến thức và công cụ mới, người định phí sẽ tiếp tục đóng vai trò tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số và áp dụng công nghệ 4.0 trong ngành bảo hiểm.
Cũng chính vì thế mà quy mô của ngành đã được mở rộng rất nhiều, số lượng định phí viên tại Việt Nam dù vẫn còn ít, song đang có xu hướng tăng nhanh vì nhu cầu ngày càng lớn.
Ông Nguyễn Quang Duy - Giám đốc Định phí AIA Vietnam chia sẻ tại Hội nghị
Theo ông thì có những yêu cầu mới nào cho những người làm định phí trong bối cảnh hiện nay ?
Theo tôi, người làm định phí hiện nay cần phải có tư duy cầu tiến, luôn chủ động mở rộng hiểu biết. Nếu trước đây chỉ cần hiểu và biết xử lý dữ liệu thì bây giờ ngoài yếu tố đó, người định phí phải trang bị kiến thức về AI (trí tuệ nhân tạo), Big Data (dữ liệu lớn)… cũng như các kỹ năng mềm khác (thuyết trình, làm việc nhóm, đàm phán, quản lý).
Chưa kể, việc xử lý dữ liệu ngày nay có thể được tự động hoá, do đó vai trò của một người định phí đã được mở rộng, họ phải hiểu được hành vi tiêu dùng của khách hàng, hiểu được hành trình của khách hàng từ lúc mua bảo hiểm cho đến lúc được chi trả, hiểu được cả các kênh phân phối chứ không đơn thuần chỉ là sản phẩm.
Tôi không có ý nói người làm định phí sẽ tham gia vào tất cả các công việc của công ty, nhưng họ sẽ tham gia nhiều vào các chiến lược của công ty chứ không chỉ ngồi nghiên cứu và xử lý dữ liệu nữa.
Ông Nguyễn Quang Duy trao đổi với các chuyên gia định phí bảo hiểm tại Hội nghị
Chuyên gia định phí là người phải cân đối quyền lợi giữa công ty bảo hiểm và khách hàng. Như vậy, làm sao một chuyên gia định phí có thể làm việc công tâm nhất?
Nói về sự công tâm, tôi muốn nhấn mạnh về đạo đức nghề nghiệp. Thực tế, để trở thành một chuyên gia định phí, mỗi người phải trải qua những khoá học và rất nhiều kỳ thi ngặt nghèo, hoàn thành 17 tín chỉ với các cấp bậc khác nhau. Quá trình này đủ để họ có những kiến thức rõ ràng về quyền lợi và trách nhiệm nghề nghiệp của mình.
Đến khi đi làm thực tế, mỗi công ty bảo hiểm đều có một bộ phận độc lập đứng ra bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, sự công tâm theo đó sẽ được kiểm soát ở tất cả các khâu bao gồm cả bộ phận định phí.
"Vietnam Actuarial Conference là một trong những sự kiện quan trọng để giúp ngành Actuary được biết tới nhiều hơn tại Việt Nam." Ông Duy chia sẻ tại Hội nghị Định phí VAC 2022
Là người có thâm niên trong ngành, ông có gửi gắm gì cho các bạn trẻ, các bạn sinh viên đang theo đuổi ngành định phí hiện nay?
So với những ngành như ngân hàng, đầu tư, hay thậm chí là IT, thì ngành định phí vẫn còn rất mới và chưa được biết tới nhiều tại Việt Nam. Mặc dù với chế độ đãi ngộ và cơ hội thăng tiến rất lớn, vì chưa được nhiều người biết tới nên lượng sinh viên đầu vào được đào tạo trong nước còn rất ít. Lấy một ví dụ để dễ hình dung, VAC 2022 quy tụ tất cả những người trong nghề thì chỉ đạt khoảng 300-400 người, trong khi hàng năm tại Malaysia có đến hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp ngành định phí.
VAC 2022 là một trong những sự kiện quan trọng để giúp ngành định phí được biết tới nhiều hơn tại Việt Nam. Điều tôi kỳ vọng nhất là mong nhiều người biết tới hơn nghề định phí hơn, từ đó sẽ giúp chất lượng đầu vào tăng, và góp phần nào phát triển thị trường bảo hiểm tại Việt Nam. Còn với các bạn đang có ý định theo đuổi ngành định phí này, lời khuyên là các bạn nên chủ động tìm hiểu và chuẩn bị kiến thức về nghề. Bởi, định phí có thể không cần bắt buộc phải học trên trường đại học, bạn có thể làm trái ngành, quan trọng là có hiểu biết và quyết tâm với nghề.
Cảm ơn những chia sẻ của ông!
Tổ quốc