MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải: TMĐT Việt Nam đang trải qua 10 năm phát triển rực rỡ, quy mô đạt 20,5 tỷ USD trong 2023

01-12-2023 - 13:40 PM | Kinh tế số

TMĐT Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng 16-30%/năm, dự kiến quy mô thị trường sẽ đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2023, theo thông tin từ Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ tại Hội nghị Phát triển thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam với chủ đề: "Phát triển thương mại điện tử bền vững".

Sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday lần thứ 10 (Chương trình), do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức.

"Từ những ngày khái niệm "thương mại điện tử" còn khá xa lạ với người tiêu dùng; giao diện, hiển thị sản phẩm, dịch vụ, gian hàng còn đơn giản; số lượng nhà bán hàng ứng dụng TMĐT chưa đa dạng và tốn nhiều công sức để có những đơn hàng đầu tiên. Giờ đây TMĐT Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc", Thứ trưởng Hải cho biết.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải: TMĐT Việt Nam đang trải qua 10 năm phát triển rực rỡ, quy mô đạt 20,5 tỷ USD trong 2023 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.

Theo số liệu từ Bộ Công thương, TMĐT Việt Nam tăng trưởng ở mức 16-30%/năm và dự kiến quy mô thị trường sẽ đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2023.

Thị trường TMĐT tại Việt Nam cũng đã hình thành các hệ thống cung ứng dịch vụ thứ cấp cho thị trường bao gồm: dịch vụ nền tảng công nghệ hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử, các dịch vụ marketing, truyền thông tiếp thị trực tuyến, dịch vụ chuyển phát... Sự kết nối và chia sẻ của các hệ thống cung ứng dịch vụ này ngày càng giúp tối ưu quy trình liên kết giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng.

Tính bền vững của TMĐT Việt Nam đang ở mức nào?

Bên cạnh những kết quả tích cực, TMĐT cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cá nhân; hạ tầng logistics TMĐT còn chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường; niềm tin của người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến...

Để từng bước giải quyết các khó khăn, thách thức trong TMĐT, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị trong giai đoạn tiếp theo, Chương trình Online Friday thực hiện đúng sứ mệnh là giúp cho thị trường TMĐT Việt Nam phát triển bền vững - Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các chủ thể trong hoạt động thương mại điện tử.

Trở ngại khi người tiêu dùng mua hàng trực tuyến vẫn là "Chất lượng kém so với quảng cáo", "Không tin tưởng đơn vị bán hàng", "Khó kiểm định chất lượng hàng hoá"...
Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh

Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh cho biết trong 10 năm qua, mặc dù thị trường TMĐT Việt Nam đã phát triển rất nhanh về lượng, nhưng lý do lớn nhất mà người tiêu dùng vẫn coi là trở ngại khi mua hàng trực tuyến vẫn là "Chất lượng kém so với quảng cáo", "Không tin tưởng đơn vị bán hàng", "Khó kiểm định chất lượng hàng hoá".

Niềm tin của người tiêu dùng và các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào hệ sinh thái là một trong 5 yếu tố cần để phát triển TMĐT bền vững, theo Cục trưởng Lê Hoàng Oanh.

Các yếu tố còn lại gồm Tăng trưởng ổn định tích cực, Đảm bảo sự cân bằng không ai bị bỏ lại phía sau, Đáp ứng xu thế xanh, và câu chuyện về Nguồn nhân lực.

"Đây là thời điểm chín muồi để chuyển đổi toàn diện thị trường TMĐT Việt Nam"

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải: TMĐT Việt Nam đang trải qua 10 năm phát triển rực rỡ, quy mô đạt 20,5 tỷ USD trong 2023 - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Theo Cục trưởng Oanh, trong giai đoạn trước, lý do có thể do hạ tầng cho thương mại điện tử còn yếu, quy mô chưa đủ lớn hay nhận thức của các bên chưa đầy đủ, tuy nhiên, Cục TMĐT và KTS nhận định, đây là thời điểm chín muồi để chúng ta cùng chung tay tiến hành một cuộc chuyển đổi toàn diện cho thị trường thương mại điện tử Việt Nam.

"Thời điểm này, cùng với chủ trương chuyển đối số toàn diện từ Chính phủ, các hạ tầng số có liên quan như dịch vụ logistics thông minh, thanh toán điện tử, hoá đơn điện tử, hợp đồng điện tử, xác thực định danh điện tử đều đang có những bước chuyển mình nhanh chóng trong những năm qua".

"Việc có đầy đủ nguồn lực, nguyên liệu để xây dựng một hệ sinh thái TMĐT hướng đến chất lượng, bảo vệ cho người tiêu dùng và cả các bên, các chủ thể khác tham gia giao dịch như người bán hàng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ TMĐT…", Cục trưởng TMĐT và KTS cho biết.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đưa ra một mô hình định hướng phát triển Hệ sinh thái số để phát triển TMĐT bền vững trên cơ sở bao hàm từ các hoạt động chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số đến các nhóm giải pháp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các chủ thể tham gia giao dịch TMĐT.

Tại Hội nghị, cơ quan quản lý và các sàn TMĐT, trung gian thanh toán, ngân hàng đã cùng chung tay ký kết hợp tác, tham gia Hệ sinh thái số, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các chủ thể tham gia giao dịch TMĐT.

Từ sự tham gia đồng lòng này các sàn TMĐT, doanh nghiệp sản xuất sẽ có sự cộng hưởng để tạo ra hệ sinh thái bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời cùng nhau triển khai nhiều giải pháp cam kết về chất lượng hàng hóa để mang lại trải nghiệm tốt cho người tiêu dùng.

"TMĐT Việt Nam đang bước sang giai đoạn phát triển mới, tập trung vào mục tiêu bền vững dựa trên sự kết hợp giữa thị trường và công nghệ", ông Nguyễn Lâm Thanh, Đại diện TikTok Việt Nam chia sẻ.

Từ những chia sẻ, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp, Chương trình sẽ hoàn thiện khung pháp lý và chính sách hiện hành về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến. Từ đó, có thể tham mưu với lãnh đạo Chính phủ các định hướng, kế hoạch phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển TMĐT, tiếp tục đưa TMĐT đóng vai trò chủ đạo đóng góp vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế số.

Bình An

Theo Bình An

An ninh tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên