MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thứ trưởng Bộ GT-VT: “Đại công trường” Hải Phòng hoàn thành xong cả nước được lợi!

Ngày 3/3, Hải Phòng tổ chức khởi công Công trình xây dựng giao thông khác mức Nguyễn Bỉnh Khiêm – Đình Vũ, tổng mức đầu tư gần 1.311 tỷ đồng lấy từ nguồn ngân sách địa phương. Nhận định đây là một nút thắt giao thông trọng điểm của thành phố và cả miền Bắc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công (Bộ GT-VT) cho biết, khi hoàn thành, công trình này sẽ giúp cho kinh tế của tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết Nhà nước đã đầu tư một nguồn lực rất lớn bao gồm: ngân sách trung ương, địa phương, nguồn lực xã hội hoá để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.

“Chúng ta đã đạt được kết quả khá ngoạn mục”, Thứ trưởng cho hay.

Trên thực tế, Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2015 đã đánh giá Việt Nam xếp thứ 67 trong tất cả các nước được xếp hạng về chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông. Như vậy, Việt Nam đã tăng 36 bậc kể từ năm 2010 (xếp thứ 103).

Thứ trưởng nhận định kết cấu hạ tầng giao thông và kinh tế xã hội có mối quan hệ tương quan qua lại, cái này phát triển thì cái kia cũng phát triển và ngược lại.

“Hải Phòng là một điển hình về đột phá phát triển kinh tế xã hội đồng hành với phát triển giao thông. Trong thời gian qua, thành phố là một đại công trường phát triển đầu tư hạ tầng giao thông”, Thứ trưởng nói.

Bởi lẽ, trong 5 lĩnh vực về giao thông thì thành phố có đến 4 cái phát triển mạnh mẽ, duy chỉ có đường sắt là “chậm tiến bộ một chút” như Thứ trưởng Công nhận xét. Còn lại, có thể kể đến như tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, hàng không với sân bay Cát Bi, hàng hải có cảng Lạch Huyện đang dần được hoàn thiện...

“Đây đều là những dự án đại công trường rất lớn nếu so với toàn quốc. Nhiều dự án đã được khánh thành đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế xã hội thành phố cũng như cả nước”, Thứ trưởng nói.

Theo đó, năm 2016, GNP thành phố đã vượt qua 100 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 62 nghìn tỷ, trong đó 17 nghìn tỷ là thu nội địa, tăng 34% so với năm 2015. Con số này phản ánh thành phố đang phát triển kinh tế xã hội rất mạnh, kéo theo đó, cơ sở hạ tầng từng bước được lợi hơn.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cũng cho biết dù có nhiều dự án là của Trung ương nhưng nếu như không có nguồn hỗ trợ của Hải Phòng thì chắc chắn là chưa hoàn thành được.

“Ví dụ như sân bay Cát Bi, thực sự là ngân sách nhà nước thiếu rất nhiều và thành phố đã ứng trước. Chúng tôi đã ‘cầu cứu’, thành phố đã ‘chìa tay ra giúp đỡ’, ứng một khoản tiền rất lớn. Nhiều dự án cũng tương tự như vậy”, Thứ trưởng cho hay.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng cho biết thêm, bên cạnh việc hỗ trợ Trung ương thì thành phố cũng đã triển khai nhiều dự án của địa phương. Đó là cầu vượt Lê Hồng Phong, cầu Hoàng Văn Thụ cũng như nút giao Nguyễn Bỉnh Khiêm – Đình Vũ. Dù là dự án địa phương nhưng nó không chỉ góp phần phát triển kinh tế tỉnh, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với việc lưu thông hàng hoá đến các tỉnh thành phía Bắc. Điều này sẽ góp phần tích cực vào phát triển chung của tam giác Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh vốn là trụ cột phát triển phía Bắc và cả nước.

Riêng về cảng biển, Hải Phòng đang tăng trưởng rất tốt, đứng đầu cả nước trong 4 – 5 năm trở lại đây. Nếu năm 2005, sản lượng thông quan chỉ 13 triệu tấn thì đến năm 2010 đã tăng thành 38 triệu tấn, năm 2015 đã là 75 triệu tấn và đến năm 2016 là 81 triệu tấn hàng.

Thứ trưởng có thể cho biết Bộ GT- VT đã định ra quy hoạch, phát triển như thế nào đối với cảng biển nói chung của Hải Phòng?

Cho đến thời điểm này thì quy hoạch của chúng tôi đặt ra cơ bản đã đáp ứng yêu cầu thực tế phát triển kinh tế xã hội phía Bắc nói chung và lượng hoá thông qua khu vực cảng biển nói riêng. Chúng tôi đang khai thác kết cấu hạ tầng đã được đầu tư xây dựng, đồng thời, chỉ đạo xây dựng hạ tầng ở khu vực Lạch Huyện để đảm bảo tăng lượng hàng hoá trong thời gian tới. Cảng Lạch Huyện đóng một vai trò rất quan trọng để góp phần hàng hoá được xuất nhập khẩu từ các tỉnh phía Bắc đi thẳng đến Mỹ và châu Âu, không đi qua trung chuyển là Hong Kong hay Singapore. Nhờ thế, giảm phát sinh chi phí, tốn kém thời gian.

Như vậy quan điểm của Bộ và tỉnh là giảm lượng tàu nhỏ và tăng tàu lớn để nâng cao năng suất?

Khu vực Hải Phòng và phía Bắc chưa có một cảng nào đảm nhận việc đón tàu có trọng tải lớn, ở đây là tàu chở được hàng hoá đi thẳng từ Việt Nam đi châu Âu, Mỹ và ngược lại. Chúng tôi tập trung vào cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng mà chúng ta gọi là Lạch Huyện để đón tàu lớn. Chúng tôi cùng với tỉnh tập trung xây dựng đề án di dời bến cảng ở Hoàng Diệu để góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương, đảm bảo môi trường cũng như phát triển đô thị thành phố.

Quan điểm của chúng tôi là sẽ thực hiện di dời đảm bảo lợi ích của thành phố, của CTCP cảng, đảm bảo làm sao trong khi di dời có các giải pháp thay thế bổ sung để chi phí vận tải không được tăng, chi phí xếp dỡ không được tăng, thời gian xếp dỡ phải được đảm bảo như hiện nay.

Thứ trưởng có thể cho biết Bộ và tỉnh sẽ thực hiện như thế nào?

Chúng tôi đang xây dựng đề án với nhiều phương án khác nhau. Mỗi phương án chúng tôi đều đề ra những giải pháp để thực hiện. Sau đó, sẽ cùng trao đổi để chọn được cái với mục tiêu tốt nhất cho công nghiệp Hải Phòng.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên