MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT: Nhiều thứ quy hoạch sai lầm

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho biết như vậy khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật quy hoạch ngày 16/9.

Lý giải về quan điểm của các bộ, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho biết, Bộ Công thương trước muốn giữ lại quy hoạch sản phẩm, ngành nhưng thực tế có những quy hoạch bất hợp lý.

Chẳng hạn, Bộ Công thương có cả quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, trong kinh tế thị trường, nếu lấy quy hoạch để quy định quyền “anh này được làm, anh kia không được làm là chưa đúng và có chăng chỉ là điều kiện chứ không thể là quy hoạch”.

Hay như quy hoạch cá tra, cá rô phi… theo ông Đông, nhiều thứ quy hoạch sai lầm vì chúng ta đã chuyển sang nền kinh tế thị trường mà ở đó nguồn lực không chỉ ở Nhà nước mà xã hội, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cá tra không chỉ Việt Nam sử dụng mà cả quốc tế, sản lượng sẽ không dừng lại con số hiện nay nếu tiếp thị sản phẩm, món ăn khác bởi khi đó nhu cầu cao hơn nhiều. Chính vì qua các phân tích như vậy, Chính phủ cũ và Chính phủ mới đều đồng thuận cao là bỏ quy hoạch ngành, sản phẩm vì điều đó tạo ra rào cản nhiều cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, cớ cho xin.

Thẩm tra về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, cho biết, đa số ý kiến của ủy ban đồng ý với chủ trương loại bỏ các quy hoạch sản phẩm đang tồn tại hiện nay và các sản phẩm cụ thể sẽ được quản lý bằng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kinh tế, kỹ thuật. Điều này sẽ giúp bỏ được những loại giấy phép không phù hợp với kinh tế thị trường, là bước đột phá, giải pháp quan trọng thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Cũng theo ông Thanh, đa số ý kiến thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí lựa chọn phương án quy hoạch tổng thể quốc gia được lập theo phương pháp tích hợp, đa ngành, mang tính định hướng, dự báo và phát triển bền vững, khắc phục được tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ, thiếu liên kết giữa các quy hoạch…

Trước băn khoăn dự thảo luật nếu được thông qua phá vỡ quy hoạch hiện nay, ông Đông cho biết, nếu phương án quy hoạch tổng thể quốc gia được thông qua thì sau đó sẽ rà soát các quy hoạch hiện hữu và một hội đồng sẽ thẩm định các quy hoạch để giữ lại quy hoạch còn hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển, quy hoạch chồng chéo, không phù hợp sẽ bỏ.

Dẫn ví dụ việc Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, người dân ở một vùng ngoại thành 9 năm không có đất kinh doanh chỉ vì quy hoạch đất đai của Sở Tài nguyên và Môi trường khác Sở Quy hoạch kiến trúc, ông Đông cho rằng, đó là lý do tại sao phải có quy hoạch tích hợp như dự thảo đã đề cập.

“Theo ông Đông, nếu phương án quy hoạch tổng thể quốc gia được thông qua thì từ con số hơn 19.000 quy hoạch theo cách làm hiện nay (tính đến năm 2020), chi phí hơn 8.000 tỷ đồng sẽ giảm xuống còn hơn 11.000 quy hoạch, kinh phí dự kiến chỉ còn 248 tỷ đồng, giảm 91%.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, về nguyên tắc, nếu theo luật này thì những quy định trong Luật Đất đai về quy hoạch tỉnh, huyện sẽ không còn mà chỉ còn quy hoạch vùng, liên vùng; rồi xung đột thẩm quyền của các cơ quan như Chính phủ, Quốc hội trong việc phê duyệt quy hoạch…

Đụng chạm, xung đột pháp luật rất phức tạp. Do đó, về nguyên tắc, luật này không thể bắt các luật khác theo mà phải tôn trọng các luật đã thực hiện ổn định, chỉ điều chỉnh các luật có bất cập.

Tuy nhiên, ông Định cũng thừa nhận, xây dựng Luật quy hoạch là khó vì vừa có hình thức vừa có nội dung. Do đó, nên làm như cách của Bộ Luật dân sự, Luật Đầu tư… là ngoài nguyên tắc chung thì tôn trọng một số điều khoản chuyên ngành bởi nếu “quy tất cả vào Luật quy hoạch thì sẽ khó xử lý”.

Luân Dũng

Theo Tiền phong

Trở lên trên