Thứ trưởng Bộ Tài chính: Thị trường chứng khoán sẽ phát triển rất tốt trong năm nay
Nhận xét được đưa ra bởi Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trong phiên họp thường kỳ Chính phủ chiều tối ngày 2/4.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết chỉ số VN-Index so với tháng trước đã tăng 19%. Mức vốn hoá tăng khoảng 17% so với cuối năm 2017, hiện mức vốn hoá thị trường ước tính là 82,2% GDP. "Đấy chỉ là cổ phiếu, chưa tính trái phiếu", Thứ trưởng nói.
Nói thêm, bà cho biết hiện có 741 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đang niêm yết trên 2 sàn và 723 cổ phiếu đăng ký giao dịch. Bà nhấn mạnh số cổ phiếu niêm yết và giao dịch đã gia tăng liên tục.
"Quý I chỉ số VN-Index đã cao vượt đỉnh của các năm trước. Phát triển thị trường chứng khoán là xu hướng rất tốt trong năm nay", Thứ trưởng cho biết.
Theo Thứ trưởng Mai, Để thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn, Bộ Tài chính đã chỉ đạo nhiều giải pháp trong đó có sửa đổi Luật Chứng khoán, là cơ sở pháp lý đánh giá tổng kết, tạo điều kiện thị trường phát triển hơn.
Ngoài ra, về mặt quản lý, Bộ Tài chính đã công khai hơn 700 doanh nghiệp đã cổ phần hoá nhưng chưa niêm yết. Sau động thái này, một nửa số doanh nghiệp đó đã niêm yết. Đối với DNNN, Bộ đang có giải pháp làm sao đẩy nhanh cổ phần hoá, thoái vốn, tạo nguồn cung cho thị trường. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chủ trương phát triển đa dạng các thị trường khác, đơn cử như chứng khoán phái sinh.
"Bộ Tài chính cũng tăng cường thanh tra, giám sát để xử lý nghiêm những sai phạm, tạo một thị trường lành mạnh", Thứ trưởng Vũ Thị Mai nói.
Ngoài vấn đề về thị trường chứng khoán, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng có những giải trình liên quan đến Nghị quyết Thuế bảo vệ môi trường.
Theo bà, Nghị quyết Thuế bảo vệ môi trường đã được lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương. Đến nay, Bộ Tài chính cũng đã tổng hợp ý kiến và xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Theo chương trình sẽ trình Chính phủ Nghị quyết này.
Trong các phương án dự thảo Nghị quyết Thuế bảo vệ môi trường cũng đã điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường, ví dụ đối với xăng từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng. Đối với một số loại như dầu, than cũng điều chỉnh tăng lên.
Thứ trưởng nhấn mạnh việc điều chỉnh tăng này xuất phát trên cơ sở Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị, đó là cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập, cắt giảm nhập khẩu theo các hiệp định thuế quan.
Việc tăng thuế đối với xăng và các sản phẩm cũng là căn cứ vào chiến lược thuế, căn cứ vào chiến lược tăng trưởng xanh, để hạn chế những sản phẩm gây ô nhiễm cho môi trường. Đồng thời cũng căn cứ vào nội dung trong Luật Thuế bảo vệ môi trường.
Nội dung của việc trình Nghị quyết này cũng đã được kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp khi Chính phủ trình dự án luật. Dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường đã được Chính phủ cho lùi lại đến năm 2019.
Bộ Tài chính cũng có những đánh giá tác động của việc tăng thuế đối với chỉ số giá cả. Theo phân nếu việc tăng thuế có hiệu lực từ 1/7/2018 thì việc điều chỉnh này sẽ tác động lên chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2018 so với tháng 6/2018 là khoảng 0,27-0,29% và sẽ tác động CPI bình quân của năm 2018 khoảng 0,11-0,15%.