MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thứ trưởng Bộ Y tế: Tỷ lệ thừa cân, béo phì của Việt Nam tăng gấp đôi trong 10 năm

06-09-2023 - 15:40 PM | Sống

Trong khoảng 10 năm gần đây, tỷ lệ thừa cân, béo phì của Việt Nam đã tăng gấp 2 lần, tập trung nhiều ở các đô thị lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong buổi lễ phát động Cuộc thi Tôi khoẻ đẹp hơn lần 2, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, béo phì từ lâu đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ công nhận là bệnh mạn tính, đòi hỏi phải quản lý và điều trị lâu dài. Thừa cân béo phì có thể gây ra rất nhiều biến chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe.

"Trong quá khứ từng có những thông tin rất thú vị rằng người Việt ít béo phì nhất thế giới, hay cả thế giới ăn cơm như Việt Nam thì sẽ dẹp được nạn béo phì. Nhưng trong khoảng 10 năm gần đây, tỷ lệ thừa cân, béo phì của Việt Nam đã tăng gấp 2 lần, tập trung nhiều ở các đô thị lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh", Thứ trưởng Thuấn nói.

Tại Việt Nam, mỗi năm có hàng triệu người mắc mới các bệnh mạn tính không lây như: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch và ung thư. Theo các nghiên cứu, nguyên nhân chính làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm này là lối sống không khoa học, tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng và sự bất hợp lý trong vận động, thể thao.

Một nghiên cứu của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) còn cho thấy, có ít nhất 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực.

Nghiên cứu được công bố vào năm 2018 về bệnh không lây nhiễm, ăn uống và dinh dưỡng ở Việt Nam cho thấy lối sống của người Việt Nam thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây như ít vận động hơn, chế độ ăn có nhiều muối, ăn nhiều tinh bột, dầu mỡ, uống nhiều nước ngọt, ăn ít rau.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Việt Nam tăng gấp đôi người thừa cân, béo phì trong 10 năm - Ảnh 1.

Lễ phát Cuộc thi Tôi khoẻ đẹp hơn lần 2 (ảnh PV)

Thứ trưởng Bộ y tế Trần Văn Thuấn cho biết, tháng 10/2022, Bộ Y tế lần đầu tiên ban hành một hướng dẫn về chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì để áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước. Các nội dung chính của Hướng dẫn tập trung vào nguyên nhân gây ra bệnh béo phì; chẩn đoán thừa cân, béo phì; xác định các dạng béo phì; các nguyên tắc chung trong điều trị béo phì và hướng dẫn điều trị bằng dinh dưỡng, vận động, tâm lý…

"Nếu chúng ta không đối mặt và ứng phó với tình trạng béo phì đang gia tăng nhanh, áp lực lên hệ thống y tế cũng sẽ theo đó mà không ngừng lớn hơn", Thứ trưởng cho hay.

GS.TS. Lê Thị Hương – Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm (ĐH Y Hà Nội) cho biết, lối sống tĩnh tại, ít vận động và chế độ dinh dưỡng mất cân bằng sinh ra các tình trạng nguy hại về sức khỏe như béo phì, các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch… Đây là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng báo động.

Thay đổi lối sống bằng cách thực hành dinh dưỡng lành mạnh, vận động hợp lý, từ đó hình thành thói quen, lối sống lành mạnh trong việc tự chăm sóc, rèn luyện sức khỏe có ý nghĩa quyết định đối với việc nâng cao sức khỏe của mỗi người.

Thông qua việc tổ chức Cuộc thi Tôi khỏe đẹp hơn, ban tổ chức mong muốn góp phần nâng cao kiến thức về dinh dưỡng hợp lý, vận động khoa học để giúp người dân cải thiện sức khỏe cho bản thân và các thành viên trong gia đình, từ đó xây dựng tiền đề tạo ra một cộng đồng khỏe mạnh, góp phần nâng cao vóc dáng, trí tuệ cho các thế hệ người Việt tương lai.

Theo Ngọc Minh

Phụ nữ số

Trở lên trên