MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thứ trưởng Đặng Huy Đông: "Đừng phê phán doanh nghiệp Việt toàn thuyền thúng, đội thuyền thúng Nhật Bản còn chiếm đến 99,7%"

Bên lề hội thảo về Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và kinh nghiệp từ Nhật Bản sáng nay (2/3), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đã có cuộc trao đổi với báo chí.

Ông đánh giá như thế nào về những kinh nghiệm hỗ trợ của Nhật Bản với Việt Nam?

Tôi mong rằng mọi người sẽ hiểu thêm về vai trò của các DNNVV. Ở Nhật Bản, ngay từ những ngày đầu phát triển đất nước sau chiến tranh Thế giới thứ 2, họ đã có những chính sách phát triển DNNVV, họ luôn có luật tránh tích tụ cơ bản và đặt vấn đề phát triển những doanh nghiệp này thành trụ cột, xương sống của nền kinh tế.

Việt Nam học được kinh nghiệm gì từ đó?

Chúng tôi chỉ muốn các đại biểu có một cách tiếp cận rõ hơn về Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV Việt Nam. Nó đang đi đúng theo xu hướng của thế giới và cũng là tập quán tốt của các quốc gia phát triển.

Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy nhóm các doanh nghiệp này trong nền kinh tế rất dễ bị tổn thương nên phải có chính sách hỗ trợ, ngay cả những nước phát triển trong nhóm G7 cũng đang làm điều này.

Chúng ta đâu đó có lúc nhận thức rằng nền kinh tế Việt Nam chỉ toàn “thuyền thúng”, phê phán rất nặng nề, cho rằng 97% doanh nghiệp Việt là DNNVV là không tốt nhưng ở Nhật Bản, tỷ lệ này lên đến 99,7%, chỉ có 0,3% là doanh nghiệp lớn. Nhưng ở họ thì sao, họ chỉ có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ. Vì đây là nơi có nhiều sự sáng tạo, trí tuệ, tạo ra giá trị gia tăng mới cho đất nước, nền kinh tế. Nhưng phần quan trọng hơn, là họ đang tạo ra tới hơn 70% công ăn việc làm cho xã hội. Đấy là điều hết sức quan trọng.

Các tổ chức như JICA, JETRO Nhật Bản chủ yếu hỗ trợ cho các DNNVV Việt Nam, giúp nhóm này có thể phát triển bền vững. Vậy Việt Nam đã học được gì từ những hỗ trợ của họ?

Thời gian qua Nhật Bản đã có nhiều chương trình hợp tác với Việt Nam trong việc hỗ trợ DNNVV. Một trong những hỗ trợ thiết thực nhất là chia sẻ kinh nghiệm của họ như thế nào. Thứ hai, họ đã cử chuyên gia tình nguyện sang để tập huấn cho các doanh nghiệp Việt Nam, giúp thay đổi cung cách quản lý, sản xuất để đạt được các tiêu chuẩn nhất định nhằm tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng cho các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam.

Qua chia sẻ của họ, có thể thấy họ dành ra đến hơn 20 nghìn nhân viên trong cả nước để hỗ trợ cho DNNVV Nhật Bản, nguồn ngân sách là rất lớn. Tôi không có ý là chúng ta đuổi theo mức độ hỗ trợ để ngang bằng với họ mà chúng ta cần tìm ra cách tiếp cận đúng đắn, bài bản. Nghĩa là dù nguồn lực hữu hạn nhưng nếu làm đúng, chúng ta vẫn sẽ hỗ trợ một cách hiệu quả.

Hay nhìn vào luật hỗ trợ của họ, chúng ta cũng thấy được họ đã trải qua 3 -4 lần sửa đổi luật này ở từng giai đoạn chuyển động. Như vậy, chúng ta cũng không nên cầu toàn, đòi hỏi một cái gì quá hoàn hảo dẫn đến việc làm chậm lại quá trình thông qua luật. Nếu như thế, tôi cho rằng là không có lợi. Hãy để Luật hỗ trợ DNNVV ra đời, đi vào cuộc sống, sau đó, những phản hồi trở lại sẽ chỉ ra là chính sách đã đúng, đủ chưa, chưa đủ thì điều chỉnh. Tuy nhiên, sớm ngày nào thì có lợi ngày đấy cho cộng đồng doanh nghiệp.

Vậy việc vận dụng linh hoạt cần ra sao để phù hợp với Việt Nam?

Không có một mẫu chuẩn chung cho một chính sách cụ thể nào. Mỗi quốc gia qua mỗi giai đoạn khác nhau sẽ có những điều kiện khác nhau. Chúng ta chỉ có thể học hỏi những kinh nghiệm tốt nhất của các nước và tìm kiểm những gì phù hợp nhất với điều kiện khả năng của mình. Còn linh hoạt như nào thì không quan trọng. Tôi tin rằng với trách nhiệm được giao, chúng tôi đã và đang tìm kiếm những cái tốt nhất cho doanh nghiệp, cho đất nước.

Nam Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên