Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Nhiều kinh nghiệm làm cao tốc được chia sẻ cho địa phương
Một loạt các dự án đường bộ cao tốc được Chính phủ phân cấp cho địa phương sẽ được khởi công đồng loạt trong tháng 6. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, Bộ Giao thông vận tải khẳng định sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm cho các địa phương để triển khai thành công các dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng.
- 16-06-2023TP.HCM có thể thu hàng chục ngàn tỷ đồng từ đấu giá đất dọc Vành đai 3
- 16-06-2023Tỉnh miền Tây dự định xây hai tuyến đường sắt đô thị, xây mới 29 đường tỉnh, kỳ vọng tăng trưởng 9%/năm
- 16-06-2023Toàn cảnh tuyến đường hơn 6.000 tỷ sắp được nâng cấp thành cao tốc
Phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ xung quanh vấn đề này.
Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với các địa phương thế nào khi triển khai một loạt các dự án cao tốc thời gian tới?
Để đạt mục tiêu đến năm 2025 cả nước có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc, Quốc hội, Chính phủ đã phê duyệt nhiều dự án đường cao tốc, ưu tiên sử dụng vốn đầu tư công trong Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội. Đồng thời giao, phân cấp cho Bộ Giao thông vận tải và các địa phương làm chủ đầu tư một số công trình có quy mô vốn rất lớn.
Yêu cầu rất cao đối với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương; trong đó, có một số địa phương lần đầu được giao làm cơ quan chủ quản các dự án đường bộ cao tốc là phải thực hiện các trình tự thủ tục theo quy định, tổ chức quản lý dự án, thi công đảm bảo mục tiêu cơ bản hoàn thành vào năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đường bộ cao tốc là công trình cấp kỹ thuật cao nhất trong hệ thống đường bộ, với quy mô hiện đại, năng lực vận tải lớn, tốc độ cao và an toàn. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có kinh nghiệm triển khai các dự án lớn nên sự chia sẻ kinh nghiệm từ các đơn vị của bộ, các địa phương với nhau là cần thiết, với mục tiêu dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả cao nhất.
Từ thực tế triển khai các dự án đường bộ cao tốc; trong đó, có các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông; các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và các đoàn thanh tra chuyên ngành, Bộ Giao thông vận tải đã biên soạn một cuốn sổ tay trong triển khai các dự án đường cao tốc với mục tiêu triển khai công trình đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, theo đúng quy định pháp luật. Bộ Giao thông vận tải sẵn sàng chia sẻ cho các địa phương cuốn cẩm nang này để các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư các dự án đường bộ cao tốc tại địa phương có thêm kinh nghiệm triển khai các dự án.
Vấn đề giải phóng mặt bằng, mỏ vật liệu được xem là khó khăn phức tạp trong quá trình triển khai các dự án cao tốc, về vấn đề này Bộ Giao thông vận tải có chia sẻ gì với các địa phương?
Việc giải phóng mặt bằng các dự án là khó khăn phức tạp vì các dự án đường bộ, đặc biệt là đường cao tốc thì diện tích giải phóng mặt bằng rất lớn, trải dài nên càng khó khăn hơn.
Kinh nghiệm để chủ động hơn trong giải phóng mặt bằng mà Bộ Giao thông vận tải rút ra được là “bước trước dự án - tiền khả thi” chuẩn bị ngay hồ sơ bình đồ tuyến. Trước tiên, chủ đầu tư, tư vấn rà soát hồ sơ giải phóng mặt bằng trước khoảng 2 tháng. Nếu thấy không có vướng mắc thì tạm thời phê duyệt mặt bằng để triển khai ngay việc cắm mốc trên thực địa.
Làm được việc này sẽ giúp tránh được sai số trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng cũng như bước thiết kế kỹ thuật. Đây là kinh nghiệm mà Hà Nội đã áp dụng khi duyệt dự án.
Về nguồn vật liệu như đất đắp vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai các dự án giao thông, đặc biệt là thủ tục. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu để giảm thủ tục cấp phép nhưng trên tinh thần đảm bảo việc khai thác quản lý tài nguyên đúng quy định pháp luật. Thêm nữa, quá trình khảo sát, đánh giá mỏ cũng cần làm tốt hơn như về chất lượng, trữ lượng, giá cả…
Bài học rút ra cho các chủ đầu tư trong quá trình triển khai các dự án cao tốc là gì, thưa Thứ trưởng?
Qua quá trình thực hiện, Bộ Giao thông vận tải nhận thấy, cần thiết phải tổ chức thường xuyên hội nghị chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm từ thực tiễn trong chỉ đạo, chuẩn bị dự án, lập dự án đầu tư, chuẩn bị đầu tư, quản lý thi công... để rút ra những bài học, kinh nghiệm, giải pháp nhằm triển khai thực hiện các dự án sao cho vừa đảm bảo chất lượng, tiến độ, mỹ thuật, môi trường và an ninh trật tự.
Các bài học kinh nghiệm áp dụng trong triển khai các dự án đường cao tốc, đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đẩy mạnh phân công, phân cấp cho địa phương, giao nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho từng đơn vị để xây dựng kế hoạch khả thi, gắn trách nhiệm để kiểm điểm tiến độ đúng đối tượng. Ngoài ra, nêu cao tinh thần quyết tâm chính trị lớn, dù nội dung công việc phức tạp, không nản chí mà tìm mọi giải pháp để vượt qua.
Cùng với đó là sự vào cuộc đồng bộ lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương để giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc, điểm nghẽn thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, chính quyền địa phương. Ngoài ra là mạnh dạn đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách giúp tạo ra hành lang pháp lý mới, thông thoáng, thuận lợi khi triển khai các dự án; đổi mới trong khâu chỉ đạo điều hành, xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm rõ ràng, gắn với thường xuyên kiểm tra, giám sát.
Đồng thời, lưu ý lựa chọn nhà thầu có năng lực, có đủ nhân lực, phương tiện, máy móc thi công để đáp ứng kịp thời tiến độ. Kinh nghiệm từ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 cho thấy, nếu lựa chọn đúng nhà thầu có năng lực thì sẽ yên tâm trong quản lý, tiến độ, chất lượng công trình.
Các địa phương cũng tăng cường sự trao đổi kinh nghiệm với nhau để chọn lọc phương pháp, cách làm phù hợp với từng địa phương, giúp triển khai dự án nhanh, khả thi, chất lượng, hiệu quả; lập tổ chuyên trách về quản lý đầu tư dự án, gồm các chuyên gia đầu ngành, đại diện các sở, ngành để kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; báo cáo, đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành những cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ triển khai công trình.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các địa phương ý thức đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành; trong đó, đối với từng cá nhân tham gia dự án phải có năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp vững vàng và tư tưởng quyết liệt hoàn thành nhiệm vụ. Đối với các đơn vị tham gia cần phải đổi mới tư duy, cách làm với phương châm làm việc nào dứt điểm việc đó, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Báo tin tức