MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thư từ nước Mỹ: Học online sung sướng lắm, nếu bạn là...

12-09-2021 - 23:15 PM | Tài chính quốc tế

Thư từ nước Mỹ: Học online sung sướng lắm, nếu bạn là...

Đã từng có chuyện một lớp chỉ có một sinh viên ngồi học trực tuyến rồi chia sẻ tài liệu với số sinh viên trốn học để ngồi thư giãn tại một quán café ngoài trời trong khu Phố cổ.

Đại dịch Covid đã khiến sinh viên đại học khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, phải chuyển đổi hình thức học tập trên lớp sang phiên bản trực tuyến: Công nghệ quả là diệu kỳ nhưng nhiều khi cũng không tránh khỏi nhiều vấn đề chẳng mấy dễ chịu.

Thư từ nước Mỹ: Học online sung sướng lắm, nếu bạn là... - Ảnh 1.

Mặc dù hầu hết sinh viên đại học được coi là "những con mọt công nghệ" nhưng vẫn còn một số không khỏi bỡ ngỡ. Và vậy là, khi xảy ra "sự cố hệ thống" không thể tránh khỏi, các bạn này sẽ không biết bấu víu vào đâu. Tất cả những gì bạn có thể làm là ngồi chôn chân trong phòng riêng của mình, mắt chằm chằm nhìn vào màn hình máy tính trống rỗng, và khi cố gắng suy nghĩ về triển vọng công việc trong tương lai thì chỉ thấy một con đường mờ mịt không biết dẫn về đâu.

Ngay cả những bạn sinh viên hiểu biết về công nghệ cũng có thể cảm thấy trong lòng đầy bất trắc khi thế giới online đóng sập lại trước mắt. Và vì vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Internet được nối lại, người ta có thể nghe thấy những tiếng hét đầy sung sướng vọng từ đầu này đến đầu kia thành phố.

Còn nếu sinh viên gọi đến số máy hỗ trợ của trường hoặc nhà cung cấp internet thì câu trả lời luôn luôn là sự cố đang được khắc phục và sẽ có kết quả trong vài ngày tới – chắc hẳn nhà trường đã thu trước một lần và lập trình sẵn. Có lẽ chẳng bao giờ nhà trường và các nhà cung cấp muốn đường dây nóng của mình tưởng chừng chỉ còn nước sập nguồn vì hàng trăm cuộc gọi cầu cứu từ những cô cậu sinh viên trẻ tuổi trong cơn hoảng loạn.

Nếu bạn đủ may mắn để được nối máy đến tổng đài trợ giúp thì lời khuyên tiêu chuẩn bạn nhận được là: "Bạn đã thử tắt máy tính rồi bật lại hay chưa?" Trớ trêu thay, việc này lại luôn hiệu quả. Riêng những sinh viên thức thời thì đã có câu thần chú để khắc phục mọi sự cố công nghệ: hẹn hò với một anh chàng/cô nàng học chuyên ngành Khoa học máy tính!

Tuy nhiên, các trục trặc kỹ thuật - webcam bị hỏng, trục trặc phần mềm, đổ cà phê lên bàn phím máy tính hoặc làm rơi điện thoại thông minh của bạn vào bồn vệ sinh - có thể lại là một "điều may mắn". Nếu một sinh viên đang loay hoay với một bài thi vô cùng hóc búa thì chẳng phải "sự cố" mạng Internet lúc này lại trở thành một lối thoát hay sao. Mạng bị ngắt, máy tính treo khiến bài thi không thể gửi đi được, vậy là có thêm thời gian để rà soát lại bài một lần nữa, hoặc có khi còn đủ cả thời gian "nhờ ai đó làm bài hộ" ấy chứ.

Thư từ nước Mỹ: Học online sung sướng lắm, nếu bạn là... - Ảnh 2.

Niềm vui sướng lớn nhất với sinh viên học trực tuyến là không cần đến sự cố mạng thực sự. Nếu chưa kịp học bài hoặc chưa làm xong bài thì cứ lấy cớ là mạng Internet ở nhà hoặc thậm chí mạng của cả khu dân cư bị trục trặc hoặc phần mềm máy tính bị hỏng mà không gọi được chuyên gia công nghệ trợ giúp.

Ngày xưa, sinh viên thường viện đủ cớ nào là sóng thần cuốn trôi nhà cửa hay con rùa cưng nuốt nhầm mất tập bài đã làm. Nhưng ngày nay thì ai ai cũng có thể đổ tại sự cố đường truyền Internet. Một cái cớ mang tính đương đại nhất là: mật khẩu máy tính bị hack và toàn bộ luận văn đã bị xoá bằng phần mềm độc hại.

Nhiều sinh viên không muốn tham gia các lớp học trực tuyến thì cứ việc điềm nhiên ngủ lăn ngủ lóc rồi báo cáo rằng họ đã hết sức loay hoay cố gắng mà không thể đăng nhập vào hệ thống. Đâu có gì ngạc nhiên khi một nửa hoặc thậm chí hơn nửa số sinh viên lớp học trực tuyến lại không hề trực tuyến – lớp cứ online còn sinh viên cứ offline. Đã từng có chuyện một lớp học chỉ có một sinh viên ngồi học trực tuyến rồi chia sẻ tài liệu học với số sinh viên trốn học để ngồi thư giãn tại một quán café ngoài trời trong khu Phố cổ.

Thư từ nước Mỹ: Học online sung sướng lắm, nếu bạn là... - Ảnh 3.

Sinh viên thường phàn nàn về chất lượng của các bài giảng trực tuyến. Đây là điều có thể hiểu được. Các giảng viên đã phải chuyển đổi các bài thuyết trình trên lớp sang phiên bản trực tuyến. So với bài giảng trực tiếp, giảng viên sẽ cần nhiều thời gian và nỗ lực hơn để chuẩn bị cho nội dung trực tuyến. Tại sao?

Khi giảng dạy trực tiếp, giảng viên có thể tuỳ ứng nội dung bài giảng, ngẫu hứng ngay trong khi dạy tuỳ theo diễn biến trên lớp và phản ứng của sinh viên. Khi quên hoặc không biết một điều gì đó, giảng viên sẽ chỉ định một sinh viên nào đó giải thích vấn đề, hoặc cho cả lớp chia nhóm thảo luận. Với lớp học trực tuyến, mọi nội dung sẽ được thể hiện trên bài thuyết trình PowerPoint chiếu trên màn hình – việc này khiến các giảng viên phải lao tâm khổ tứ nhiều hơn cách dạy cởi mở, ngẫu hứng của lớp học trực tiếp.

Nhiều giảng viên được sinh viên yêu thích bởi vì họ thực sự là những người có năng khiếu khiến bài giảng của mình sống động theo cách của một "chuyên gia giải trí" nhà nghề. Họ có thể đi xung quanh lớp học, đặt câu hỏi, đánh thức các cô cậu sinh viên đang ngủ gật theo một cách hài hước, nhìn thẳng vào mắt sinh viên để đưa ra những câu đùa hóm hỉnh - tất cả những điều đó khiến lớp học thực sự rất vui.

Nhưng đó là câu chuyện của lớp học thời tiền Covid. Còn lớp trực tuyến thì sao? Quả là nhàm chán: những gì sinh viên nhìn thấy qua màn hình là một giảng viên đứng/ngồi yên tại chỗ, họ đâu có thể thực sự di chuyển khi thuyết trình, điều duy nhất chuyển động được là ánh mắt di chuyển theo sự chuyển động của từng slide trong bài PowerPoint.

Còn sinh viên thì sao - hầu hết sẽ để đầu óc trên mây bởi nội dung bài hoặc các bạn đã xem trước rồi hoặc sẽ xem sau đó khi có hứng thú – bởi bài giảng đã được tải lên hệ thống từ trước, không thì sẽ được tải lên sau buổi học.

Thư từ nước Mỹ: Học online sung sướng lắm, nếu bạn là... - Ảnh 4.

Cũng không hẳn là hoàn toàn không có cách nào khiến bài giảng trực tuyến trở nên vui vẻ hơn. Giảng viên có thể trình chiếu các video giữa bài giảng để tạo hứng thú cho sinh viên. Nhưng nào ai biết được lý do thực sự của việc chiếu video, rất có thể chính giảng viên cũng thấy chán nên tranh thủ cho sinh viên xả hơi để mình cũng có thời gian "chợp mắt" chớp nhoáng độ nửa tiếng, một tiếng trong khi camera không cần phải bật.

Thư từ nước Mỹ: Học online sung sướng lắm, nếu bạn là... - Ảnh 5.

Học trực tuyến dễ khiến sinh viên trở thành người học thụ động. Các em có thể ngồi hàng giờ để nghe và đọc các slide của bài thuyết trình PowerPoint trên màn hình. Hoặc cứ ngồi nghe mà không thấy, nhìn mà không thấy – cảm giác thú vị như đang ngồi trong một chiếc tàu ngầm do chính một mình mình điều khiển dưới đáy đại dương tăm tối nhất.

Với học trực tuyến, việc giảng viên đặt câu hỏi thời gian thực không hẳn là điều hiệu quả vì làm như vậy dễ gây gián đoạn mạch bài giảng và khó mà thực hiện được đúng trình tự. Điều đó cũng có nghĩa là giảng viên phải dành nhiều thời gian hơn để trả lời trực tuyến các câu hỏi của sinh viên trong khi họ đã có lịch đi chơi gôn, nếu thêm trục trặc kỹ thuật như tốc độ đường truyền không ổn định thì sự nóng ruột còn tăng lên gấp bội. Chắc đó là lý do của một điều thú vị nữa là các bài giảng trực tuyến thường ngắn hơn nhiều so với các bài giảng trực tiếp.

Thư từ nước Mỹ: Học online sung sướng lắm, nếu bạn là... - Ảnh 6.

Khi không trả lời được câu hỏi của sinh viên theo phương thức "thời gian thực" như ở lớp học trực tiếp thì có nghĩa là sinh viên sẽ phải xếp hàng lần lượt để hỏi giảng viên trực tuyến. Không có gì ngạc nhiên khi các sự cố công nghệ như nghẽn tốc độ đường truyền, sập hệ thống thường tỷ lệ thuận với số lượng sinh viên của lớp học.

Để giải quyết vấn đề này, các trường đại học bố trí trợ giảng để trả lời các câu hỏi trực tuyến của sinh viên. Vấn đề là trong nhiều trường hợp các trợ giảng cũng chưa hẳn đã có nhiều thông tin hơn sinh viên vì họ cũng ngồi cùng với sinh viên tham dự bài giảng. Thế là sinh viên lại nhận được thông báo rằng hệ thống máy tính của trợ giảng đang gặp sự cố.

Rồi có lẽ ai cũng sẽ băn khoăn tự hỏi: làm sao để công nghệ tồn tại và tiến hoá trước những trục trặc hệ thống liên hồi như thế này.

Thư từ nước Mỹ: Học online sung sướng lắm, nếu bạn là... - Ảnh 7.

Nhiều sinh viên phải đối mặt với một vấn đề thực sự là bị phân tâm khi học trực tuyến: nào là em út, cháu nhỏ trong nhà chạy nhảy gây rối, cha mẹ hò hét việc dọn dẹp phòng riêng, trả lời tiếng chuông bấm cửa, hoặc một vấn đề thường gặp ở Việt Nam là tiếng ồn xây dựng: có thể hàng xóm sát vách hoặc sát trên đầu sửa nhà hay công trường xây dựng bên cạnh làm việc suốt ngày đêm, hoặc khủng khiếp hơn nữa là tiếng khoan phá bên tông bằng máy khoan đời cổ xưa. Và nữa, rất quan trọng - nhận đồ mua online cho mẹ. Có những ngày đâu phải một lần là xong.

Ngoài ra, đó còn là cảm giác vô cùng khó chịu khi đang say giấc trưa trước màn hình máy tính thì giật nảy người khi bị đánh thức bởi tiếng thầy cô bắt đầu bài giảng trực tuyến.

Rồi tiếp đến là sự phân tâm tập thể khi cả lớp bắt quả tang một cậu chàng ngồi học trong chiếc sơ mi cổ cồn và chiếc quần lót. Cũng là một cách hay để tất cả cùng tỉnh ngủ.

Thư từ nước Mỹ: Học online sung sướng lắm, nếu bạn là... - Ảnh 8.

Phần tuyệt vời nhất của việc trở thành một sinh viên là có cơ hội tương tác với các sinh viên khác trong lớp. Nếu không thì liệu có còn cách nào khác cho sinh viên đại học gặp gỡ bạn mới hay hẹn hò cơ chứ? Nhưng khi học trực tuyến thì làm gì có ai ngồi trước mặt mình để mà nhìn chằm chằm, nhìn sâu vào mắt nhau, hay ghé tai nhau thầm thì về độ "hot" của giảng viên.

Thư từ nước Mỹ: Học online sung sướng lắm, nếu bạn là... - Ảnh 9.

Sinh viên học hỏi được rất nhiều điều cả từ giảng viên và bạn học – hay như cách nói là người Việt Nam là "học thầy không tày học bạn". Việc học hỏi đó được tích luỹ khi nghe các bạn cùng lớp trả lời câu hỏi; chia sẻ thông tin, đặc biệt là khi thảo luận về các bài thi và bài tập; hoặc viết luận văn cuối khoá. Tất cả những việc này trở nên vô cùng khó khăn, thậm chí là bất khả thi khi học trực tuyến – cũng chính là dấu chấm hết của rất nhiều niềm vui thích đặc biệt trong đời sống sinh viên.

Thư từ nước Mỹ: Học online sung sướng lắm, nếu bạn là... - Ảnh 10.

Một hoạt động vô cùng phổ biến ở hệ đại học là sinh viên phải làm việc nhóm. Trong thế giới thực, làm việc nhóm đòi hỏi các thành viên phải tiếp xúc trực tiếp, nhiều khi phải mặt đối mặt với cả những người mà mình cảm giác như không thể chịu đựng được.

Còn bây giờ chuyển sang làm việc nhóm trực tuyến thì sao đây – giống như trong cuộc sống, những người lười biếng sẽ chỉ làm một chút ít gọi là có, đẩy phần lớn khối lượng công việc còn lại cho những bạn học chăm chỉ, sốt sắng điểm số. Rất khó để các thành viên trong nhóm thống nhất với nhau về xung đột lợi ích, chia sẻ tài liệu, phối hợp công việc. Chào mừng đến với thế giới ảo!

Việc thành lập nhóm trực tuyến cũng khó hơn nhiều so với khi học trực tiếp. Khi lựa chọn nhóm để tham gia, hoặc chọn thành viên để lập nhóm, sinh viên thường có rất ít thông tin về người định lựa chọn. Trước đây khi học trực tiếp trên lớp, sinh viên có nhiều cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu nên biết rõ cá tính bạn học, ai là người lười biếng, ai là kẻ gây rối, ai tâm địa xấu xa. Giờ đây học trực tuyến, thật khó để nhận biết mình đang tương tác với ai. Chả phải là trong thực tế cuộc sống, những kẻ giết người tâm thần luôn thích tìm "con mồi" trên mạng đó sao!

Thư từ nước Mỹ: Học online sung sướng lắm, nếu bạn là... - Ảnh 11.

Có vẻ như nhiều trường đại học đang chìm trong "cơn say" học trực tuyến đến mức họ còn dự định tiếp tục duy trì hình thức này kể cả sau khi đại dịch kết thúc, bất chấp mặt trái của nó.

Hãy thử hình dung thế này: khi đó các trường đại học sẽ không còn bóng dáng nào của sinh viên và giảng viên, dù sự hiện diện đó nhiều khi cũng gây chút phiền toái, khó chịu. Thêm nữa là kết cục sinh viên sẽ quên mất rằng các em, hay trong hầu hết mọi trường hợp là cha mẹ các em đã phải bỏ ra một số tiền lớn thế nào để cho các em ngồi trước màn hình tại gia xem video và các bài thuyết trình PowerPoint trực tuyến.

Thư từ nước Mỹ: Học online sung sướng lắm, nếu bạn là... - Ảnh 12.

Ai cũng hiểu rằng việc học trực tuyến như mô tả có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và thể chất đối với những sinh viên vốn dĩ hoàn toàn bình thường. Nhưng các trường đại học không cần lo lắng về việc thiếu sự hậu thuẫn. Luôn có một lực lượng đáng kể những sinh viên có tính cách hướng nội, cô độc và ghét những người không thích học trực tuyến. Họ chắc chắn sẽ yêu thích học trực tuyến bằng một tình yêu chung thuỷ khó ai lay chuyển được.

Còn một nhóm nữa là những sinh viên không mang những cá tính kể trên nhưng rất hài lòng bởi họ thấy học trực tuyến có đầy những mặt tích cực: họ thấy sung sướng khi được tận hưởng cảm giác ăn mặc xuề xoà, cẩu thả ngồi trước máy tính, mặc kệ đầu bù tóc rối, thân thể bốc mùi vì không tắm rửa, tay cầm lon bia và ngủ gà ngủ gật trong giờ học, miễn sao thỉnh thoảng chịu hé mắt liếc qua vài slide trong bài thuyết trình Powerpoint trên màn hình.

Họ là tương lai của học trực tuyến!

Theo Terry F. Buss & Trần Phương Nhi

Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên