MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng Ấn Độ không từ bỏ tham vọng hợp tác với ASEAN sau khi rời RCEP

Tuy việc rút khỏi một thỏa thuận thương mại khu vực lớn như RCEP là một bước lùi trong Chính sách Hành động hướng Đông, Ấn Độ vẫn không giấu tham vọng đẩy mạnh quan hệ hợp tác với ASEAN.

Quyết định rút khỏi các cuộc đàm phán cho Hiệp định đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được Ấn Độ đưa ra hồi cuối năm ngoái đã khiến các quốc gia khu vực ASEAN không khỏi thất vọng.

Ở một cấp độ nào đó, việc rút khỏi RCEP của Ấn Độ đã làm giảm đáng kể “tính trung tâm” của ASEAN trong việc điều hành các vấn đề trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung.

Singapore là bên hỗ trợ nhiệt tình nhất trong tiến trình đàm phán RCEP của Ấn Độ với vai trò là người đối thoại. Thái Lan với cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2019 đã dẫn đầu các cuộc đàm phán trực tiếp với Ấn Độ về việc tham gia RCEP. Với vai trò là điều phối viên, Indonesia cũng góp công một phần trong việc phá vỡ bế tắc với Ấn Độ.

Bất chấp nhiều nỗ lực, ASEAN đã không thể thuyết phục Ấn Độ tham gia Hiệp định.

Nguyên nhân của việc này có thể đến từ các bất ổn trong nước tại Ấn Độ. Đã có nhiều làn sóng phản đối tham gia Hiệp định đến từ người dân, doanh nghiệp trong nước. Họ mong muốn chính quyền có nhiều nỗ lực hơn trong việc duy trì tỷ suất lợi nhuận, đảm bảo kế sinh nhai hơn là việc ký kết thêm một Hiệp định thương mại (FTA) nữa mà không thể tận dụng tốt các tiềm năng của nó.

Ngoài ra, việc tham gia RCEP có thể làm dày thêm mối lo ngại của Ấn Độ trong việc trở thành một thị trường tiêu thụ hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc.

ASEAN nên chấp nhận một viễn cảnh RCEP không có sự tham gia từ phía Ấn Độ. Việc từ chối tham gia RCEP, ở một khía cạnh nào đó, cũng mâu thuẫn với mục tiêu hướng Đông của Ấn Độ, cụ thể là Đông Nam Á. Đây cũng là một cơ hội bị bỏ lỡ của Ấn Độ trong việc tận dụng RCEP để kết nối 2 khu vực Nam Á và Đông Nam Á, đưa Ấn Độ tiến gần hơn với vai trò cửa ngõ chiến lược phát triển kinh tế giữa 2 vùng.

Sự rút lui của Ấn Độ dường như báo hiệu sự thận trọng của quốc gia này với chủ nghĩa đa phương. Tuy nhiên thay vào đó, Ấn Độ có thể sẽ tăng cường quan hệ song phương với các quốc gia riêng lẻ và củng cố các tổ chức song phương hiện có. Ví dụ như Sáng kiến vùng Vịnh Bengal về hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật đa khu vực, nơi Thái Lan và Myanmar là thành viên hợp tác, và Hợp tác Mê Kông – Sông Hằng với Việt Nam là thành viên.

Việc rút khỏi RCEP cũng không ảnh hưởng đến những bước tiến đáng kể trong mối quan hệ với ASEAN của Ấn Độ, nhất là dưới thời chính quyền Thủ tướng Modi. Về vấn đề hàng hải, Ấn Độ đã chú trọng hơn đến các chính sách liên quan đến Ấn Độ Dương, như An ninh và Tăng trưởng cho các bên trong khu vực (SAGAR). Cảng Sabang là một ví dụ như vậy, đây là dự án do Ấn Độ và Indonesia cùng hợp tác phát triển.

Trên mặt trận kinh tế, Ấn Độ sẽ vẫn tiếp tục giữ vị thế dẫn đầu 8 quốc gia Nam Á trong quan hệ giao thương với ASEAN. Mối quan hệ song phương sẽ tiếp tục được 2 bên ủng hộ.

Nhận thấy rằng việc cải thiện kết nối là trọng tâm để tăng cường sự hợp tác kinh tế với ASEAN, Ấn Độ đã đầu tư vào nhiều dự án cơ hở hạ tầng như dự án đường cao tốc Ấn Độ - Myanmar – Thái Lan và trạm trung chuyển Kaladan. Nằm trong các động thái của chính sách hướng Đông, Ấn Độ sẽ đẩy nhanh việc cấp vốn và hoàn thiện các dự án này trong nhiệm kỳ thứ 2 của chính quyền Thủ tướng Modi.

Tóm lại, việc rút khỏi RCEP vẫn không ảnh hưởng đến nỗ lực đẩy mạnh hợp tác sâu rộng của Ấn Độ với các quốc gia ASEAN – khu vực đóng vai trò trung tâm trong chiến lược hướng Đông cũng như chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của nước này.

Hoàng Linh

The Interpreter

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên