MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng đồng ý cho Bộ TT&TT chủ trì xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia

Theo báo cáo của các tổ chức uy tín trên thế giới, nếu quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ sẽ giúp các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam tăng năng suất lao động lên từ 30 đến 40%, góp 20 – 30% trong tăng trưởng GDP, tránh được bẫy thu nhập trung bình.

Tại buổi làm việc mới đây với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ TT&TT đã đề nghị Thủ tướng giao cho Bộ TT&TT chủ trì xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia. Bộ TT&TT cho rằng, quốc gia số là nền tảng quan trọng nhất của một quốc gia khởi nghiệp, sáng tạo. Theo báo cáo của các tổ chức uy tín trên thế giới, nếu quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ sẽ giúp các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam tăng năng suất lao động lên từ 30 đến 40%, góp 20 - 30% trong tăng trưởng GDP, tránh được bẫy thu nhập trung bình.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Bộ TT&TT trả lời nhiều kiến nghị, trong đó có kiến nghị giao cho Bộ TT&TT chủ trì xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia. Thủ tướng đã đồng ý cho Bộ TT&TT chủ trì xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia, nhưng lưu ý thời điểm triển khai thực hiện để đảm bảo tính đồng bộ, khả thi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trao đổi tại hội thảo Vietnam Finance 2018 “Chuyển đổi số trong ngành Tài chính” ngày 26/9/2018, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho hay, hiện nay khái niệm chuyển đổi số mới được đề cập trong phạm vi hẹp, được hiểu là số hóa ứng dụng CNTT để thúc đẩy phát triển sản xuất, cung ứng dịch vụ.

“Thế giới đang bước vào cuộc CMCN 4.0, xây dựng Chính phủ số hướng tới nền kinh tế số. Việt Nam không đứng ngoài xu thế đó, việc tiến hành tốt chuyển đổi số sẽ giúp Việt Nam chủ động trong cuộc CMCN 4.0, hướng tới quốc gia thông minh”, Thứ trưởng nói.

Chuyển đổi số sẽ dẫn đến thay đổi mô hình kinh doanh. Nếu chưa có dữ liệu phải tạo ra dữ liệu, đầu tư nhân lực, công nghệ để sử dụng được. Xem xét chia sẻ và bảo vệ dữ liệu để đóng góp vào phát triển kinh tế.

Theo đánh giá, tại Việt Nam, lĩnh vực tài chính và CNTT có mức độ sẵn sàng cao nhất để chuyển đổi số dựa trên nguồn dữ liệu khổng lồ, các công nghệ lõi như dữ liệu lớn, IoT, Ai… Công nghệ Blockchain đang có ảnh hưởng mạnh, có thể áp dụng hầu hết trong các ngành nghề nhưng phổ biến nhất trong tài chính, ngân hàng, giúp minh bạch hơn.

Dù vậy trong chuyển đổi số tại Việt Nam sẽ có nhiều thách thức lớn. “Thách thức đối với chuyển đổi số ở Việt Nam là nguồn lực và kỹ năng; văn hóa và nhận thức; an toàn an ninh mạng. Cho dù Việt Nam có tiến hành chuyển đổi số hay không thì khi đoàn tàu CMCN 4.0 đến, chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng. Như câu chuyện Uber hay Crypto Currency vào Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng khuyến cáo.

Hiện nhiều doanh nghiệp ICT của Việt Nam đã ra tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập FPT và Techday mới đây, Chủ tịch FPT khẳng định, sứ mệnh của FPT là tiên phong chuyển đổi số. Cơ hội này trước hết mở ra một hướng mũi nhọn có giá trị hàng chục tỷ đô la Mỹ cho Việt Nam. Người ta nói đây là thời đại của Internet of Things, đối với FPT đây còn là thời đại Internet của các công ty, tổ chức. Bởi xét cho cùng, thế giới này là thế giới của sản xuất, dịch vụ, của ngân hàng, của hàng không... Đây sẽ là thị trường lớn nhất của chuyển đổi số.

FPT đã và đang tiên phong khai phá những thị trường chuyển đổi số này, đứng cùng sân với những công ty lẫy lừng thế giới và hợp tác cùng họ. Với chiến lược đó, FPT có thể một lần nữa mở rộng thị trường công nghiệp phần mềm và đóng góp tỷ đô cho nền công nghiệp mũi nhọn này. Mục tiêu 10 năm tới là có hơn 200.000 kỹ sư phần mềm, tạo ra công ăn việc làm gián tiếp cho 650.000 người.

FPT sẽ cung cấp giải pháp cho Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số. Tham gia xây dựng thành phố thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh để thêm nhiều triệu người được hưởng lợi, đồng thời nâng cao vị thế cạnh tranh của đất nước.

"Ước mơ của những ngày đầu là mở mang bờ cõi, thì ước mơ của thời đại mới sẽ là trở thành công ty chuyển đổi số hàng đầu thế giới với hầu hết doanh thu đến từ dịch vụ chuyển đổi số", Chủ tịch FPT nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 6/5, Tập đoàn Công nghệ CMC tổ chức Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập, Chủ tịch Tập đoàn CMC Nguyễn Trung Chính nhấn mạnh: “Thế giới đang mở ra một thời kỳ mới, kỷ nguyên Internet, kỷ nguyên số, kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức. Cơ hội rất lớn nhưng thách thức không hề nhỏ. Mục tiêu 3 năm tới của CMC là xây dựng thành công doanh nghiệp sáng tạo, theo chuẩn quốc tế World Class, đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số, tăng gấp đôi doanh số lên 10 ngàn tỷ đồng. Với CMC, 25 năm là chặng đường khá dài nhưng nếu so với 100 năm thì CMC mới như một chàng thanh niên. Vì thế, điều quan trọng nhất, tuyệt vời nhất của CMC còn ở phía trước. CMC quyết tâm đi đầu trong chặng đường chuyển đổi số để chinh phục thế giới số''.

Theo PV

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên