Thủ tướng dứt khoát, Bộ ngành làm ngày làm đêm và "cuộc đấu tranh rất thời sự"
Chỉ còn 1 ngày nữa, Chính phủ phải ban hành hàng loạt Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh và theo đó, có khoảng hơn 3.000 giấy phép con đang được xem là rào cản với DN, sẽ bị loại bỏ.
- 30-06-2016Vì sao các Bộ, ngành chần chừ loại bỏ giấy phép con?
- 30-06-2016Lên đời giấy phép con thành nghị định
- 28-06-2016Mạnh tay tuyên chiến giấy phép con, Thủ tướng đang nghĩ khác, làm khác
- 27-06-2016Gánh nặng 'giấy phép con' sẽ chuyển sang ai?
Trong suốt hai tuần cuối cùng trước thời điểm 1/7/2016, sự tích cực làm việc của các bộ ngành trong việc rà soát lại hàng nghìn điều kiện kinh doanh đã khiến cho GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài, phải thốt lên rằng: "Đây là cuộc đấu tranh rất thời sự".
Một cuộc rà soát, hay nói đúng hơn là cuộc đấu tranh chưa từng có trong lịch sử, liên quan đến những quy định, điều kiện về đầu tư kinh doanh. Một cuộc đấu tranh theo đúng nghĩa như GS. Nguyễn Mại nói, đó là tuyên chiến với lợi ích nhóm, với sự bảo thủ để đổi mới.
"Cuộc đấu tranh đẩy lùi sự bảo thủ"
"Cuộc đấu tranh như Thủ tướng nói, là từ bỏ lợi ích nhóm, vì lợi ích DN và đất nước. Đây là minh chứng cho cuộc đấu tranh cho sự đổi mới, đẩy lùi bảo thủ để thực hiện mục tiêu là nhà nước kiến tạo, xây dựng một hành lang thông thoáng và thúc đẩy đổi mới, phát triển" - GS. Nguyễn Mại bình luận.
Những gì mà vị chuyên gia kinh tế uy tín hàng đầu nhìn nhận, đã phản ánh đúng tinh thần xuyên suốt mà người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang nỗ lực thực hiện kể từ khi ông nhậm chức đến nay. Không có nhiều lời hứa, cũng không chỉ là lời nói, sự dứt khoát và quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng khi đặt ra yêu cầu, phải ban hành đúng, đủ và bảo đảm chất lượng các điều kiện kinh doanh trước ngày 1/7.
Đã có những ý kiến đề nghị Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xin lùi thời hạn đến sau ngày 1/7, tiếp tục áp dụng các thông tư để có thêm thời gian xây dựng nghị định. Tuy nhiên, Thủ tướng đã yêu cầu việc ban hành các nghị định phải kiên quyết xong trước 1/7, đúng thời hạn luật định và phải trình Chính phủ các dự thảo nghị định trước ngày 30/5.
Thậm chí, để đảm bảo đúng thời hạn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn yêu cầu các Bộ ngành phải tìm cách rút ngắn thời gian soạn thảo, song vẫn phải đảm bảo chất lượng văn bản. Đây được xem là thách thức không nhỏ khi thời hạn thì chỉ còn hơn 1 tháng, trong khi thống kê từ Bộ KH&ĐT, hiện có hàng nghìn điều kiện kinh doanh tại hàng trăm thông tư của các Bộ ngành.
Song câu chuyện không chỉ đơn giản là rà soát, loại bỏ những giấy phép con mang tính cơ học, mà đằng sau đó là bao trùm lên lợi ích, quyền lợi của chính các bộ ngành. Cuộc rà soát giấy phép con, loại bỏ những điều kiện kinh doanh đúng như bản chất của nó, là cuộc đấu tranh cho lợi ích nhóm đang tồn tại. Đến nỗi, đại diện của Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp, là hai cơ quan trực tiếp rà soát, phải thốt lên: "Họ chống đối kinh lắm".
Dứt khoát tuyên chiến giấy phép con, loại bỏ lợi ích nhóm
Còn ông Nguyễn Phước Thọ, Hàm Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, thì chỉ ra rằng: “Chưa từng thấy hiện tượng nào đặc biệt như thế”. Cuộc đấu tranh loại bỏ giấy phép con theo đúng tinh thần mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, được các bộ ngành "làm ngày làm đêm" , khi có thời điểm buổi sáng có tới 34 văn bản chưa được trình lên, thì buổi chiều các bộ ngành đã trình tới 35 văn bản, song vẫn còn đâu đó những lợi ích riêng được đưa ra dự thảo Nghị định.
Là thành viên phản biện độc lập trong tổ rà soát điều kiện kinh doanh của Chính phủ, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Ciem) thẳng thắn chỉ ra rằng, mặc dù văn phòng Chính phủ rất quyết liệt trong việc loại bỏ các quy định, yêu cầu cản trở DN. Thế nhưng, vẫn có các bộ, ngành vẫn đưa vào nghị định rất nhiều quy định về điều kiện không cần thiết, cũng như nỗ lực bảo vệ các quyền quản lý của mình.
Cuộc đấu tranh rất thời sự ấy như những gì mà GS. Nguyễn Mại đã nói, đúng là cuộc đấu tranh với sự bảo thủ đến phút cuối cùng. Trong buổi làm việc chuyên đề xây dựng pháp luật, liên quan đến điều kiện kinh doanh diễn ra cách đây vài ngày, Thủ tướng đã một lần nữa khẳng định: "Với tinh thần tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, chúng ta kiên quyết xóa cho được lợi ích nhóm chi phối chính sách”.
Nghĩ khác và làm khác, cuộc đấu tranh của Thủ tướng với nạn giấy phép con, với lợi ích nhóm cũng là cuộc đấu tranh mà cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi thực hiện. Mục tiêu đạt 1 triệu DN theo Nghị quyết 35 - nghị quyết về phát triển DN mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra, có thực hiện được hay không, có lẽ phụ thuộc rất nhiều vào cuộc đấu tranh này.
Và chắc hẳn, khi Thủ tướng dứt khoát với một cuộc đấu tranh rất thời sự, đằng sau đó là sự ủng hộ của người dân và DN, thì dù có lợi ích nhóm nào, cũng không thể bị chi phối, để có thể xây dựng một môi trường kinh doanh, một hành lang thông thoáng hơn, khuyến khích cho sự phát triển.