Thủ tướng: Khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, một số bộ, ngành phản ứng chính sách còn chậm; một bộ phận cán bộ, công chức xử lý văn bản, công việc chậm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, ảnh hưởng đến việc giải quyết hồ sơ, công việc của người dân và doanh nghiệp.
- 17-04-2023Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Cả nước vì TPHCM, TPHCM vì cả nước'
- 16-04-2023Hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với TP HCM
- 15-04-2023Thủ tướng Phạm Minh Chính đi thử tàu metro 1 ở TP HCM
Sáng 19/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
Phản ứng chính sách còn chậm
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng nêu rõ, cải cách hành chính (CCHC) là một trong 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược, đầu tư cho CCHC là đầu tư cho phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, CCHC vẫn còn những “điểm nghẽn”, nhiều vướng mắc, tồn tại, hạn chế gây cản trở cho đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.
Một số bộ, ngành phản ứng chính sách còn chậm, một bộ phận cán bộ, công chức xử lý văn bản, công việc chậm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm , ảnh hưởng đến việc giải quyết hồ sơ, công việc của người dân và doanh nghiệp, việc huy động các nguồn lực phát triển.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp và đề ra giải pháp khắc phục những điểm nghẽn, ách tắc trong tổ chức triển khai thực hiện.
“Phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt; giải quyết thủ tục cho người dân và doanh nghiệp kịp thời, không phiền hà, sách nhiễu, không ảnh hưởng tới huy động nguồn lực và nhất là khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Sợ sai, đẩy việc lên cấp trên
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cũng cho biết, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc; có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm , thiếu chủ động, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức… Từ đó, đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các bộ, cơ quan khác,… dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; làm suy giảm niềm tin trong doanh nghiệp, người dân đối với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng không tốt đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Việc kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu còn nhiều hạn chế. Còn tồn tại tình trạng “cát cứ thông tin”. Việc đảm bảo an ninh, an toàn thông tin chưa được quan tâm đúng mực. Nguồn lực cho việc triển khai còn gặp khó khăn; quy định về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước chưa được sửa đổi; công tác thông tin, truyền thông trong việc đẩy mạnh cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp chưa được coi trọng.
Để thúc đẩy công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số trong thời gian tới, ông Sơn cho rằng cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như sự hỗ trợ của các chuyên gia trong nước và quốc tế, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng công tác cải cách TTHC các cấp.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá chính xác kết quả, hiệu quả công tác triển khai để có các giải pháp thúc đẩy kịp thời. Quan tâm chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác cải cách TTHC để đảm bảo công tác cải cách TTHC và ứng dụng CNTT được thực hiện thống nhất từ Trung ương đến cơ sở.
Tiền phong