MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng mất dần quyền lực, ai chèo lái con thuyền Anh?

21-07-2017 - 16:00 PM | Tài chính quốc tế

Quyền lực của thủ tướng Anh Theresa May đang dần mất đi, để nước này lâm vào tình cảnh trôi dạt.

Câu hỏi cơ bản trong chính trị luôn giống nhau: ai chịu trách nhiệm ở đây? Bà May từng thất bại một lần khi kêu gọi bầu cử sớm trước 2 năm và tự biến chính phủ đa số thành thiểu số, làm suy yếu quyền lực của mình. Và có vẻ như nhà nữ lãnh đạo lại đang một lần nữa chật vật "trả bài".

Tương lai ảm đạm cho tiến trình Brexit

Hôm thứ 2 (17/7), 2 bên đã bắt đầu đàm phán tại trụ sở Ủy ban châu Âu, Brussels. Tuy nhiên, giới quan sát lo ngại rằng 2 năm là thời hạn quá ngắn để Anh và EU có thể giải quyết xong vụ "chia tay" đầu tiên và rùm beng nhất trong lịch sử khối này.

Các nhà đàm phán của Brexit: David Davis (trái) của Anh, và Michel Barnier của EU

Ông David Davis, bộ trưởng phụ trách quá trình Brexit của Anh, rời Brussels chỉ sau một giờ hội đàm. Mọi chuyện có vẻ bế tắc khi các nhà đàm phán EU từ chối thảo luận về mối quan hệ thương mại trong tương lai của Anh với châu Âu cho đến khi nước này chịu trả khoản tiền đóng góp theo cam kết khi còn là thành viên của khối, hay còn gọi là "hóa đơn ly dị". Trong khi đó, Anh vẫn ngoan cố không chịu đưa ra một con số cụ thể trong khi khăng khăng mức 100 tỷ Bảng mà EU đưa ra là quá cao.

Ngoài ra, Anh cũng tốn kém không ít cho chi phí pháp lý khi phải bỏ ra 3,7 triệu Bảng để thuê luật sư, giải quyết các sự vụ liên quan đến tư cách thành viên trong Khu vực kinh tế châu Âu.

Ngay cả sau cú sốc "quốc hội treo" và không giành được sự ủng hộ của công chúng để tăng sức mạnh trên bàn đàm phán, bà May vẫn giữ vững lập trường của mình, kiên quyết ra đi mà không cần thỏa thuận, còn hơn là nhận một thỏa thuận bất lợi cho Anh. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng một Brexit cứng sẽ tạo ra "một mớ hỗn độn chính trị, một vũng bùn luật pháp và một thảm hoạ kinh tế".

Chính tác giả của điều 50 Hiệp ước Lisbon, Huân tước Kerr của Kinlockhard, cũng phải kêu gọi dừng tiến trình Brexit do lo ngại về "những hậu quả tai hại" mà nước Anh phải chịu vì quyết định này. Khi viết ra quy trình để một quốc gia tự nguyện rời Liên minh châu Âu EU, ông từng nghĩ rằng điều khoản này sẽ chỉ được kích hoạt bởi một chế độ độc tài.

Tình hình kinh tế ngày càng đi xuống

Chưa rõ trong dài hạn, quyết định thu mình lại của Anh có tốt không nhưng hậu quả nhãn tiền là kinh tế nước này đang trên đà suy thoái sâu hơn nữa. Lý do là chi tiêu của người dân và đầu tư kinh doanh bị ảnh hưởng bởi những bất ổn xung quanh đàm phán Brexit, theo các nghiên cứu gần đây.

Triển vọng kinh tế của Anh hậu Brexit không mấy tươi sáng

GDP của Anh dự kiến sẽ giảm từ mức tăng trưởng 1,8% năm ngoái xuống 1,5% vào năm 2017 và chỉ còn 1,4% vào năm 2018, theo báo cáo triển vọng kinh tế Anh của PwC.

Tăng trưởng kinh tế nước này trong quý đầu tiên chỉ đạt mức 0,2%, giảm mạnh so với mức tăng 0,7% được thấy trong 3 tháng cuối năm 2016. Lạm phát vọt lên 2,9% vào tháng 5, mức cao nhất trong gần 4 năm qua và Ngân hàng trung ương Anh dự báo lạm phát sẽ đạt mức đỉnh điểm là 3% vào mùa thu.

Các nhà kinh tế cho rằng GDP của Anh sẽ phải chật vật trong quý II năm 2017, và dự báo đà tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại trong những năm tới.

Quyền lực giảm sút

Sau thất bại trong cuộc bầu cử sớm hồi tháng 6, bà May đã phải nhận hết trách nhiệm trước đảng Bảo thủ của mình. "Tôi là người đưa chúng ta vào đống lộn xộn này nên tôi sẽ đưa chúng ta ra khỏi đây", thủ tướng Anh tuyên bố.

Thủ tướng Anh Theresa May đang vất vả để điều hành chính phủ phố Downing
Thủ tướng Anh Theresa May đang vất vả để điều hành chính phủ phố Downing

Tuy nhiên, chính đảng này cũng không tin tưởng vào năng lực của vị nữ tướng và một số nhân vật cao cấp còn gợi ý rằng bà nên cân nhắc lại vị trí của mình. Trong khi đó, lãnh đạo đảng Lao động Jeremy Corbyn từng hối thúc bà May từ chức và nhường đường cho một chính phủ thực sự đại diện cho đất nước này.

Khi "dưới không phục", quyền lực trong tay thủ tướng Anh giờ đi đâu? Một phần sẽ đến với ông Damian Green, người bạn lâu đời nhất và có lẽ là duy nhất của bà trong chính trị và bây giờ, đồng thời là phó thủ tướng. Ông Green là "gương mặt đại diện" của bà May, giúp bà liên hệ với các thành viên nội các và các nghị sĩ. Phó thủ tướng cũng in dấu tay trong tất cả những bài diễn văn gần đây của bà May về cách làm việc trong đảng và xây dựng một chiến lược công nghiệp mới.

Nhân vật thứ 2 là Ngài Jeremy Heywood, thư ký Nội các và người đứng đầu cơ quan công vụ Anh. Từng làm việc cho 4 đời thủ tướng liên tiếp, ông là một tay lão luyện trong chính trị và một "chuyên gia trong giới nghiệp dư".

Nội các Anh chưa bao giờ mạnh như lúc này. Các bộ trưởng đang trở nên "ồn ào" hơn trong việc vận động hành lang cho bộ của mình. Cả Ngoại trưởng Boris Johnson và bộ trưởng Môi trường Michael Gove đều kêu gọi chấm dứt mức trần lương khu vực nhà nước. Quốc hội cũng đang "duỗi tay duỗi chân".

Ông Damian Green (trái) và ông Jeremy Heywood là 2 nhân vật đang dần lấy đi quyền lực của thủ tướng Anh
Ông Damian Green (trái) và ông Jeremy Heywood là 2 nhân vật đang dần lấy đi quyền lực của thủ tướng Anh

Liên minh của các nghị sĩ đang phát hiện ra rằng họ có thể buộc chính phủ phải nhượng bộ. Nhóm của thành viên đảng Lao động Stella Creasy đã buộc chính phủ đồng ý tài trợ cho chương trình phá thai của phụ nữ từ Bắc Ireland.

Trong 40 năm qua, các nhà hiến pháp luôn chú trọng vào việc giám sát chính phủ (thông qua quốc hội) vì lo ngại rằng nước Anh đang chuyển sang chế độ tổng thống khi thủ tướng dần thâu tóm nhiều quyền lực hơn vào phố Downing. Ngày nay, nước này đang gặp vấn đề ngược lại: một thủ tướng quá "khiêm tốn" và bộ máy Downing trống rỗng.

Theo Trang Hồ

Người đồng hành

Trở lên trên