MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng Nga tuyên bố hết tiền tăng lương hưu

10-06-2016 - 10:10 AM | Tài chính quốc tế

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói với một phụ nữ đứng tuổi ở Crimea rằng "không có tiền” trong ngân sách để tăng lương hưu...

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã “gây bão” trên truyền thông xã hội ở nước này vì một câu nói với một người hưu trí vào tháng trước.

Theo trang CNBC, trong một đoạn băng video đăng trên mạng YouTube, ông Medvedev nói với một phụ nữ đứng tuổi ở Crimea rằng “không có tiền” trong ngân sách Nga để tăng lương hưu. Trước đó, người phụ nữ này hỏi ông vì sao mức lương hưu nhà nước là 8.000 Rúp (khoảng 125 USD) mỗi tháng không tăng trong khi chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ.

“Bây giờ không có tiền. Khi nào có tiền, chúng tôi sẽ điều chỉnh”, ông Medvedev trả lời, và không quên động viên người phụ nữ: “Nhưng hãy mạnh mẽ lên. Tôi chúc bà những điều tốt đẹp nhất. Chúc một ngày tốt lành và bảo trọng!”

Người phụ nữ nghỉ hưu không lộ diện trong đoạn băng video, nhưng có thể nghe thấy bà hỏi Thủ tướng Nga về mức lương hưu “bèo bọt”. Đến nay, đoạn băng đã được xem 3,5 triệu lượt.

Câu trả lời của ông Medvedev đã dẫn tới một làn sóng bình luận trên truyền thông xã hội Nga. Nhiều cư dân mạng đã châm biếm câu nói này của người đứng đầu chính phủ.

Một người đăng hình ảnh bản kê khai thuế kèm dòng chữ: “Không có tiền, nhưng hãy mạnh mẽ!”

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiêng bảo vệ ông Medvedev. Ông Putin nói với hãng thông tấn RIA Novosti rằng phát biểu của Thủ tướng Nga đã bị đưa ra khỏi ngữ cảnh.

“Tôi chưa nghe ông Medvedev nói gì về vấn đề này, nhưng các bạn có thể luôn đưa một vài câu chữ ra khỏi ngữ cảnh của nó. Tôi biết chắc là Chính phủ dành sự quan tâm lớn cho việc hoàn thành các nghĩa vụ xã hội”, ông Putin nói.

Bất chấp những lời châm biếm, nền kinh tế Nga đang gặp thách thức lớn và Chính phủ nước này khó có thể tăng lương hưu, đặc biệt là với mức tăng phù hợp với tốc độ lạm phát 7,3% hồi tháng 5.

Sau khi Nga sáp nhập Crimea vào tháng 3/2014, phương Tây đã áp lệnh trừng phạt đối với nước này. Từ đó, các dòng vốn đã tháo chạy khỏi Nga, đồng Rúp bị bán tháo, và giá cả hàng hóa tăng mạnh khiến đời sống của nhiều người dân Nga gặp khó. Việc giá dầu giảm sâu trong 2 năm qua cũng gia tăng thêm áp lực đối với nền kinh tế Nga.

Theo Thăng Điệp

VnEconomy

Trở lên trên