MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của doanh nghiệp mà còn là tài sản quốc gia"

Đây là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ công bố Ngày văn hoá doanh nghiệp Việt Nam tối ngày 7/11.

Chìa khoá giúp Toyota, Sony, Samsung... đứng vững cả trăm năm

Khi bàn về văn hoá doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đấy là linh hồn của thương hiệu, là yếu tố khác biệt, bền vững của doanh nghiệp.

“Một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của doanh nghiệp mà còn là tài sản của quốc gia. Mọi quốc gia đều ra sức bảo vệ những thương hiệu của mình”, Thủ tướng cho biết.

Theo Thủ tướng, khi nhìn ra thế giới, chúng ta sẽ nhận thấy không một cường quốc kinh tế nào mà không có một nền văn hóa doanh nghiệp đặc sắc.

“Tại sao những quán ăn của Nhật Bản, Hàn Quốc lại có thể chinh phục khách hàng trên khắp thế giới? Tại sao những tập đoàn như Toyota, Sony, Samsung, Apple, Ford… có thể tồn tại và phát triển nhiều thập niên thậm chí cả trăm năm và khi gặp khủng hoảng, họ vẫn có thể đứng dậy, vượt lên…” Thủ tướng gợi mở.

“Một trong những lý giải rất quan trọng là họ có một nền tảng văn hóa doanh nghiệp rất mạnh, thậm chí có những thương hiệu đã trở thành biểu tượng của một quốc gia. Những thương hiệu đó đại diện cho những giá trị về sức sáng tạo, tính kỷ luật, sự tiên phong, trách nhiệm xã hội…”, người đứng đầu Chính phủ nhanh chóng lý giải.

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hiện tại Việt Nam cũng đã có những thương hiệu được xây dựng dựa trên những cam kết về giá trị và các nguyên tắc phát triển bền vững, như là FPT, TH Truemilk, Vinamilk, Viettel, VNPT, Công ty cổ phần xây dựng Coteccons, Vietnam Airlines, Vietjet…

Nhưng, bản sắc của chúng ta là gì?

Đặt ra những nét đặc trưng trong văn hoá doanh nghiệp của các nước như Mỹ phóng khoáng, tự do, thực dụng; Nhật kỷ luật, tận tuỵ, hợp tác mang thiên hướng gia đình; Hàn Quốc trung thành, trách nhiệm… Thủ tướng đặt ra câu hỏi “Vậy nét văn hoá của doanh nghiệp Việt Nam là gì?”.

Dù cho rằng đấy là câu trả lời riêng của mỗi doanh nghiệp nhưng Thủ tướng khẳng định nó không nằm ngoài những nguyên tắc cơ bản.

Đó là “liêm chính”, “sáng tạo”, “chuyên nghiệp”, “tận tuỵ”, “trách nhiệm môi trường”…

Theo đó, chừng nào xã hội, khách hàng còn tin vào những giá trị và nguyên tắc này của một doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó còn có cơ hội phát triển lớn mạnh. Văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh lành mạnh, tiên tiến, phù hợp với các xu thế của thời đại chính là chiếc cầu nối hữu hiệu nhất để chúng ta hòa nhập, hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

“Tôi xin nhấn mạnh một điều với các đồng chí và các bạn là: Đánh mất văn hóa nói chung và văn hóa doanh nghiệp nói riêng là đánh mất chính mình. Làm gì có tổn thất nào lớn hơn và khó khắc phục hơn là tổn thất đó. Ông bà mình đã từng nói rất đúng: Đánh mất niềm tin là mất tất cả. Văn hóa của doanh nghiệp cũng chính là niềm tin của khách hàng”.

Văn hoá doanh nghiệp, theo Thủ tướng, nếu nhìn rộng ra còn là hình ảnh quốc gia nhất là khi Việt Nam đang hội nhập ngày một sâu rộng.

“Tôi lấy ví dụ, sau này, khi chúng ta phê chuẩn TPP và hiệp định này có hiệu lực, những doanh nghiệp nào không tôn trọng quyền lợi người lao động, gây ô nhiễm môi trường thì sẽ không được hưởng các ưu đãi TPP, không có khả năng làm ăn với các đối tác TPP”, ông nói.

Mặt khác, khi nói đến văn hóa doanh nghiệp, người ta còn hay nhắc đến các hành vi ứng xử cụ thể. Đó là ứng xử với khách hàng, với cộng đồng. Đó là cách giao tiếp với đối tác, với xã hội.

“Các bạn hãy lưu ý, khi một nhân viên bán hàng hay một chủ quán ứng xử với khách hàng, đặc biệt là với người nước ngoài, thì đó cũng chính là hình ảnh của Việt Nam trong ấn tượng của bạn bè quốc tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo đó, những điều này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của ngành du lịch chúng ta. Do đó, Thủ tướng “thành tâm mong muốn” người Việt Nam học hỏi kinh nghiệm của Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc….

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên