Thủ tướng nói về sở hữu Nhà nước tại ngân hàng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói về tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng thương mại nhà nước đã cổ phần hóa...
- 27-02-2018SCIC đấu giá hơn 2,4 triệu cổ phần Maritime Bank
- 21-02-2018Thủ tướng: Nhiều đối tác nước ngoài hỏi Vietinbank có bán cổ phần nữa không, họ mua thêm
- 11-11-2017HDBank kỳ vọng thu về 300 triệu USD sau khi bán 20% cổ phần cho nhà đầu tư ngoại
Ngày 16/3, trả lời câu hỏi từ nhà đầu tư trong khuôn khổ chuyến thăm Australia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu cụ thể một trường hợp về tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng thương mại nhà nước đã cổ phần hóa.
Theo giới hạn quy định, hiện nay tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng Việt Nam không được vượt quá 30%. Một số trường hợp cá biệt, tỷ lệ sở hữu vượt quá có thể được Thủ tướng Chính phủ xem xét, hoặc áp cơ chế riêng để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu.
Tại buổi tiếp xúc nói trên, nhà đầu tư tại Australia đặt câu hỏi về tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam. Về câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Nhà nước chỉ nắm giữ những lĩnh vực then chốt và quan trọng, quá trình cổ phần hóa được đẩy mạnh và minh bạch.
Đáng chú ý, ở lĩnh vực ngân hàng, Thủ tướng nói cụ thể với nhà đầu tư rằng, như với trường hợp Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), chỉ có thể bán và Nhà nước vẫn phải nắm giữ 65% cổ phần.
Thông tin trên khẳng định về tỷ lệ sở hữu Nhà nước cần nắm giữ, không có nghĩa "room" sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài sẽ được nới từ 30% lên 35% tương ứng.
Liên quan đến tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, hiện tại những ngân hàng thương mại nhà nước đã cổ phần hóa như Vietcombank và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), "room" vẫn chưa được lấp đầy.
Trong khi đó, tại Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), "room" sở hữu của khối ngoại đã được lấp đầy; tỷ lệ sở hữu của Nhà nước (qua Ngân hàng Nhà nước đại diện) hiện cũng đã giảm xuống 64,46% (tính đến 31/12/2017).
Tại một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, thời gian qua một số trường hợp đã chủ động khóa "room" tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở các tỷ lệ nhất định, để dự phòng cho phương án bán vốn và tìm kiếm đối tác chiến lược.
Ngược lại, với điều kiện hiện có, một số thành viên có khả năng sẽ chủ động mở "room". Như tại Ngân hàng Quân đội (MB), trường hợp thường xuyên kín "room" những năm qua, sau khi nới từ 10% lên 20% vào đầu 2016, đại diện lãnh đạo ngân hàng này cho biết năm nay sẽ xem xét để có thể nới thêm, khi tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn 10% theo giới hạn 30% quy định.
Trong năm 2017 và đầu 2018, dòng vốn đầu tư nước ngoài tham gia mạnh vào mua cổ phần một số ngân hàng thương mại Việt Nam, tạo nên những giá trị thặng dư lớn.
Xu hướng, bối cảnh có chiều hướng thuận lợi đó đang thúc đẩy các thành viên khác nắm bắt cơ hội, tranh thủ nguồn lực để nâng cao hơn nữa năng lực tài chính, đặc biệt là trước yêu cầu tiến tới thực hiện các chuẩn mực Basel 2 trong hoạt động.