Thủ tướng: Ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ trọng tâm số 1 hiện nay
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và chống suy thoái.
- 28-07-2022Từng xếp thứ 6/6 về hút FDI trong khối ASEAN-6, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 3 sau bao nhiêu năm?
- 27-07-2022Top 10 tỉnh, thành có tăng trưởng GRDP trung bình cao nhất cả nước trong 5 năm trở lại đây
- 26-07-2022Quy mô GDP Việt Nam năm 2022 xếp thứ mấy trong khối ASEAN theo dự báo của các tổ chức quốc tế?
Sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất thêm 0,75 điểm % vào đêm qua và các ngân hàng trung ương nhiều nước đã tăng nhiều đợt lãi suất để chống chọi lạm phát, sáng nay (28/7), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành để bàn những mục tiêu, giải pháp, đối sách phù hợp tình hình cả trước mắt và lâu dài trong điều hành kinh tế vĩ mô.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp, nhanh, khó dự báo, không có tiền lệ. Xung đột vũ trang tại Ucraina còn diễn biến khó lường, lạm phát của nhiều quốc gia tăng cao, các thị trường lớn đều có biến động mạnh đã tác động đến thị trường và hoạt động xuất nhập khẩu. Trong khi đó, giá cả xăng dầu, nguyên liệu đầu vào còn diễn phức tạp; độ mở nền kinh tế lớn, một diễn biến nhỏ ở bên ngoài có thể tác động lớn đến trong nước…
Thời gian tới, Thủ tướng đặc biệt yêu cầu các bộ, ngành theo dõi sát, nắm chắc tình hình và chủ động xử lý một cách khoa học, hiệu quả, không để bị động, lúng túng, bất ngờ, nâng cao tính dự báo để có những mục tiêu, giải pháp, đối sách phù hợp cả trước mắt và lâu dài.
Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm số 1 hiện nay là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và chống suy thoái.
Tiếp tục kết hợp chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, trong đó, chính sách tiền tệ phải thận trọng, linh hoạt, chắc chắn, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.
Đồng thời, kiểm soát tốt dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, điều hành tỷ giá, lãi suất, tín dụng hợp lý, giảm thuế, phí, lệ phí và các chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; tăng thu tiết kiệm chi; tăng xuất khẩu, giảm nhập khẩu.
VTV