Thủ tướng: ‘Phải sản xuất ra cái gì người ta cần, chứ không phải cái gì mình đang có’
Trước bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới, Thủ tướng dẫn câu thơ “Núi cao cũng có đường trèo/Đường dù hiểm nghèo vẫn có lối đi” và đề nghị ngành nông nghiệp tiếp tục nỗ lực hơn nữa và thực hiện một số giải pháp trong năm 2023, xứng đáng là trụ đỡ của nền kinh tế.
- 12-01-2023Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thăm, chúc Tết tại Khánh Hoà
- 08-01-2023Thủ tướng khảo sát một số công trình, dự án, khu vực quy hoạch trọng điểm tại Phú Yên
- 05-01-2023Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm 2 tân Phó Thủ tướng Chính phủ
Nhiều nước lấy Việt Nam làm thước đo xuất khẩu thủy sản
Sáng 13/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023.
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, “nông nghiệp có tin vui” là dòng tiêu đề xuất hiện trên nhiều mặt báo những ngày cuối năm. Đó là nhờ giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản vượt chỉ tiêu, đạt 53,2 tỷ USD. Ngoài ra, giá trị xuất siêu của ngành chiếm hơn 75% tổng giá trị của nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, kết quả này là nhờ sự chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cũng như tinh thần vượt khó của toàn thể bà con nông dân, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.
Năm 2023, tình hình thế giới được dự báo ngày càng khó khăn. Hàng loạt cảnh báo liên tục được đặt ra về sự sụt giảm của các đơn hàng quốc tế. Một trong số đó được tư lệnh ngành nông nghiệp nêu ra là mặt hàng gỗ, lĩnh vực chiếm khoảng 1/3 tổng giá trị xuất khẩu. Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, toàn ngành nông nghiệp cần “nêu cao tinh thần sẵn sàng” trước mọi tình huống.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ tại hội nghị
Dù tự hào về thành tích xuất khẩu của ngành nông nghiệp nhưng Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng để hạn chế rủi ro thị trường xuất khẩu khi gặp tình huống bất thường, thị trường nội địa với 100 triệu người tiêu dùng cần được quan tâm đúng mức.
Theo đó, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" cần được lan tỏa thường xuyên, liên tục, trở thành tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân cần quan tâm đầu tư các dòng sản phẩm chinh phục nhu cầu người tiêu dùng, tự tin khẳng định niềm tin về chất lượng, sức cạnh tranh của hàng Việt.
Toàn cảnh hội nghị
Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội, ngành hàng đã chia sẻ những cảm xúc về một năm thắng lớn của ngành nông nghiệp , và giải pháp để lĩnh vực có thể duy trì đà tăng trưởng ấn tượng trong năm 2023. Điển hình, ngành thủy sản năm 2022 đã vượt được “lời nguyền” 10 tỷ USD, xuất sắc lập kỷ lục xuất khẩu 11 tỷ USD, giúp Việt Nam củng cố vững chắc vị trí trong top 3 các nước xuất khẩu thủy sản trên thế giới.
“Nhiều nước xuất khẩu thủy sản lớn trên thế giới hiện lấy Việt Nam làm thước đo, muốn học hỏi kinh nghiệm vượt qua dịch bệnh của chúng ta”, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam nói.
Tập trung xây dựng thương hiệu nông sản
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao thành quả của ngành nông nghiệp trong năm 2022. Trong một năm khó khăn, ngành nông nghiệp đã vượt qua từ biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu hướng tiêu dùng để đạt được những kết quả khả quan.
“Qua nhiều thăng trầm, càng ngày ngành nông nghiệp càng trở thành trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, giúp người dân đủ ăn đủ mặc; mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Không những thế, giá trị xuất khẩu của ngành còn đạt hơn 53 tỷ USD, qua đó đóng góp xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng tham quan một số sản phẩm nông sản đặc sắc tại hội nghị
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, Bộ NN&PTNT đã thực hiện tốt việc chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp.
"Phải sản xuất ra cái gì người ta cần, chứ không phải cái gì mình đang có, gắn với chế biến sâu và chuỗi giá trị. Tôi vừa nói chuyện với một hợp tác xã chè ở Thái Nguyên, nhờ làm sản phẩm cao cấp, thu nhập của xã viên lên đến 7 - 8 triệu đồng/người/tháng. Đó là con số ấn tượng cao hơn hẳn thu nhập trước đây", Thủ tướng nêu ví dụ.
Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT và các Bộ, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong hoạt động, để công nghiệp hóa được nông nghiệp.
Bên cạnh những đóng góp, Thủ tướng chỉ ra một số tồn tại của ngành nông nghiệp trong năm 2022. Đó là tăng trưởng chưa bền vững; kiểm soát thẻ vàng IUU chưa dứt điểm; một số cơ chế, chính sách chưa sát thực tiễn; ứng dụng khoa học công nghệ chưa nhiều; còn chênh lệch về chất lượng phát triển nông thôn mới và sản phẩm OCOP; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của một số công trình nông nghiệp tại Nghệ An, Hà Nam còn chậm; thu nhập cho lao động ngành nông nghiệp chưa cao.
Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp quan tâm hơn việc xây dựng những thương hiệu nông sản
Bước sang năm 2023, Thủ tướng nhận định bối cảnh thế giới sẽ có nhiều thách thức hơn như: Xung đột quân sự Nga - Ukraine chưa kết thúc, kinh tế toàn cầu suy giảm, khủng hoảng năng lượng, chính sách chống lạm phát của các đối tác lớn như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản…
Dẫn câu thơ: “Núi cao cũng có đường trèo/Đường dù hiểm nghèo vẫn có lối đi”, Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp cần quan tâm hơn việc xây dựng thương hiệu nông sản và cần làm ngay sau khi quy hoạch. Hai là, quy hoạch vùng nguyên liệu cần phù hợp, xứng tầm. Ba là, Bộ NN&PTNT cần đẩy mạnh công nghệ, ứng dụng công nghệ số, gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thủ tướng cho rằng, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phải triển khai nhanh hơn. Các địa phương phải chủ động phối hợp cùng Bộ NN&PTNT nâng cao năng suất lao động, gia tăng thu nhập cho người dân; Đồng thời, chống lãng phí, tiêu cực, đi đôi với xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Tích cực bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cho đội ngũ cán bộ quản lý.
Về hoạt động xúc tiến thương mại, Thủ tướng nhấn mạnh, ngành nông nghiệp phải chủ động, tích cực hội nhập quốc tế theo hướng sâu rộng, hiệu quả; phải chủ động tìm đến các thị trường. Để làm được điều này, Bộ NN&PTNT phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao tìm thêm những thị trường tiêu thụ mới.
Với tinh thần mới, khí thế mới, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ NN&PTNT trong năm 2023, tiếp tục phát huy những điểm mạnh, khắc phục những hạn chế để phát triển mạnh mẽ hơn năm vừa qua.
Đặt mục tiêu xuất khẩu 54 tỷ USD trong năm 2023
Năm 2023, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản là 54 tỉ USD; 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới; ít nhất 270 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42%, nâng cao chất lượng rừng; 57% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn; 80% số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm..
Tiền phong