Thủ tướng: Phải tái cơ cấu chính bộ máy của Bộ Công thương
Bộ Công Thương cũng cần phải đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN công khai minh bạch. Thủ tướng cũng lưu ý, Bộ Công Thương cần phải tái cơ cấu cả bộ máy thuộc Bộ, hiện có tới hàng trăm cơ quan trực thuộc và hàng vạn người.
- 11-07-2016Phó thủ tướng: “Cần tính toán lại phí BOT”
- 11-07-2016Thủ tướng đồng ý giải thể 4 Ban Chỉ đạo
- 08-07-2016Thủ tướng phê chuẩn Chủ tịch tỉnh trẻ nhất nước
- 08-07-2016Phó Thủ tướng yêu cầu giải quyết vụ bổ nhiệm con trai nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng
Đó là khẳng định được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra trong Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm của Bộ Công Thương vừa diễn ra chiều ngày 12/7.
Theo Thủ tướng, trong bối cảnh bộ máy Chính phủ được kiện toàn với 21 thành viên mới, mức tăng trưởng đạt được dù chưa phải là tốt, nhưng cũng là cố gắng lớn trong đó có sự đóng góp của ngành công thương. Trong đó, đáng chú ý là việc chủ động hội nhập quốc tế, cải cách thủ tục hành chính, tích cực tham gia xúc tiến thương mại, đẩy mạnh các hoạt động thị trường nước ngoài, đã giúp cho nhiều ngành hàng, lĩnh vực có sự tăng trưởng.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém mà ngành công thương cần phải nhìn nhận đầy đủ hơn để có giải pháp khắc phục. Đó là việc chỉ số tăng trưởng công nghiệp giảm, chủ yếu là do giá dầu giảm. Kim ngạch xuất khẩu tăng thấp hơn cùng kỳ, với nhiều ngành hàng trọng điểm giảm.
Đối với việc sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Công Thương, Thủ tướng chỉ rõ hoạt động này còn chậm và chưa hiệu quả. Hiện nay, Bộ Công Thương quản lý nhiều doanh nghiệp lớn nhưng cổ phần hóa còn chậm, tỷ trọng nhà nước nắm cổ phần còn cao.
Việc thông tin truyền thông chưa đầy đủ, chưa nhận thức cơ hội, nhất là tổ chức thị trường trong nước còn bất cập. Thủ tướng chỉ rõ, hiện có nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn trong nước đã bị nước ngoài chi phối.
“Đây là điều rất trăn trở khi phân phối là hoạt động rất quan trọng, nếu doanh nghiệp không hướng vào đất nước trên 90 triệu dân này thì sẽ là sai lầm” – Thủ tướng nói.
Đảm bảo sự cạnh tranh, bình đẳng, lành mạnh
Do đó, Thủ tướng cho rằng nhiệm vụ đặt ra cho ngành công thương trong thời gian tới là hết sức nặng nề. Trong đó, người đứng đầu Chính phủ lưu ý là cơ quan quản lý thuộc Bộ Công Thương cần có tư duy là cần tập trung làm những việc mà thị trường làm không tốt, còn lại để thị trường làm, đảm bảo sự cạnh tranh, bình đẳng, lành mạnh.
Theo đó, các ngành công nghiệp thương mại trong nước cần nâng cao hơn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Huy động vốn từ khu vực tư nhân, ngày càng lớn mạnh hơn tham gia tích cực vào công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước và doanh nghiệp Nhà nước phải nhỏ đi và hiệu quả hơn.
“Để đạt được mục tiêu này, cần làm việc với tinh thần khởi nghiệp, tinh thần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Hình thành tư duy định hướng lớn của Chính phủ là xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ” – Thủ tướng yêu cầu.
Đồng thời, Thủ tướng cũng khẳng định các cơ quan ban ngành trực thuộc Bộ Công Thương cần thực hiện theo tinh thần của Chính phủ là phát triển gắn với bảo vệ môi trường, bao gồm môi trường tự nhiên, môi trường sống và môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.
Thủ tướng khẳng định: “Cơ chế hỗ trợ của Nhà nước cũng phải thay đổi theo hướng chấm dứt cơ chế xin cho, không bao cấp và hỗ trợ cho sự yếu kém. Không thể cứ tiếp tục ném tiền vào những gang thép Thái Nguyên mấy nghìn tỷ nữa”.
Nhắc lại bài học từ vụ việc của Formosa, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Bộ Công Thương và địa phương phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và nhân dân nếu để xảy ra thảm họa môi trường.
Tái cơ cấu doanh nghiệp gắn tái cơ cấu bộ máy Bộ Công Thương
Bàn về các giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh Bộ Công Thương cần tiếp tục xây dựng văn bản, cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của người dân và doanh nghiệp do hội nhập mang lại.
Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ mạnh hơn, công nghiệp khai khoáng, có phương án phù hợp tăng xuất khẩu dầu khí. Thủ tướng yêu cầu tất cả các ngành hàng, Tập đoàn và Tổng công ty trực thuộc Bộ, doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực ngành phải tập trung vào sản xuất coi đó là giải pháp quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý thị trường, áp dụng biện pháp về phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật. Gắn liền với cải cách hành chính, nâng cao chất lượng thủ tục hành chính công.
Bộ Công Thương cũng cần phải đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN công khai minh bạch. Thủ tướng cũng lưu ý, Bộ Công Thương cần phải tái cơ cấu cả bộ máy thuộc Bộ, hiện có tới hàng trăm cơ quan trực thuộc và hàng vạn người.
“Bộ máy ta đông nhưng không làm được gì. Các lãnh đạo quản lý Bộ cần phải tái cơ cấu lại các bộ phận mình phụ trách, bộ máy cồng kềnh đi vào đi ra thì không có hiệu quả. Việc này nói mãi và vẫn chưa làm được” – Thủ tướng chỉ rõ.